Tốt nghiệp Đại học số 1 châu Á, người đàn ông chọn về quê làm bảo vệ với mức lương 17 triệu đồng/tháng: Lý do khiến ai cũng bất ngờ
Câu chuyện sinh viên xuất sắc của Đại học Thanh Hoa về quê làm bảo vệ với mức lương 5.000 tệ/tháng đã khiến người dân Trung Quốc bất ngờ.
Thủ khoa đại học danh giá nhưng “lận đận” công việc
Trương Hiểu Dũng sinh ra trong một gia đình bình thường ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ngay từ khi còn nhỏ, chàng trai này đã rất thông minh và chăm chỉ. Sau giờ học, Trương Hiểu Dũng luôn dành thời gian rảnh rỗi ở thư viện và tự học vào cuối tuần. Nhờ đó, anh luôn lọt vào top những học sinh ưu tú nhất trường và được các giáo viên vô cùng yêu mến.
Lên trung học, Trương Hiểu Dũng quyết tâm thi đỗ Đại học Thanh Hoa nên đã lên kế hoạch ôn thi vô cùng chi tiết. Ngày nào, chàng trai này cũng dậy sớm và học đến khuya mới đi ngủ. Năm 1991, Trương Hiểu Dũng xuất sắc thi đỗ khoa Sinh học của Đại học Thanh Hoa với số điểm khoa học tự nhiên đứng đầu tỉnh Hồ Nam. Không hề tự mãn, anh còn tích cực tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu khoa học và tự thành lập một nhóm riêng để tổ chức các hội thảo học thuật thường xuyên.
Chính sự siêng năng và kiên trì này đã giúp Trương Hiểu Dũng là sinh viên nổi bật trong trường. Sau 4 năm đại học, anh tốt nghiệp loại xuất sắc khoa Sinh học của Đại học Thanh Hoa.
Ra trường đúng giai đoạn xã hội có nhiều biến đổi, sinh viên ngày càng khó tìm việc làm. Trương Hiểu Dũng ban đầu dự định tiếp tục học lên cao và phát triển sự nghiệp học thuật, thế nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải từ bỏ ý định tiếp tục việc học để ra đời kiếm tiền.
Đến Quảng Đông xin việc tại một công ty địa phương với mong muốn có thể sử dụng kiến thức chuyên môn của mình trong bộ phận R&D (Nghiên cứu và phát triển), Trương Hiểu Dũng không hề biết rằng, quyết định này đã thay đổi quỹ đạo cuộc đời mình.
Công ty đánh giá cao trình độ học vấn của Trương Hiểu Dũng nhưng lại xếp anh vào bộ phận dịch vụ khách hàng vốn không phù hợp với chuyên môn của anh. Không từ bỏ, Trương Hiểu Dũng nhiều lần nộp đơn xin chuyển sang vị trí R&D nhưng đều bị từ chối vì nhiều lý do. Sau đó, anh phát hiện ra rằng nếu muốn được chuyển sang bộ phận R&D, anh phải ra nước ngoài học thêm và học ngoại ngữ. Nhưng đối với Trương Hiểu Dũng, việc rời quê hương đồng nghĩa với việc không thể chăm sóc cha mẹ già, điều này khiến anh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, chàng trai này vẫn quyết định tiếp tục công việc đang dang dở.
Sau 5 năm, nhờ làm việc chăm chỉ, anh thậm chí còn được thăng chức làm giám đốc bộ phận. Tuy nhiên, khao khát nghiên cứu khoa học trong anh chưa bao giờ biến mất. Vậy mà số phận dường như không cho anh cơ hội lựa chọn.
Gặp biến cố, xin nghỉ việc về quê
Năm 28 tuổi, sự nghiệp của Trương Hiểu Dũng đang trên đà thăng tiến thì biến cố lại ập đến. Người thân ở quê thông báo cha anh đột ngột mắc bệnh nặng và phải nhập viện. Nhận tin dữ, Trương Hiểu Dũng lập tức xin nghỉ phép và về quê thăm cha mình.
Vừa về đến nhà, anh nhìn thấy thân hình gầy gò và đôi mắt đờ đẫn vì bệnh suy thận của cha thì rất đau lòng. Thế nhưng, công việc đang ở giai đoạn mấu chốt, việc rời khỏi công ty chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sự nghiệp. Một lần nữa, Trương Hiểu Dũng lại phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, đến cuối cùng, anh vẫn lựa chọn từ chức và ở lại quê nhà chăm sóc cha mình.
