Trầm cảm khiến người thành công, nổi tiếng vẫn tuyệt vọng tới mức tìm tới cái chết: Những người xung quanh liệu có liên quan?
Người nhà của những người tự tử vì trầm cảm luôn rất sốc, họ không hề nghĩ người thân của họ lâm vào tình trạng nghiêm trọng đến vậy. Tại sao người ta không thể nhận biết những người thân yêu của mình đang phải chịu đựng căn bệnh tâm lý quái ác này?
Trong xã hội hiện đại ngày nay, trầm cảm là một căn bệnh đáng lo ngại. Đã có rất nhiều người tự tử vì căn bệnh tinh thần tưởng chừng như không nguy hiểm này, trong số đó có cả những người nổi tiếng, những ngôi sao đang trên đỉnh cao thành công. Điển hình là việc đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain tự tử mới xảy ra hồi đầu tháng 6.
Đầu bếp Bourdain được biết đến nhiều ở Việt Nam khi cùng cựu tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Năm của ông năm 2016. Cả thế giới ngỡ ngàng trước cái chết của ông khi đang có sự nghiệp thành công, danh tiếng và cả sự yêu mến của người yêu ẩm thực. Bạn gái Asia Argento của ông Bourdain cũng "rụng rời" trước sự ra đi của đầu bếp tài hoa.
Tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của người đàn ông nổi tiếng này, người ta bất ngờ khi phát hiện ông từng đề cập đến cái chết trong một bài phỏng vấn với tạp chí People trước đó. Không những thế, chính ông cũng tiết lộ từng có ý định tự tử nhưng đã vượt qua được những suy nghĩ tiêu cực đó nhờ con gái.
Vậy tại sao, người nổi tiếng, giàu có và dường như có tất cả trong tay như Anthony Bourdain lại để nỗi u uất vì trầm cảm nhấn chìm và dẫn tới quyết định tự tử? Vì sao những người thân thiết xung quanh không thể nhận ra ông đang bị trầm cảm hành hạ đến tuyệt vọng?
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc với Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để có lời giải đáp.
Các yếu tố của cuộc sống hiện đại là nguyên nhân khiến căn bệnh trầm cảm gia tăng
Ảnh: Spiderum.
Tại thời điểm này, có thể nói trầm cảm là một trong những căn bệnh tâm lý phổ biến nhất trên thế giới. Nó có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Số lượng người trẻ bị trầm cảm không ngừng tăng qua các năm, kèm theo các những vụ tự tử xảy ra ngày một nhiều.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Dương Minh Tâm, nguyên nhân số 1 gây nên trầm cảm là stress, căng thẳng trong cuộc sống. Khi cuộc sống càng phát triển thì người ta càng phải đối mặt với nhiều áp lực, khiến tinh thần căng thẳng mệt mỏi hơn. Việc nghiện thuốc, nghiện mạng xã hội, nghiện game đang ngày càng phổ biến... cũng dẫn tới trầm cảm khi nó chiếm quá nhiều thời gian hàng ngày, khiến chúng ta không thể thỏa mãn tinh thần.
Người bị bệnh trầm cảm rất khó chia sẻ với người khác. Họ chìm đắm trong nỗi chán chường, buồn bã mà không thể giải toả. Sự căng thẳng, chán chường càng bị kìm nén thì càng khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Ở mức độ trầm cảm nhẹ và vừa, người bệnh có thể cố kìm nén, giấu đi cảm xúc thật của bản thân, tự giải quyết những vấn đề của mình. Nhưng khi tình trạng trầm cảm kéo dài với các triệu chứng buồn chán nhiều, suy nghĩ tiêu cực, bi quan trong khi mọi người xung quanh không thể hiểu, bệnh nhân không thể vượt qua được chính mình thì mới tìm đến cái chết thực sự để giải thoát.
Lỗi đáng trách của những người thân "vô tâm"
Tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân đến khám, sau khi bác sĩ kết luận là bị trầm cảm thì rất nhiều người thân của bệnh nhân tỏ ra rất ngạc nhiên. Họ cho rằng bệnh nhân còn tỉnh táo, khôn ngoan thì không thể bị trầm cảm được. Trong lúc đó, nhiều bệnh nhân khóc nấc và nói rằng: Đúng là chỉ có bác sĩ và người cùng cảnh ngộ mới hiểu được nhau, người thân cũng không thể hiểu được bệnh trầm cảm.
Ảnh: Internet.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Minh Tâm, bệnh trầm cảm có rất nhiều dấu hiệu dễ nhận biết, nhưng những người xung quanh thường không thừa nhận, thậm chí bác bỏ tâm sự của người bệnh. Bởi khi nhìn với nhãn quan của một người bình thường, các dấu hiệu của bệnh trầm cảm như chán chường, mệt mỏi kéo dài không nghiêm trọng. Họ không thể thấu hiểu được những gì mà bệnh nhân bị trầm cảm đang trải qua để có thể cảm thông và chia sẻ.
