img

Năm 2011, tôi học cấp 2, cụm từ “Cát Linh - Hà Đông” đọng lại trong tôi qua tiếng đài của ông ngoại, khi ấy dự án mới được khởi công xây dựng. Báo đài đưa tin sốt dẻo lắm, làm ông nhớ đến những năm 80 của thế kỷ trước, cái hồi mà cầu Chương Dương cũng được công bố xây dựng và khánh thành, đâu đó chỉ mất 2 năm. Ông ngoại kể những ngày cầu mới lưu thông, chẳng có chuyện gì sang Long Biên nhưng cả ngõ vẫn kéo nhau lên cầu, đi thử cho biết. Vậy mà vui, mà tay bắt mặt mừng, gọi điện về quê khoe khắp xóm. 

Cảnh tượng y hệt như cách người thủ đô trải nghiệm tàu điện Cát Linh - Hà Đông bây giờ. Chưa chắc đã có việc gì, nhưng vẫn lên tàu, ngồi đến ga cuối rồi lại vòng về, từ các ông bà, bố mẹ, thanh niên cho tới trẻ em. Xem tin tức những ngày này, chẳng khó để bắt gặp những gương mặt mừng rỡ, háo hức của người thủ đô khi trải nghiệm tàu điện. Cũng đã quá lâu, Hà Nội mới có một thứ gì mới, từ quy mô cho tới hình thức mà gây náo động như đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Cả khi đã khai trương được một tuần, nhà ga và các chuyến tàu vẫn tấp nập. Có người lần đầu thử, lạ lẫm với mọi thao tác; có người đã lên tàu mỗi ngày để đi làm - về nhà; cũng có những bạn trẻ như tôi, lên tàu ngắm nghía thành phố, thấy trạm nào đẹp thì dừng lại, chụp vài kiểu ảnh hoặc xuống phố khám phá. Rong ruổi ăn uống xong thì lên tàu đi ngược về, tôi và mấy người bạn tự cho phép một ngày rảnh rang như thế.

Một ngày rảnh rang du lịch Hà Nội, ngắm thành phố trôi qua ô cửa, đến khi những gợn mây trắng trên nền trời xanh chuyển thành áng cam hồng ở vòm cửa nhà ga Yên Nghĩa. 

Chà, một ngày đẹp trời là như thế!

Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 2.
Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 3.

Ý tưởng cho chuyến du lịch ngắn ngày thực chất bắt nguồn từ lời rủ đi chụp ảnh của cô bạn tôi. Một ngày Hà Nội nắng đẹp quá đỗi, mà rảnh, thế là chúng tôi cùng nhau phối đồ đi chụp ảnh. Chụp ảnh xong kiểu gì cũng khát nước, đói bụng, tiện tìm luôn mấy chỗ ăn chơi gần gần mạn đường sắt. Vừa đi vừa chụp, mệt thì nghỉ, túc tắc từ gần trưa tới lúc chiều tà, chúng tôi băng qua những cảm xúc từ trầm trồ vì nhà ga sạch đẹp ngoài tưởng tượng; sướng rơn vì tàu rộng và chạy êm; đến lặng thinh trước bản phối màu rực rỡ của hoàng hôn trên chuyến tàu điện mang hơi thở tương lai.

Với chiều dài 13,5km, qua 12 nhà ga, thời gian để bạn đi một mạch từ ga Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đến ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) cần khoảng 25 phút. Nếu vừa đi vừa chụp ảnh như chúng tôi, nhà ga nào cũng dừng lại để… ngắm màu tường gạch thì sẽ mất khoảng 2 tiếng để đi đến ga cuối, cùng một bộ ảnh đẹp như phim điện ảnh. Nhưng đã gọi là đi chơi, thì cũng cần phải ra vào vài ga, xuống ngắm phố phường ngang dọc coi thế nào, thấy quán gì hay thì ghé nghỉ một lúc, nhỉ? Thế là bạn và tôi sẽ có cả nửa ngày để thăm thú Hà Nội, đặc biệt còn được đến khu Hà Đông - bình thường ngại xa, ngại nắng, ngại bụi nên chẳng có động lực phi xe máy xuống, giờ có tàu điện rồi, khoẻ re!

Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 5.

10h - 11h và 14h - 16h là hai quãng thời gian đẹp nhất để đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Nắng chiếu xiên, từ ô cửa tô vẽ những mảng trong như ngọc trên sàn tàu. Đồng thời, không phải giờ cao điểm nên tàu khá vắng, thư thả có ghế ngồi, chụp ảnh thì tránh phiền những người xung quanh. Ngồi trên tàu, nghiêng người tựa đầu vào cửa sổ ngắm thành phố, nếu có chợt nghĩ mình là nhân vật chính trong phim hay MV thì âu cũng hợp lý. Sến, mà thích!

Không hoài cổ như hồ Gươm, hay tươi mát như hồ Tây, những tuyến phố chạy phía dưới đường tàu Cát Linh - Hà Nội (mạn từ ga Thượng Đình đổ ra) lại đem đến góc nhìn đúng chất đô thị đang phát triển, với những con đường rộng thênh thang, phương tiện cỡ lớn, bụi và gió… Đó sẽ là cảm nhận mới mẻ với những hành khách trước giờ chỉ ở khu vực trung tâm. Nhưng qua ô cửa sổ, dưới bầu trời xanh ngát và ánh nắng vàng ruộm, những mảng màu xám đô thị bỗng “thơ” hơn vài phần.

Ngắm bầu trời mở rộng trước mắt qua ô cửa sổ thực sự là một cảm giác dễ mê mẩn

Trong chuyến vi vu Hà Nội bằng tàu điện, xuất phát từ ga Cát Linh, chúng tôi tạm dừng và xuống đường ở hai trạm, một là Thái Hà, hai là Yên Nghĩa. Ở Thái Hà là để đi bộ ngắm cảnh, ăn trưa. Ở Yên Nghĩa là để nhìn tận mắt hoàng hôn chân trời phía Tây thành phố. Thực ra các ga còn lại thì cũng xuống tàu, nhưng chúng chỉ quẩn quanh ở trong nhà ga để chụp ảnh, ngó nghiêng. Còn nếu đã đi vào buổi chiều, nhất định bạn nên căn thời gian có mặt ở ga Văn Khê hoặc Yên Nghĩa tầm 17h nếu không muốn bỏ lỡ hoàng hôn.

Nếu ví khu Hoàng Cầu - Thái Hà như “thung lũng” để hành khách nghỉ ngơi, ăn uống sau một buổi sáng chụp ảnh “cháy máy” thì khu Văn Khê - Yên Nghĩa chính là “đỉnh núi” với view hoàng hôn tuyệt đỉnh. Không có quá nhiều nhà cao tầng, nơi này mở ra khoảng trời vời vợi tới tận chân mây. Thứ ánh sáng hồng - cam - tím bao trùm không gian, hắt lên nhà ga những mảng màu mê hoặc. Ở giữa thủ đô nếu không phải khu hồ Tây, ít có nơi nào chân trời đủ bao la để phóng tầm mắt vào thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm như vậy. Ngắm hoàng hôn xong lại nhảy lên tàu, ngồi một mạch 25 phút không tắc đường, không khói bụi tới ga Cát Linh. Một ngày chill cùng Hà Nội khép lại như vậy là quá mãn nguyện!

Ánh hoàng hôn rực rỡ trong sân ga

Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 8.
Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 9.
Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 10.

Khi thành phố có quán nào mới mọc lên, có công trình nào mới hoàn thiện, giới trẻ đều nhanh chóng tìm đến… check-in. Các khu nhà ga và tàu điện Cát Linh - Hà Đông không phải ngoại lệ. Hồi vài năm trước còn bỡ ngỡ, giờ thì đa số mọi người đều đã quen với việc những bạn trẻ năng động, có gu, sẵn sàng đầu tư tiền triệu cho những bộ ảnh chỉ để giới thiệu một địa điểm mới, sao cho xịn nhất, bắt trend nhất. Ai bảo các bạn ấy lãng phí, rồi tốn thời gian thì dường như chưa biết tới những bộ ảnh chuyên nghiệp, những thước phim đầy chất nghệ, những vlog trơn tru và bổ ích do chính “tụi trẻ con” đó làm ra, từ khi mới học cấp 3, đại học.

