Trải thảm đón sóng đầu tư: Không làm theo phong trào!
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc manh nha cho sự dịch chuyển dòng vốn FDI trên thế giới. Đại dịch COVID-19 như chất xúc tác khiến quá trình dịch chuyển này nhanh chóng hơn và mở ra cơ hội cho Việt Nam. Đón đầu cơ hội này, hàng loạt khu công nghiệp được các DN ồ ạt đầu tư để “lót ổ” đón dòng vốn FDI.
“Thỏi nam châm” thu hút đầu tư
Sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) với mục tiêu thu hút vốn đầu tư FDI đã tạo điều kiện cho mô hình khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế được “khai sinh”. Kể từ khi KCN đầu tiên do công ty Nhật Bản xây dựng với diện tích 153 ha tại Hải Phòng, mô hình KCN được xem như “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn FDI. Tính đến tháng 3/2020, cả nước có 335 KCN được thành lập. Tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97,8 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 66,1 nghìn ha. Trong tổng số KCN được thành lập, có 260 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 68,7 nghìn ha và 75 KCN đang xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy của KCN đang hoạt động đạt khoảng 75,7%.
Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, với sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư FDI của các DN ra khỏi Trung Quốc và tác động của dịch COVID-19, một lần nữa, việc phát triển các KCN mới được nhà đầu tư trong nước rầm rộ đầu tư. Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có tới 5 KCN mới được thành lập với diện tích đất khoảng 800 ha. Trong khi đó, cả năm 2019, cả nước chỉ có 4 KCN thành lập mới so với năm 2018. Tỷ lệ lấp đầy cũng tăng thêm 1,5%, lên con số 75,7% trong 3 tháng đầu năm 2020.
Ngoài việc thành lập mới, để đón dòng vốn FDI chuyển dịch, nhiều KCN trước đây bị bỏ hoang nay được “hồi sinh”. Tiêu biểu như dự án KCN Việt Hòa - Kenmark (Hải Dương) quy mô 46 ha của nhà đầu tư Đài Loan hứa hẹn vốn đầu tư 500 triệu. Sau 3 năm xây dựng dở dang, chủ đầu tư “biến mất” để lại khoản nợ cho hàng loạt ngân hàng. Sau nhiều lần bán đấu giá thất bại, năm 2019, Công ty Nhựa và Môi trường xanh An Phát đã mua lại KCN này và đầu tư xây dựng, đổi tên thành KCN Kỹ thuật cao An Phát. Đến nay, KCN đã dần được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng thu hút nhà đầu tư đến thuê mặt bằng.
Đại diện Tập đoàn Sao đỏ - chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ tiết lộ đã đón nhiều đại diện các DN FDI đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tiêu biểu như, đại diện SK E&C (trực thuộc tập đoàn SK - một trong 4 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trước đó, SK rót khoảng 1,5 tỷ USD vốn đầu tư tại Việt Nam và cho biết sẽ không ngừng mở rộng quy mô đầu tư.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, đang tổng hợp làn sóng chuyển dịch đầu tư trên thế giới. Làn sóng dịch chuyển đầu tư này mở ra cơ hội cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
“Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài có ý định dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam về các yếu tố như phương thức ưu đãi, mong muốn của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang sửa Luật Đầu tư để bổ sung quy định nhằm đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển”, ông Hoàng cho biết.
Cần quy hoạch đồng bộ
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, bên cạnh những thành công, việc phát triển KCN mọc lên ồ ạt theo “phong trào”, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng môi trường. Trong bối cảnh hiện nay, để đón làn sóng đầu tư mới, rất cần một bàn tay “nhạc trưởng” định hướng phát triển KCN bền vững theo chiều sâu, đạt hiệu quả kinh tế và thân thiện môi trường.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài đánh giá, dù phát triển từ lâu nhưng hạ tầng KCN của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện nay, nhiều DN đầu tư KCN chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Thậm chí, có KCN không có đường giao thông để vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa.
“Cần quy hoạch, không thể làm theo phong trào ồ ạt mở rộng KCN. Bất động sản KCN không chỉ là bán quyền cho thuê đất mà còn phải đồng bộ dịch vụ. Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT cần có nghiên cứu, quan sát để đưa ra quy hoạch cụ thể, không thể để tình trạng rầm rộ xây dựng KCN theo phong trào ở các địa phương”, ông Toàn kiến nghị.
Ông Toàn cho rằng, điều tối quan trọng với hạ tầng KCN là phải có khu xử lý chất thải rắn và nước thải tập trung. Bởi khi đầu tư bất cứ dự án nào, việc đảm bảo yếu tố môi trường rất quan trọng. DN FDI tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải rất khó khăn. Giá xử lý nước thải cũng phải minh bạch để nhà đầu tư tính vào chi phí thực hiện dự án.
Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu, tổng vốn đầu tư đăng ký vào KCN đến năm 2030 đạt 2.700 - 3.200 nghìn tỷ đồng và 280 - 330 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện trong KCN khoảng 1.500 - 2.000 nghìn tỷ đồng và 240 - 290 tỷ USD. KCN giải quyết việc làm cho 5 - 6 triệu lao động vào năm 2025 và 7 - 8 triệu lao động vào năm 2030.
Đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội
Sáng 26/5, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các địa phương cần tận dụng cơ hội từ việc đã kiểm soát, chống dịch COVID-19 để thu hút đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các vùng KTTĐ, nhất là các trung tâm kinh tế, phải là những điểm thu hút đầu tư, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu. Có chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic, đặc biệt là nhân lực, để phục vụ nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao.
Về thể chế phát triển vùng KTTĐ, theo Thủ tướng, còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát, đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp cho vùng KTTĐ mang tính đặc thù, vượt trội, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế để đạt mục tiêu này. Với từng vùng KTTĐ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, vùng KTTĐ Bắc bộ cần tập trung thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng…; Vùng KTTĐ miền Trung tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển hệ sinh thái ô tô; Vùng KTTĐ phía Nam tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; Vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long, cần phát triển mạnh mẽ các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt các loại nông sản chủ lực, tôm, cá tra, trái cây...
Văn Kiên