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến những bệnh nhân trầm cảm càng thu mình vào, kìm nén và giấu những cảm xúc tiêu cực. Điều này khiến tình trạng tinh thần của họ ngày càng tồi tệ hơn và không có lối thoát.
Bệnh trầm cảm không phân biệt giới tính, tuổi tác, giàu nghèo, vị trí đại lý, địa vị xã hội, tính cách... Ngay cả những người vui vẻ, thông minh, hài hước, những người cực kỳ thú vị cũng không thể miễn trừ.
Chính vì vậy, bệnh không loại trừ những người giàu có thành đạt. Đôi khi, giàu có nổi tiếng lại là áp lực lớn đối với cuộc sống. Họ phải gồng mình lên để chống chọi lại cảm giác đơn độc trong thế giới của riêng mình, không tìm được mục đích để tồn tại.
Căn bệnh trầm cảm là một nỗi đau tuyệt vọng không lý do rõ ràng. Người bị bệnh trầm cảm vẫn hoàn toàn tỉnh táo và có lý trí để đánh giá mọi việc. Nhưng họ lại thường nhìn mọi thứ dưới lăng kính tiêu cực. Cảm giác chán chường, tự ti, buồn bã đều là cảm xúc chủ quan và khó ai có thể giải thích được. Khi họ không thể vượt qua được những cảm giác yếu mềm, bế tắc của bản thân, họ tìm đến cái chết như một cách giải thoát.
Vượt qua căn bệnh trầm cảm
Những biện pháp thông thường, những lời an ủi, động viên dường như không có tác dụng gì với người bị trầm cảm. Người ta thường khuyên người bị trầm cảm mạnh mẽ lên, lạc quan hơn, nên nhìn xem còn bao nhiêu người khác thiếu may mắn hơn... Những lời lẽ này sẽ càng nhanh giết chế người trầm cảm. Họ đầy đủ lý trí, khôn ngoan để hiểu những điều trên, nhưng họ đâu thể làm được.
Để tránh bệnh trầm cảm, mỗi người cần học cách chuẩn bị tâm lý, kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống. Hãy hiểu rằng mọi chuyện đều có 2 mặt tích cực và tiêu cực, nhận biết được điều đó, bạn có thể chuẩn bị tâm lý đón nhận những điều không hay một cách dễ dàng hơn.
Mọi người quan sát, để tâm đến người thân của mình để phát hiện bệnh trầm cảm sớm. Điều quan trọng nhất đối với người bệnh trầm cảm là sự lắng nghe, thấu hiểu. Đừng để xảy ra tình trạng, bệnh nhân thì cố gắng chia sẻ nhưng những người xung quanh lại bác bỏ, phủ nhận cảm xúc của họ, để đến khi xảy ra chuyện đáng tiếc mới hối hận. Trong những vụ tự tử vì trầm cảm, người nhà của các bệnh nhân cũng đáng trách vì đã không kịp thời nhận ra và chia sẻ.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, 80% bệnh nhân bị trầm cảm không được điều trị. Trong 20% được điều trị thì chỉ có 4% được điều trị đúng còn lại 16% điều trị không đúng. Nguyên tắc điều trị là "tiểu nhân chữa triệu chứng, trung nhân chữa bệnh, đại nhân chữa người". Mỗi bệnh nhân trầm cảm cần một phương án điều trị khác nhau. Dựa theo tính cách, con người của bệnh nhân, nguyên nhân dẫn tới bệnh, bác sĩ có cách điều trị phù hợp tận gốc của căn bệnh.
Nhưng trước khi cần đến sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ, sự lắng nghe, thấu hiểu của những người thân rất quan trọng đối với bệnh nhân trầm cảm. Khi một người bị trầm cảm chia sẻ, thổ lộ suy nghĩ, người thân không nên khuyên họ hãy lạc quan, vui vẻ, tích cực lên. Những lời khuyên đó thực tế chỉ làm người bệnh khó chịu hơn bởi người bị trầm cảm hoàn toàn nhận thức được điều đó nhưng họ không thể vượt qua được.
Hãy dành thời gian ở bên cạnh, lắng nghe, chia sẻ thổ lộ bên trong của bệnh nhân. Khi bệnh nhân cảm nhận được sự lắng nghe thấu hiểu của người xung quanh thì nỗi buồn sẽ vơi đi mà không cần quá nhiều lời giải thích.
Những cái chết do tự tử của những ngôi sao chứng minh tiền bạc, danh tiếng chưa chắc là vé đảm bảo cho cuộc sống hạnh phúc. Đó là hậu quả của sự cô độc tột cùng, sự tuyệt vọng của một con người hiểu rõ mình chẳng thể làm gì khác.
Khi bạn có suy nghĩ rằng cuộc sống này thật tồi tệ, chán chường, hãy tự nhìn lại bản thân mình, kiểm soát cảm xúc lâu dài và toàn diện hơn. Bạn hoàn toàn có thể chiến thắng được căn bệnh này nhờ sức mạnh tâm thức của chính mình. Hãy làm chủ cảm xúc. Đừng để trầm cảm hạ gục bạn!