Ngay từ ngày đầu tiên đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành, đã có hàng chục bộ ảnh, clip review thu hút lượng tương tác khổng lồ trên mạng xã hội. Một tuần sau đó, khu nhà ga và tàu điện xuất hiện dày đặc với đủ thể loại concept quay chụp được thực hiện bởi các bạn trẻ, với những góc chụp nói không quá thì thơ mộng chẳng khác phim Hàn, Nhật, Thái Lan… Như đã nói, tôi và nhóm bạn chỉ mất quãng thời gian khoảng 2 tiếng để đi đủ 12 nhà ga và thoải mái chụp hình. Góc chụp nhiều, nhưng chung quy là có những khu vực cơ bản sau đây:

Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 12.

Dẫu biết chuyện chụp hình check-in từ trước đến nay có không ít tranh cãi, nhưng với những người trẻ hiện đại, yêu cái đẹp và biết cách biến mọi thứ trở nên đẹp hơn dưới ống kính, đó chính là cách họ thể hiện tình cảm của mình với cảnh vật, con người; đồng thời quảng bá vẻ đẹp quê hương thiết thực mà không hề phô trương. Tuy nhiên, dù đến ga Cát Linh hay bất cứ địa điểm nào cũng cần chú ý giữ gìn tài sản chung, bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng tới những người xung quanh và đảm bảo phòng dịch bạn nhé!

Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 15.

Là cây cầu thép đầu tiên được thiết kế và thi công hoàn toàn bởi các kiến trúc sư người Việt Nam, cầu Chương Dương năm đó được ví như sự đổi mới của thủ đô, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Gần 40 năm sau, đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngày hôm nay cũng mang một làn gió mới cho người dân cả nước, không chỉ là một lựa chọn về phương tiện công cộng đơn thuần, mà còn là sự thay đổi trong thói quen di chuyển, nề nếp sinh hoạt, ý thức bảo vệ cảnh quan...

Cách đây vài hôm, tôi đọc được một câu chuyện của một chị nhân viên văn phòng, đại khái là, chị nghe tin gần nhà sẽ có tàu điện chạy thẳng tới khu trung tâm từ lúc mới lấy chồng, đến nay tàu vận hành, chị đã có 3 người con. Đó chỉ là một trong vô số câu chuyện để “đo đạc” quãng thời gian chờ con tàu điện của người dân thủ đô. 10 năm ròng rã cho tuyến đường sắt trên cao đầu tiên.

Dẫu vẫn còn vài điểm chưa hài lòng toàn bộ người dân, còn vài bất tiện khi sử dụng, nhưng âu tàu điện Cát Linh - Hà Đông cũng là viên gạch đầu tiên, đặt trên con đường xây dựng mạng lưới giao thông đô thị văn minh, hiện đại. Ngoài đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào hoạt động, Hà Nội còn 5 tuyến khác đang triển khai. 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa? Chẳng rõ tới khi nào các công trình hoàn thiện, kết nối mạng lưới đường sắt trên cao của Hà Nội. Có những sự thay đổi, chúng ta không thể nhìn ra ngay trong ngày hôm nay. Trồng một chậu hoa; học một ngôn ngữ mới; hay xây dựng một công trình đường sắt nghìn tỷ. Việc của chúng ta là tận hưởng quá trình mầm cây mới nhú đến ngày hoa khoe sắc; rèn giũa từ những chữ vỡ lòng đến khi thành thạo ngoại ngữ; hay sống và làm lụng chăm chỉ tới lúc được đặt lưng trên ghế tàu, ngắm Hà Nội sầm uất qua ô cửa nên thơ...

Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 17.
Trải nghiệm Hà Nội với tuyến tàu điện đầu tiên, ngắm thành phố đẹp nao lòng qua ô cửa, một ngày đẹp trời là như thế! - Ảnh 18.
Hoài An
Hoài An
Quý Nguyễn, Hoàng Anh
Khánh Linh, Hoài An
Tuấn Maxx, Trường Dương
LTVinh
19/11/2021

Pháp luật và bạn đọc