Trải lòng của chàng kỹ sư phần mềm quyết định nghỉ hưu sớm khi mới ngoài 40: Ước được quay lại tuổi 20 để sửa sai, đến lúc nhận ra đã quá muộn
'Lẽ ra tôi đã có những giây phút vui vẻ, tiệc tùng và tán gẫu mọi chuyện với bạn bè'.
Trong tập gần đây của chương trình radio Afford Anything (Mỹ), Brandon Ganch (biệt danh MadFientist) cho biết bản thân không hối tiếc khi gây dựng tài sản bằng cách tiết kiệm 70% thu nhập và nghỉ hưu sớm. Dẫu vậy, trong khoảng thời gian này, anh chàng luôn cảm thấy thiếu thốn vì tài sản dù gì cũng chỉ hữu hạn.
“Cả tôi và vợ đều không mấy vui vẻ”, anh nhớ lại.
Trước khi nghỉ hưu sớm, cựu kỹ sư phần mềm cùng vợ sống rất tằn tiện để theo đuổi tự do tài chính. Hiện tại, khi đã có hai con, thói quen chi tiêu của Ganch bắt đầu thay đổi thay vì siêu tiết kiệm. Anh ưu tiên những thứ chất lượng, mua nhà ở Scotland, điều dĩ nhiên điều này sẽ khiến tài sản của hai vợ chồng co rút ít nhiều.
“Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác sở hữu nhà. Tôi biết mọi thứ đều có giá của nó và không quá ám ảnh việc tiết kiệm từng đồng nữa”, anh nói.
Quan điểm của Ganch thay đổi sau khi đọc cuốn sách Die with Zero của Bill Perkins, trong đó nhấn mạnh phải cân bằng giữa mục tiêu độc lập tài chính và khả năng hưởng thụ cuộc sống. Thay vì chỉ tập trung tiết kiệm cho tương lai, đừng quên chăm sóc chất lượng đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Nhìn lại, Ganch ước gì mình đã có thể tham gia nhiều trải nghiệm hơn ở tuổi 20, như các bữa tiệc độc thân anh bỏ qua vì vé máy bay đắt đỏ.
“Tôi không muốn ra ngoài uống đến say khướt dịp cuối tuần với bạn bè khi đã 40 tuổi. Nhưng tôi tiếc vì đã bỏ lỡ trải nghiệm đó năm 20 tuổi. Lẽ ra tôi đã có những giây phút vui vẻ, tiệc tùng và tán gẫu mọi chuyện với bạn bè”, anh nói. “Đừng cố gắng tối đa hóa tài sản, mà hãy tối đa hóa trải nghiệm”.
Cũng như Ganch, Alex Trias ước mình không quá tập trung cho mục tiêu nghỉ hưu sớm. Trias nghỉ hưu ở tuổi 41, sau đó cùng vợ chuyển đến sinh sống tại Bồ Đào Nha. Suốt nhiều năm, biến động danh mục đầu tư đã trở thành nỗi ám ảnh bởi nếu thua lỗ, anh chàng sẽ cảm thấy rất lo sợ.
“Sự hối hận lớn nhất của tôi không phải về chi tiêu, mà là suy nghĩ. Lúc nào tôi cũng nghĩ về việc mua vào ở giá thấp, chờ đợi và bán ra khi giá cao. Tôi thậm chí không có thời gian nhìn lại xem mình đã căng thẳng đến mức nào”, anh cho biết trên CNBC.
Trias cho rằng việc quá quan tâm đến biến động tài sản ngày này qua ngày khác sẽ phản tác dụng.
“Hãy tập trung vào thói quen bạn đang hình thành, thay vì chỉ chú ý đến kết quả”, anh nói.
Jim Cramer, một nhà đầu tư triệu phú người Mỹ, từng chia sẻ quan điểm cá nhân về phong trào tự do tài chính, nghỉ hưu sớm, hay còn được gọi là FIRE. Ông cho rằng nếu điều này xảy ra quá sớm, “bạn sẽ phải trả một cái giá không rẻ trong suốt phần còn lại của cuộc đời”.
Theo Cramer, nguyên nhân là những người nghỉ hưu sớm hàng thập kỷ so với thông thường có thể sẽ cần số tiền tiết kiệm nhiều hơn họ nghĩ. “Sống lâu cũng tốt nhưng nếu sống lâu hơn dự tính, bạn sẽ lấy tiền đâu để trang trải các chi phí trong khi không làm việc, kiếm tiền?”, Cramer đặt vấn đề, đồng thời tỏ ra hoài nghi với phong trào FIRE. Với FIRE, mục tiêu là đưa càng nhiều thu nhập vào các khoản đầu tư càng tốt – khoảng 50% đến 75% thu nhập, để bạn có thể nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 30 hoặc 40.
“Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người muốn nghỉ hưu sớm. Họ muốn có thời gian để thực hiện những điều tuyệt vời như chinh phục đỉnh Everest, khám phá các Kim tự tháp ở Ai Cập. Tuy nhiên, lối sống tốn kém đó có thể dễ dàng khiến kế hoạch nghỉ hưu sớm của họ đổ bể”, Cramer nói và cho rằng nhu cầu của chúng ta cũng sẽ thay đổi khi già đi. Nếu chỉ tích lũy đủ tiền để trang trải cho các chi phí sinh hoạt thường ngày từ lúc nghỉ hưu năm 30 – 40 tuổi, làm sao bạn có thể chi trả cho những nhu cầu mới lúc về già?
Vì những lý do trên, Cramer khuyên mọi người nên cân nhắc và tính toán thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định nghỉ hưu sớm. Ông gợi ý rằng trong thời gian nghỉ hưu sớm đó, bạn hoàn toàn có thể làm một công việc nào đó không quá áp lực để vẫn có duy trì một nguồn thu nhập nhất định.
Theo: CNBC, Business Insider