Trả lời sao nếu đi phỏng vấn được hỏi: Bạn làm công việc này vì ĐAM MÊ hay vì LƯƠNG?
Ai đi làm cũng vì đồng tiền! Nhưng đứng trước sự cám dỗ của đồng tiền, bạn sẽ hành xử như thế nào, đó là điều mà nhà tuyển dụng thật sự quan tâm đấy!
Nhà tuyển dụng ngày càng có xu hướng gắt gao hơn trong việc tuyển chọn ứng viên do chi phí tuyển dụng, đào tạo nhân sự ngày càng tăng cao. Do đó, buổi phỏng vấn ngày càng trở nên đánh đố hơn với các câu hỏi "gắt" từ phía nhà tuyển dụng. Và một trong các câu hỏi phỏng vấn giúp nhà tuyển dụng loại trừ được nhiều ứng viên nhất chính là: "Liệu bạn làm công việc này vì ĐAM MÊ hay vì LƯƠNG ?".
Nhà tuyển dụng sẽ mong chờ câu trả lời phỏng vấn như thế nào? Mơ mộng, bay bổng hay chân thành, thực tế?
Nhà tuyển dụng muốn khai thác điều gì khi hỏi về đam mê của ứng viên?
Câu hỏi về đam mê giúp cho nhà tuyển dụng hiểu được bạn ở cả 2 góc độ: đam mê trong công việc và đam mê ngoài công việc.
Trước hết, bạn phải thực sự yêu thích công việc ấy mới có thể gắn bó lâu dài và đó là yếu tố khiến người đối diện ưu tiên lựa chọn bạn. Khi hiểu rõ điều gì khiến bạn hứng thú, yêu thích và hào hứng khi tiếp nhận, họ sẽ biết cách để thúc đẩy tinh thần của bạn. Ngoài ra, họ cũng biết được bạn mạnh ở điểm nào để giao công việc chính xác và phù hợp hơn, từ đó bạn sẽ có cảm hứng làm việc và cảm nhận được sự gắn kết giữa mình với công việc hơn, từ đó làm việc có hiệu quả hơn.
Đối với những đam mê ngoài công việc, điều đó thuộc về yếu tố văn hóa. Bởi như tất cả chúng ta đều hiểu, việc một ứng viên có được nhận hay không hoặc có gắn bó lâu dài hay không phụ thuộc không ít vào yếu tố phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu bạn có đam mê với việc thuyết trình hoặc làm các chương trình ngoại khóa, bạn có thể sẽ là người rất quảng giao và giỏi về các kỹ năng mềm. Việc bạn phù hợp với văn hóa công ty hoặc những sở thích của bạn có thể đóng góp vào sự phát triển văn hóa nội bộ của công ty sẽ là một điểm cộng mà các đơn vị tuyển dụng thường chú ý.
Làm thế nào nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn "Làm công việc vì đam mê hay vì lương"?
Nếu người phỏng vấn chỉ hỏi bạn về đam mê và thương lượng lương thì điều ấy có vẻ như không ảnh hưởng gì đến tâm lý của bạn. Song, không ít nhà tuyển dụng lại đặt 2 yếu tố này vào thế đối sánh và đặt câu hỏi này cho bạn. Vậy nên trả lời như thế nào?
Lẽ dĩ nhiên, lương rất quan trọng. Thậm chí nhiều người còn lựa chọn công ty có chế độ về lương và phúc lợi tốt hơn nếu có lời mời từ 2 công ty trở lên. Song, trả lời đi làm về lương chắc chắn sẽ chưa phải là một câu trả lời khiến người nghe cảm thấy thực sự hài lòng. Bởi, nếu bạn không có chút cảm hứng nào với công việc thì bạn sẽ rất khó để họ tin rằng bạn luôn tận tụy với công việc, sẵn sàng hy sinh thậm chí là thời gian và một số công việc cá nhân để giải quyết khi có phát sinh cần xử lý.
Để trả lời câu hỏi này, bạn nên cho nhà tuyển dụng thấy thành ý của mình, rằng bạn yêu thích và hứng thú với vị trí đang trao đổi nên mới tham gia buổi phỏng vấn và thực sự nghiêm túc với những gì đang thảo luận. Sau đó, hãy nêu thêm một vài lý do dẫn bạn đến bạn việc "bén duyên" với nghề, những cảm xúc khi được làm công việc này, những bài học bạn nhận được từ nó và cả những định hướng, những dự định mà bạn sẽ làm để phát triển bản thân đối với công việc này trong tương lai.
Sau đó, chúng ta sẽ nhắc đến vấn đề lương bổng. Trong đó, hãy khẳng định được 2 điều: Thứ nhất là bạn là một người tự chủ về kinh tế và bạn dành phần lớn thời gian, tâm huyết của mình cho công việc, vì thế lương là nguồn thu nhập quan trọng đối với bạn. Thứ hai bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy được năng lực và những giá trị mà bạn có thể tạo ra cho công ty để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn xứng đáng nhận được những gì tương xứng với giá trị mà mình cống hiến.
Tổng quan lại, để thật sự làm một công việc một cách tận tâm và gắn bó được lâu dài thì đam mê và giá trị về vật chất như lương đều là những yếu tố quan trọng. Cả 2 đều là mục tiêu và là cả động lực để bạn có đủ sức mạnh, kiên trì theo đuổi. Mong rằng dù ở đâu và ở thời điểm nào, bạn cũng sẽ cân bằng được 2 yếu tố này để làm việc với thái độ tích cực nhất và tạo nên được những giá trị xứng đáng được mọi người ghi nhận.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng cũng muốn thông qua câu hỏi phỏng vấn này để nhận định xem khi đứng trước cám dỗ của đồng tiền, ứng viên sẽ như thế nào? Đương nhiên, việc này chỉ là đánh giá tạm thời vì không ai dám nói trước điều gì trong tương lai. Nhưng với một nhà tuyển dụng kinh nghiệm, việc chia sẻ về quan điểm "đồng tiền là quan trọng nhất" một cách quá thẳng thắn cũng sẽ dẫn dến nhiều nhận định tiêu cực. Vì thế, đứng trước những câu hỏi mang tính hai chiều, bạn hãy chia sẻ thẳng thắn nhưng có chừng mực, tránh mang tai tiếng không đáng có cho bản thân.