Trận Hạnh Châu: 2.300 lính Triều Tiên làm nên kỳ tích trước 3 vạn quân Nhật!
Đối mặt với 3 vạn quân Nhật, binh sĩ Joseon chỉ có một con đường liều chết xông lên. Tuy nhiên, để thắng được đối thủ đông gấp 13 lần thì ngoài may mắn còn cần nhiều cái khác.
Trận Hạnh Châu (Haengju) là một phần của chiến tranh Imjin (1592-1598), cuộc chiến xâm lược Joseon của Toyotomi Hideyoshi, người đứng đầu Nhật Bản lúc bấy giờ.
Vào khoảng đầu năm 1592, Nhật Bản đưa gần 16 vạn quân rời khỏi đảo Tsushima để thực hiện dã tâm thống trị châu Á của mình. Theo tính toán của Hideyoshi, đầu tiên sẽ là láng giềng Joseon (Triều Tiên), sau đó là Trung Quốc rồi tiếp theo là chinh phạt khắp lục địa.
Trong vài tháng đầu tiên, đội quân từ đất nước mặt trời mọc hành quân, đánh chiếm thành lũy với tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên càng về sau, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là các cuộc chiến trên biển khi phải đối đấu với đại tướng Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thuần).
Trận hải chiến Myeongnyang kinh điển do tướng Yi Sun-sin chỉ huy.
Yi Sun-sin và hạm đội của mình đã đánh tan tác gần như mọi cuộc tấn công từ phía Nhật Bản, thậm chí ngay cả khi chỉ có 13 tàu chiến trong tay, ông cũng bẻ gãy được đợt tiến công của 130 chiến hạm Nhật vào Myeongnyang.
Những chiến thắng vang dội trên biển đã phần nào ngăn chặn được đà tiến công bên phía Nhật Bản vào Hoàng Hải.
Tuy nhiên, đến tháng 3/1593, quân Nhật đánh bại liên minh Joseon - nhà Minh trong trận chiến Pyokje. Thương vong bên phía bại trận là vô cùng lớn, rất nhiều binh sĩ đã đánh mất ý chí chiến đấu bởi nghịch cảnh trước mắt.
Thế nhưng vẫn có một nơi hừng hực khí thế dù cho quân số không nhiều.
Đó là 2.300 chiến binh được chỉ huy bởi đại tướng Kwon Yul của tỉnh Cholla. Họ cố thủ trong một pháo đài đất nhỏ nhìn ra sông Hàn. Đây cũng được xem là một trong những vị trí quan trọng. Nếu quân Nhật muốn tiến sâu hơn, họ buộc phải hạ gục được thành trì này trước.
Tướng Kwon Yul nhận thức rõ ràng được sức mạnh quân sự cũng như áp lực mà đội quân hơn 30.000 người mang lại, việc đối đầu trực diện với kẻ thù đông gấp 10 lần lực lượng bên mình không khác gì tự sát. Không khó để ông quyết định sẽ chiến đấu ở đằng sau những bức tường thành lớn.
Ông thực hiện những nỗ lực đầu tiên của mình vào tháng 10 năm 1592 tại căn cứ Tok-san - một ngọn núi chắc chắn ở phía Nam thủ đô. Pháo đài của Kwon Yul tại Haengju nổi lên là mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với người Nhật đang đóng ở Seoul. Và một trận chiến là không thể tránh khỏi.
Bên phía Nhật bản, rất nhiều tướng lĩnh quan trọng trong quân đội có mặt, từ Kobayakawa Takakage - vị tướng có công lớn bên phía Nhật trong trận Pyokje đến con trai nuôi của Hideyoshi là Ukita Hideie. Và kèm theo họ là hơn 30.000 binh lính thiện chiến.
Ukita Hideie - Con nuôi của Hideyoshi. Ảnh: samuelhawley
Bên trong pháo đài Haengju, tướng Kwon nắm trong tay 2.300 lính, bao gồm cả binh sĩ chính quy lẫn tình nguyện viên dân sự. Thậm chí cả phụ nữ từ các vùng xung quanh cũng tham gia, đưa số lượng người bảo vệ thành lên đến gần 10.000 người.
Dù số lượng tăng lên đáng kể thì cũng chưa là gì so với con số 3 vạn bên phía Nhật. Hơn thế nữa, thực tế trong số đó chỉ có khoàng 2-3.000 người có thể chiến đấu tốt. Không khó hiểu khi không khí trong thành ngày một nặng nề, sự lo lắng cũng ngày một tăng cao.
Trận chiến quyết định tại Haengju
Ngày 12/2/1593, trận chiến bắt đầu ngay sau khi mặt trời lặn. Nhật Bản tuy áp đảo về số lượng nhưng do địa hình của pháo đài, họ không thể nhất loại xông lên mà buộc phải chia thành các nhóm và thay phiên nhau tiến lên.
Sức mạnh của Nhật Bản lúc này là không thể bàn cãi, áo đảo so với bên phía Joseon. Tuy nhiên, một lần nữa địa hình lại gây khó khăn khi cung thủ bên phía Nhật không thể nhắm chính xác vào những binh sĩ bảo vệ thành vì họ phải bắn hướng lên dốc.
Đương nhiên, bên phía tướng Kwon không bỏ qua lợi thế đáng kể từ địa hình mà phản công trở lại bằng cung tên, gạch đá hay bất cứ thứ gì có thể cầm ném được. Họ cũng có một số vũ khí sử dụng thuốc súng, gồm một số khẩu pháo lớn chongtong và một hỏa tiễn hwacha .
Cụ thể, với mỗi cuộc tấn công của quân Nhật, Kwon Yul luôn chờ đợi cho đến khi kẻ địch đã bước hoàn toàn vào phạm vi tầm bắn rồi mới ra hiệu cho toàn bộ cung thủ, pháo thủ và hỏa tiễn Hwacha nhất loạt bắn lên.
Chiến thuật này tỏ ra hiệu quả khi đẩy lùi liên tiếp 3 đợt tấn công của quân Nhật, buộc chúng phải rút lui.
Những đợt tấn công liên tiếp nổ ra, những chiến thuật khác nhau cũng được tướng lĩnh Nhật áp dụng. Họ còn mang cả cỏ khô, rơm kho để kín dưới chân tường thành để chuẩn bị cho hỏa công nhưng rất may, binh lính của Kwon đủ tỉnh táo để kiểm soát tình hình.
Nhưng càng đánh lâu, phía Joseon càng bất lợi khi những mũi tên cạn kiệt dần, nếu hết hẳn, họ không thể cầm chân quân Nhật ở ngoài thành và đó sẽ là ác mộng thực sự! Đúng lúc này, tướng Yi Bun mang đến 10.000 mũi tên giúp cho Kwon Yul và binh sĩ của mình đứng vững đến cuối ngày khi các đợt tấn công kết thúc.
Kết quả, phía Nhật không chiếm được "địa lợi" nên tổn thất nặng nề về quân số, hàng nghìn người đã chết, thậm chí những tướng lĩnh quan trọng như Ukita Hideie, Ishida Mitsunari và Kikkawa Hiroie cũng bị trọng thương.
Không thể chiếm được thành lũy này không khác gì một gáo nước lạnh dội vào tham vọng chinh phạt của Hideyoshi. Suốt buổi tối hôm đó, những binh sĩ Nhật còn sống tập trung hết những gì có thể mang đi rồi trở về bởi họ không thể hạ gục được tinh thần cũng như quân đội "chắp vá" của Kwon Yul.
Đây được biết là một trong những thắng lợi quan trọng nhất trong chiến tranh Imjin, cùng với trận đại thủy chiến Myeongnyang, nó thay đổi cục diện "ván bài" và giúp nhà Joseon nâng cao sĩ khí thêm một lần nữa để đối đầu với quân Nhật hùng mạnh.