“Đối với tôi, cha mẹ là người quan trọng nhất trên thế giới và không gì có thể sánh bằng”, Trương Hiểu Dũng cho biết.
Những ngày sau đó, anh đưa cha đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, thử mọi phương pháp điều trị từ Tây y đến Đông y với hy vọng chữa khỏi bệnh cho cha. Chi phí điều trị cao đã khiến anh phải tiêu hết số tiền tiết kiệm nhưng tình trạng của cha vẫn không cải thiện. Lúc này, Trương Hiểu Dũng buộc phải tìm việc làm để có thêm tiền để trang trải viện phí và cuộc sống.
Ở quê, Trương Hiểu Dũng chỉ có thể chọn làm nhân viên kinh doanh bất động sản dù không biết gì về ngành này. Lúc đầu, công việc khó khăn, kết quả bán hàng không đạt yêu cầu nhưng vì tiền, anh vẫn phải kiên trì. Tuy nhiên, công việc bán hàng thực sự cũng không phù hợp với Trương Hiểu Dũng nên cuối cùng anh vẫn phải nghỉ việc.
Hàng xóm nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của Trương Hiểu Dũng đều nhiệt tình giúp anh tìm việc làm. Theo lời giới thiệu, anh đến một nhà máy gốm sứ để xin làm nhân viên bảo vệ. Ban đầu, anh không đánh giá cao công việc này, nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, anh vẫn quyết định đi phỏng vấn.
Giám đốc nhà máy rất ngạc nhiên khi một sinh viên tốt nghiệp Thanh Hoa lại xin làm bảo vệ tại công ty mình. Xét đến việc nhân viên bảo vệ phải ký hợp đồng làm việc tối thiểu 5 năm, giám đốc nhà máy lo lắng Trương Hiểu Dũng sẽ sớm rời đi. Tuy nhiên, anh vẫn ở lại và làm việc một cách tận tâm và nghiêm túc.
Trương Hiểu Dũng cho rằng, so với công việc áp lực cao thì công việc bảo vệ này nhẹ nhàng, thoải mái hơn: “Chỉ cần là lao động chân chính thì không có gì phải xấu hổ.”
Bằng lòng với cuộc sống hiện tại
Cứ thế 10 năm trôi qua, Trương Hiểu Dũng vẫn gắn bó với công việc này. Hàng ngày, anh chịu trách nhiệm tuần tra quanh khu vực nhà máy và giải quyết các vấn đề như an ninh và tranh chấp trong khu vực. Trương Hiểu Dũng rất thích công việc hiện tại. Dù chỉ sống với mức lương 5.000 NDT/tháng (hơn 17 triệu đồng) nhưng công việc này giúp anh có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cha mẹ. Mỗi ngày tan làm về nhà, anh có thể trò chuyện với cha mẹ và chăm lo nhà cửa. Cha mẹ anh cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của con trai mình.
Đối với Trương Hiểu Dũng, thành công hay thất bại, vinh quang hay tầm thường không còn quá quan trọng nữa. Cuộc sống bình thường ở quê giúp anh tìm thấy nhịp sống của riêng mình và nhận ra nhiều thứ. Có lẽ công việc bảo vệ vốn không được đề cao trong mắt người thường lại là trải nghiệm quý giá nhất trong cuộc đời của Trương Hiểu Dũng.
Sau đó, câu chuyện của Trương Hiểu Dũng được truyền thông đưa tin đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng Trương Hiểu Dũng đã thực sự lãng phí công sức học hành. Một số khác bày tỏ sự thấu hiểu đối với lựa chọn của anh. Họ cho rằng việc học chỉ là một phương tiện để nhận ra giá trị của bản thân, không nên đánh đồng việc học và thành tích nghề nghiệp.
Sự lựa chọn của Trương Hiểu Dũng có thể nằm ngoài sự mong đợi của nhiều người, nhưng điều này không có nghĩa là sự lựa chọn của anh ấy sai. Quan trọng hơn cả, Trương Hiểu Dũng đã tìm thấy niềm vui khi làm công việc đó và chọn cho mình một cuộc sống phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Điều đó đáng được tôn trọng!
(Theo Toutiao)