Trà sữa, bánh tráng trộn và đồ ăn vặt bữa xế đã giúp công ty phát triển như thế nào?

14/10/2022 09:35 AM | Kinh doanh

Một khảo sát cho thấy, lý do lớn nhất nhân viên nghỉ việc là vì họ bị mất kết nối với văn hoá và con người tại doanh nghiệp. Trong trường hợp này, không phải chỉ những chiến lược sâu xa mới có thể “cứu” doanh nghiệp. Trà sữa và bánh tráng trộn cũng có thể.

Người lao động đang mất kết nối hơn bao giờ hết

Theo báo cáo của Mercer tại Hội thảo công bố báo cáo lương, thưởng Talentnet – Mercer 2022, người lao động hiện nay đang đối mặt với nhiều nhân tố áp lực khác nhau. Đơn cử như với các bậc cha mẹ, căng thẳng do chăm sóc con cái khiến họ mất đến 2 ngày làm việc năng suất mỗi tuần. Hay gen Z thì lo lắng về tương lai và sự nghiệp, trong khi thế hệ trung niên thì quan tâm đến sức khỏe thể chất và tài chính. Sự cô đơn cũng tăng lên do giãn cách, làm việc từ xa và thiếu kết nối với cộng đồng.

Đó có thể là lý do khiến ‘quiet quitting’ hay ‘âm thầm bỏ viêc’ trở thành từ khóa rất ‘nóng’ hiện nay trong cộng đồng nhân sự. ‘Quiet quitting’ giống như một lời phản kháng của nhân viên với những áp lực trong công việc, khi họ chỉ làm việc đúng trách nhiệm, đúng yêu cầu và đúng giờ cũng như từ chối cống hiến thêm. Đây có thể xem là một trào lưu mới, nhưng bản chất lại đến từ một vấn đề khá cũ: sự thiếu kết nối giữa nhân viên với nơi làm việc.

photo-1665712849546

Theo Gallup, nhân viên thiếu kết nối đã thổi bay đến 7.800 tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu do giảm năng suất làm việc, tương đương 11% GDP toàn cầu. Một khảo sát gần đây của họ cũng cho thấy cứ 18 lao động Mỹ gắn kết với doanh nghiệp thì lại có 10 người mất kết nối mạnh mẽ với công việc. Đây là tỉ lệ thấp nhất trong vòng gần một thập kỉ qua.

Con số khổng lồ này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ nghiêm túc về việc khuyến khích các tương tác xã hội. Đây cũng là chiến lược các chuyên gia nhân sự tư vấn để gia tăng sự kết nối của nhân viên với công ty. Microsoft thậm chí xây dựng một mạng xã hội riêng để nhân viên của họ tương tác, tìm hiểu và trò chuyện. Giải pháp này giúp mọi đối tượng nhân viên xây dựng mối quan hệ bạn bè thực sự, thay vì chỉ dừng lại ở đồng nghiệp. 

Gắn kết hơn nhờ những buổi… ăn vặt

Tất nhiên, một chiến lược bài bản để tăng cường sự gắn kết của nhân viên là điều cần thiết. Nhưng HR không cần phải có những chính sách "đao to búa lớn" mà có thể bắt đầu từ những việc nhỏ. 

Bà Nguyễn Thị An Hà – Giám đốc Marketing và Hợp tác chiến lược, công ty tư vấn nhân sự Talentnet chia sẻ: "Một nghiên cứu tại Anh cho thấy, nhân sự tại thị trường này trung bình dùng gần 110 tiếng đồng hồ pha trà và đồ uống nóng mỗi năm. Và 87% chia sẻ bữa trà chiều giúp họ gia tăng sự sáng tạo và hiệu quả công việc. Việt Nam không có văn hoá trà chiều với bánh ngọt, nhưng lại có bánh tráng trộn và trà sữa. Tất nhiên đây chỉ là một cách nói. Nhưng điều quan trọng ở đây là doanh nghiệp đừng nghĩ chỉ có các hoạt động lớn như teambuilding, hay tiệc tùng cuối năm… mới có thể gắn kết nhân viên. Những khoảnh khắc nhỏ như việc ăn vặt cùng nhau lúc xế chiều cũng có thể là giải pháp kết nối ‘nhỏ mà có võ’."

Từ góc nhìn của những vị sếp, nhân viên của họ có thể vừa tiêu tốn gần 1 giờ đồng hồ cho những việc vô ích, và điều ấy thậm chí còn xảy ra hàng ngày. Nhưng nếu đủ thấu đáo, lãnh đạo có thể sẽ muốn khuyến khích hoạt động này xảy ra thường xuyên, miễn mọi thứ diễn ra trong chừng mực.

photo-1665712851132

Những hoạt động tương tác nhỏ, nhẹ nhàng có thể giúp người lao động gác lại áp lực bộn bề, gần gũi và gắn kết với tập thể. Bên cạnh đó, việc có những khoảng thời gian nghỉ ngắn giữa giờ có thể tăng năng suất làm việc của người lao động. Để "nâng cấp" văn hoá bánh tráng trộn hay trà sữa, đội ngũ quản trị nhân sự có thể mở rộng và liên tục thay đổi các hoạt động trong "buổi xế" như:

- Bật nhạc vào một khung giờ nhất định, có thể là 1 tiếng trước giờ tan làm hằng ngày.

- Tổ chức các hoạt động thể thao, giải trí gói gọn trong 20-30 phút nghỉ giữa giờ như giải đấu cờ ca rô, giải ô chữ hay đố vui kiến thức.

- Nâng cấp bữa xế thành "party cuối tuần" nơi đồng nghiệp được trò chuyện với nhau nhiều hơn sau một tuần làm việc căng thẳng

"Để thật sự tạo nên những gắn kết chất lượng, lãnh đạo nên là người tiên phong tham gia các hoạt động này để gỡ bỏ những ngại ngùng hay lo sợ bị đánh giá của nhân viên. Không chỉ những kết nối trong công việc, người lao động cũng cần những gắn kết xã hội từ gia đình, bạn bè, cộng đồng xung quanh để giúp cuộc sống của họ trọn vẹn hơn. Thấu hiểu được những nhu cầu này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng những chính sách thật sự chạm đến trái tim của người lao động, giúp họ không chỉ gắn kết tại công sở mà thật sự có cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc", bà An Hà kết luận.

Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM