TPP và câu chuyện thương mại song phương của Tổng thống Trump
Theo những thông tin mới nhất, Nhật Bản và 10 nước thành viên còn lại của Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến dần tới đích, cho thấy những nỗ lực của các quốc gia trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến Việt Nam cùng với nguyên thủ 10 nước thành viên TPP và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC). Tại đây, nhiều chuyên gia kỳ vọng các nguyên thủ sẽ ngồi lại đàm phán về tương lai cho TPP.
Trước đó, các cuộc họp liên quan đến bản hiệp định này đã được tiến hành tại Đà Nẵng. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết các vấn đề tranh cãi liên quan đến Mexico và Việt Nam vẫn đang được thảo luận nhằm đi đến ký kết TPP.
Ngày 9/11 vừa qua, bộ trưởng kinh tế Nhật Bản và Mexico đã trả lời các phóng viên rằng một bản thỏa thuận cấp bộ trưởng đã được ký kết, nhưng sau đó Bộ trưởng thương mại Canada Francois Philippe Champagne đã đăng thông báo trên Twitter rằng hiệp định này vẫn chưa được ký kết.
Theo tờ Financial Times, thỏa thuận cuối cùng cấp bộ trưởng vẫn đang được thảo luận liên quan đến luật lao động để đi đến thống nhất. Nguồn tin của Financial Times cho biết bất kỳ tuyên bố của các lãnh đạo trong thời điểm này chỉ mang tính chất thống nhất về phương hướng trong khi những chi tiết cụ thể của hiệp định vẫn chưa hoàn thành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Những thành viên còn lại của hiệp định TPP đã tốn nhiều tháng để thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại này sau khi Mỹ rời bỏ. Bất kỳ tuyên bố thành công nào của hiệp định này tại APEC cũng sẽ cho thấy 2 phương hướng thương mại tách biệt trên thế giới hiện nay. Một bên là xây dựng hiệp định thương mại đa phương và bên kia là chủ trương thỏa thuận song phương, được thúc đẩy bởi Mỹ.
Tổng thống Trump đã rút lui khỏi hiệp định TPP ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình tại Nhà Trắng. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng động thái này của ông Trump đang tạo thuận lợi cho Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh đang mở rộng nhiều hiệp định, thỏa thuận và dự án thương mại đa phương.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại Đà Nẵng, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như đường lối đối thoại thương mại song phương của mình. Tuy nhiên, Mỹ chưa thể thành công thuyết phục Nhật Bản hay Trung Quốc thực hiện một hiệp định thương mại song phương nào trong các chuyến thăm vừa qua.
Thành công hay thất bại?
Tổng thống Trump được các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam chào đón nhiệt liệt với cờ hoa, những nghi lễ sang trọng cùng những bản hợp đồng kinh doanh béo bở giữa các doanh nghiệp và lời cam kết mua thêm hàng Mỹ. Tuy nhiên, Nhà Trắng chưa hề chính thức công bố kết quả của bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào, thậm chí là lời cam kết thực hiện một thỏa thuận như vậy trong chuyến đi của Tổng thống Trump.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe không tổ chức cuộc họp chính thức nào về các thỏa thuận thương mại song phương bất chấp việc Tổng thống Trump liên tục nhắc đến chúng. Tại Hàn Quốc, vấn đề Triều Tiên đang nóng bỏng hơn câu chuyện thương mại. Đến Trung Quốc, báo chí tràn ngập thông tin về nghi lễ tiếp đón chưa từng có trong lịch sử cùng những bản hợp đồng trị giá 250 tỷ USD giữa doanh nghiệp 2 nước. Tuyệt nhiên không có một thông tin nào về ý tưởng thương mại song phương như Tổng thống Trump đã tuyên bố.
Thâm hụt thương mại giữa Mỹ với các nước Châu Á Thái Bình Dương (tỷ USD)
Theo chuyên gia William Reinsch, Cựu chủ tịch hội đồng thương mại quốc gia (NFTC) nhận định những thỏa thuận đa phương có nhiều cơ hội thành công hơn do chúng có thể trao đổi lợi ích đã dạng giữa nhiều quốc gia mà không phải phụ thuộc vào nước nào.
Ví dụ như hiệp định TPP, Nhật Bản đồng ý nhập khẩu thêm sữa giúp New Zealand để đổi lại có thể xuất khẩu thêm hàng sản xuất sang nhiều thị trường khác.
Trong khi đó, chuyên gia Joshua Meltzer của Viện Brooking cho biết thông thường việc đàm phán những bản hiệp định thương mại song phương hay đa phương đã phải thực hiện từ trước khi các nguyên thủ tuyên bố. Tuy nhiên, chuyến công du của Tổng thống Trump không hề có dấu hiệu này và những lời tuyên bố về thương mại song phương chỉ mang ý nghĩa nêu quan điểm hơn là thực tế.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Gary Clyde Hufbauer của Viện kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) nhận định Trung Quốc sẽ vẫn bảo hộ các tập đoàn quốc doanh nhà nước cũng như mảng công nghệ, những yếu tố chủ chốt của nền kinh tế nước này.
Hiện vẫn chưa rõ cuộc gặp của Tổng thống Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đà Nẵng có đem lại thỏa thuận mới nào cho nền kinh tế thế giới hay không, nhưng chắc chắn những tuyên bố tích cực về hiệp định TPP cho thấy toàn cầu hóa vẫn đang có ưu thế trước chủ nghĩa bảo hộ.