TP.HCM hướng đến "giao thông không khói": Người dân hưởng ứng ra sao?
Không chỉ hướng đến mục tiêu phát triển về kinh tế, TP.HCM còn hướng tới một cuộc sống xanh hơn, bắt đầu từ chính việc thay đổi phương thức di chuyển bằng các phương tiện giao thông không khói.
TP.HCM hướng đến hệ thống giao thông không khói
Hướng tới một cuộc sống xanh hơn, chất lượng hơn, tiệm cận và ngang bằng với những thành phố lớn của thế giới là một trong những điểm chính trong nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Để hướng tới một cuộc sống xanh, điều cần thiết là xây dựng một hệ thống giao thông xanh theo hướng hiện đại. Trong cuộc trao đổi với báo chí thời gian gần đây, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết thành phố đang nghiên cứu ưu tiên thí điểm 100% xe điện trên toàn huyện Cần Giờ và một số khu vực, lĩnh vực trong TP. Lộ trình mà Sở Giao thông vận tải đề xuất là đến năm 2025 phủ kín xe điện 100% cho Cần Giờ.
Lựa chọn Cần Giờ là khu vực nghiên cứu thí điểm là bởi, theo nghị quyết định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030 được Thành ủy TP.HCM đưa ra, mục tiêu chính là đưa khu vực này trở thành TP nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Theo dự thảo nghị quyết, HĐND TP ban hành chính sách, dùng ngân sách để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình để cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe điện.
Thành phố sẽ chi ngân sách để thu mua cũng như đổi xe cũ sang xe mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường và sử dụng xe công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông. Cùng với đó, thành phố cũng sẽ tiến hành phân vùng khu vực hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp không chấp hành theo quy định.
Người dân đồng hành vì một cuộc sống xanh hơn
Không chỉ có sự nỗ lực thay đổi từ phía chình quyền mà người dân TP.HCM cũng đang cố gắng từng ngày vì một cuộc sống xanh hơn, bắt đầu từ chính việc nhỏ nhất mỗi ngày - thay đổi phương thức di chuyển.
Một trong những lý do lớn gây ô nhiễm môi trường chính ở TP.HCM là từ khí thải của các phương tiện giao thông. Nhận thức được điều này, nhiều người đã dần chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng hoặc phương tiện xanh không khói thay vì các phương tiện cá nhân sử dụng nguyên liệu hoá thạch như trước kia.
Anh Nguyễn Thành Trung (Quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Phương tiện không khói tất nhiên mang lại lợi ích cho môi trường, về khí thải không thu hồi được. Xe máy điện sử dụng pin lithium, bình ắc quy. Nếu về độc hại thì cũng ngang với độc hại mà xe máy xăng thải ra môi trường. Nhưng với pin lithium, bình ắc quy xe máy điện sử dụng, mình có thể gom lại thu hồi được."
Cũng tán thành với quan điểm nên thay thế sử dụng các phương tiện giao thông không khói, anh Nguyễn Nhàn (TP.Thủ Đức - TP.HCM) cho rằng: “Thành phố bây giờ phương tiện giao thông rất đông. Mỗi người thải ra một chút cũng rất nóng. Giao thông không khói là tương lai của thành phố vì nó có thể giúp thành phố giảm được lượng khí thải, sử dụng nguyên liệu hoá thạch và đặc biệt là giảm tiếng ồn ở thành phố.”
Nhiều người dân TP.HCM cũng đã bắt đầu chuyển sang sử dụng các phương tiện không khói
Không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, theo anh Nhàn, việc sử dụng phương tiện giao thông không khói còn có lợi với sức khoẻ: “Đường hô hấp của mình không bị khói bụi nhiều. Về tinh thần, đi ra ngoài đường lúc nào cũng kẹt xe rồi tiếng xe lúc nào cũng inh ỏi bên tai làm mình bị stress, công việc cũng không được hiệu quả.”
Là một người sử dụng xe điện, anh Trần Ngọc Anh Khoa (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã vui vẻ khi nói về những lợi ích khi sử dụng:
"Mình cũng quan tâm xe điện từ lâu nhưng hồi giữa tháng 2 vừa rồi mình mới quyết định mua xe điện do xe mình đang chạy xuống cấp khá nhiều.
Ở chung cư mình ở có chỗ sạc điện miễn phí luôn. Mình thấy xe chạy êm hơn, lướt thoải mái hơn, không có độ rung, chạy ồn ào và ô nhiễm như xe xăng. Mỗi lần dừng đèn đỏ xe xăng cũng hay bị nóng chân. Mình thấy xe điện khắc phục được đa số những điểm đó.
Mình cũng nghiên cứu về việc làm sao để sản xuất ra một chiếc xe điện, để sạc điện thì tổn hại đến môi trường vẫn thấp hơn một chiếc xe xăng, tất cả những thứ mà một xe điện mang lại tốt hơn xe xăng 3- 5 lần."
Cắt giảm khí thải, sử dụng tiết kiệm các phương tiện năng lượng, việc sử dụng tiết kiệm các phương tiện giao thông công cộng và tạo được thói quen tham gia giao thông thân thiện với môi trường là phù hợp với xu thế của hiện nay. Tuy nhiên để hiện thực hóa việc này cũng còn nhiều bất cập.
Theo anh Khánh Hưng (Quận 11 - TP.HCM), địa phương nên có những chính sách ưu đãi về thuế, giảm giá bán đến từ nhà sản xuất để kích thích người tiêu dùng đưa ra quyết định sử dụng các phương tiện không khói. Đồng thời, với xe bus điện, nên có những khuyến mãi ban đầu cho học sinh sinh viên, với mức giá tương tự như xe bus thường.
"Các trạm đổi pin sạc pin phải rộng khắp trên toàn quốc, tiện lợi, an toàn và chất lượng. Nếu làm trạm đổi pin mình nghĩ nên làm mô hình như cây ATM, khi vào người tiêu dùng bỏ pin ra đổi và quẹt thẻ thôi, sẽ nhanh hơn rất nhiều" - Anh Thành Trung cũng đưa ra quan điểm của mình trong việc làm thế nào để người dân thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng các phương tiện giao thông không khói.
Với những nỗ lực cả từ phía chính quyền và người dân, hy vọng trong tương lai không xa, TP.HCM sẽ hiện thực hoá mục tiêu về một cuộc sống xanh hơn, chất lượng hơn, tiệm cận và sánh ngang với những thành phố lớn trên thế giới.