Tp. Hồ Chí Minh đã chi gần 400 tỷ đồng hỗ trợ lao động tự do, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tính đến ngày 18/7, Thành phố đã thực hiện chi hỗ trợ theo quy định cho gần 236.000 lao động tự do; hơn 10.000 lao động nghỉ việc không lương; hơn 4.400 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng; hơn 4.300 thương nhân tại các chợ truyền thống bị dừng hoạt động; với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng.
Chiều 19/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và một số thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với TPHCM về triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Báo Chính phủ đưa tin Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 6h ngày 18/7 đến 6h ngày 19/7, phát hiện 3.139 trường hợp dương tính, phần lớn là ở các khu cách ly, khu phong tỏa (2.826 trường hợp, chiếm 90%), có 308 trường hợp qua sàng lọc ở bệnh viện (chiếm 9,8%).
TPHCM đã thực hiện hơn 2 triệu mẫu xét nghiệm PCR (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,...), trong đó 1.727.603 mẫu có kết quả; xét nghiệm nhanh 1.539.181 mẫu.
Đến nay đã có 24 đoàn với hơn 4.000 nhân viên y tế đến chi viện cho Thành phố trong công tác phòng, chống dịch.
Về công tác hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng, tính đến ngày 18/7, Thành phố đã thực hiện chi hỗ trợ theo quy định cho gần 236.000 lao động tự do; hơn 10.000 lao động nghỉ việc không lương; hơn 4.400 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng; hơn 4.300 thương nhân tại các chợ truyền thống bị dừng hoạt động; với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng.
Các quận, huyện cũng đã chủ động vận động các nguồn lực xã hội, ‘mạnh thường quân’ để chăm lo kịp thời cho các đối tượng khó khăn, nhất là những trường hợp chưa hoặc không thuộc chính sách theo quy định; tổng số tiền chăm lo trong 10 ngày qua là hơn 141 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong những xóm nghèo, Thành phố vừa lo cho bà con, vừa tính đến kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19. Ngoài những lực lượng tuyến đầu chống dịch, tham gia hệ thống vận tải, phân phối thì Thành phố cần quan tâm đến người dân ở những xóm nghèo có điều kiện sống, sinh hoạt rất chật chội, nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Đến nay, đã có hơn 1.000 DN trên địa bàn TPHCM đăng ký vừa sản xuất, vừa cách ly theo phương châm "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm". Tuy nhiên, qua kiểm tra, thẩm định, hiện chỉ cho phép 586 DN hoạt động với gần 70.000 công nhân. Riêng tại Khu chế xuất và công nghiệp, Khu công nghệ cao, đã cho phép 260 DN hoạt động với gần 41.000 công nhân.
Thành phố cũng chỉ đạo Sở Y tế, các Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp, Khu công nghệ cao, các quận, huyện thường xuyên tái kiểm tra việc chấp hành và xét nghiệm định kỳ cho công nhân để đảm bảo doanh nghiệp sản xuất an toàn.