TP HCM chính thức mở cửa đón du khách
Trong lộ trình phục hồi du lịch, TP HCM xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực và sẽ chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng.
UBND TP HCM vừa chính thức ban hành "Kế hoạch phục hồi ngành du lịch trên địa bàn trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19 đến năm 2022". Hiện các địa phương và doanh nghiệp (DN) kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần sớm có bộ tiêu chí an toàn du lịch áp dụng chung cho cả nước để yên tâm, sẵn sàng đón khách khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Khởi động từ du lịch xanh
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis, cho biết sáng 15-10 đã đáp chuyến bay từ TP HCM ra Quảng Bình để chuẩn bị đón đoàn khách đầu tiên từ thành phố đến Chày Lập Farmstay và tour Oxalis sau nhiều tháng ngừng trệ vì Covid-19.
Một số doanh nghiệp du lịch ở TP HCM chuẩn bị đón khách trở lại .Ảnh: BÌNH AN
"Đoàn đầu tiên chỉ có 6 du khách nhưng là tín hiệu tích cực cho việc trở lại của DN và ngành du lịch, đặc biệt ở tour liên tỉnh. Tour được thực hiện dạng "bong bóng khép kín" khi du khách từ TP HCM đi Quảng Bình sẽ được đón, ăn ở, đi trải nghiệm, đón tiễn sân bay theo lộ trình khép kín, bảo đảm an toàn cho du khách. Chúng tôi sẽ bắt đầu quảng bá các tour trở lại tới du khách" - ông Nguyễn Châu Á hào hứng nói.
Nhiều DN khác cũng đang tất bật khởi động trở lại sau thời gian dài tạm ngưng vì Covid-19.
Công ty Vietravel cho biết sẽ đưa hơn 30 văn phòng bán tour và dịch vụ du lịch trên toàn quốc hoạt động trở lại, hưởng ứng Nghị quyết 128 của Chính phủ thích ứng linh hoạt, an toàn trong điều kiện bình thường mới.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, nói DN hoạt động trên cả 2 lĩnh vực hàng không và du lịch, trong đó hãng hàng không Vietravel Airlines vừa mới thành lập không lâu nên chịu thiệt hại nặng nề do dịch, đặc biệt là đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
CEO của Vietravel dẫn vài con số cho thấy sự thiệt hại nặng nề của dịch. Năm 2019, Vietravel phục vụ gần 1 triệu lượt khách, doanh thu xấp xỉ 7.000 tỉ đồng. Năm 2020 chỉ đón 350.000 khách, doanh thu 1.600 tỉ đồng. Đến năm 2021, dự kiến chỉ khoảng 10% so với năm 2019 và kết quả này đã kéo Vietravel quay lại quy mô của 10 năm trước.
"Sức ép từ thị trường đóng băng hoàn toàn, áp lực phải duy trì DN, nhân sự… nhưng chúng tôi vẫn luôn chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi, trong đó quan tâm xây dựng sản phẩm phù hợp tình hình mới" - ông Trần Đoàn Thế Duy cho biết.
Ngoài TP HCM, Vietravel cũng làm việc với các địa phương khác để khi được phép thì có sản phẩm phục vụ du khách ngay trong điều kiện an toàn ở bối cảnh tình hình mới. Các sản phẩm đều được làm mới, đáp ứng đầy đủ tiêu chí an toàn do Bộ Y tế và Sở Du lịch các địa phương khuyến nghị, tập trung vào yếu tố an toàn.
Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu mở cửa trong tháng 10-2021, Vietravel sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm tại TP HCM đến các vùng xanh như tour Cần Giờ (1 - 2 ngày), mô hình Staycation, Vũng Tàu, Tây Ninh, tour hồi hương đón người Việt về nước hay các chuyên gia đến Việt Nam làm việc. Giai đoạn kế tiếp từ tháng 11-2021, công ty sẽ mở rộng sản phẩm liên vùng bằng đường bộ từ TP HCM đến Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt và miền Tây; sản phẩm bằng đường bay sẽ tập trung vào các địa phương Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long…
Sớm có bộ tiêu chí an toàn cho cả nước
Trong "Kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19 đến năm 2022", UBND TP HCM xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn này. Thành phố sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn, cũng như chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng.
Các DN du lịch được vận động xây dựng sản phẩm mới theo hướng tour khép kín, tập trung sản phẩm là những chương trình về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, tham quan ngoài trời, trải nghiệm nét đặc trưng về văn hóa, con người thành phố. Các điểm đến trong chương trình du lịch ở thành phố phải thuộc địa bàn "vùng xanh" theo công bố của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố.
Theo kế hoạch, ngày 16-10, Sở Du lịch TP HCM công bố chương trình triển khai kế hoạch phục hồi du lịch thành phố trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19, trong đó phát động chương trình 100.000 vouchers du lịch thành phố cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; ký kết thỏa thuận hợp tác giữa DN du lịch và các điểm đến…
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho hay ngành du lịch trên địa bàn sẽ triển khai du lịch nội vùng trong tháng 10; làm việc với các địa phương lân cận để chuẩn bị du lịch liên tỉnh vào tháng 11 và dự thảo đề án đón khách quốc tế trong giai đoạn 3 (năm 2022) với kỳ vọng từ năm 2022 sẽ khôi phục hoàn toàn du lịch thành phố.
Một trong những thế mạnh của du lịch thành phố thời gian qua là mô hình liên kết với các tỉnh, thành. Như thành phố đã liên kết với 40 tỉnh, thành trong giai đoạn 2019-2020 và đang chuẩn bị xúc tiến tái khởi động. Hiện các địa phương đang rà soát chọn vùng xanh để kết nối tour, khách sẽ được đáp ứng nhu cầu, ngành có cơ hội phục hồi nhanh bền vững…
Lãnh đạo nhiều địa phương và DN cùng nhìn nhận điều quan trọng lúc này là cần có Bộ tiêu chí an toàn về du lịch áp dụng chung trên cả nước, để thống nhất trong việc lên kế hoạch, lộ trình đón khách.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, kiến nghị: "Để du lịch khôi phục nhanh nhất lúc này rất cần bộ tiêu chí an toàn áp dụng chung cho cả nước từ Tổng cục Du lịch hoặc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong đó có sự thống nhất với các ngành khác, vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến cả hàng không… Có thể ban hành thí điểm rồi trong quá trình triển khai DN sẽ linh hoạt sửa đổi cho phù hợp, còn mỗi nơi áp dụng tiêu chí khác nhau sẽ rất khó đón khách".