Tổng thư ký Hội Tin học: "Đừng ngại khởi nghiệp ngay cả khi đó là ý tưởng “điên rồ”
Theo Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long, tỷ lệ startup thành công từ lĩnh vực CNTT tại Việt Nam rất lớn và hiện cơ hội trong lĩnh vực này vẫn đang rộng cửa cho cộng đồng khởi nghiệp. Do đó, giới trẻ nếu có ý tưởng, kể cả là điên rồ cũng hãy mạnh dạn lập nhóm khởi nghiệp.
Tại tọa đàm “Cơ hội thành công của startup công nghệ Việt Nam” do Ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt cho hay: qua 11 năm đồng hành cùng cuộc thi Nhân tài Đất Việt và hàng loạt cuộc thi CNTT, bản thân ông đã chứng kiến rất nhiều những thất bại và thành công của các dự án khởi nghiệp trong nước.
Có thể kể đến những cái tên như dự án ứng dụng quản lý tài chính Money Lover, sàn thương mại điện tử Chodientu.vn, MegaNet chuyên về dịch vụ Wi-Fi miễn phí hay Websosanh.vn so sánh giá thị trường, ứng dụng đặt xe AhaMove để giao hàng, ứng dụng gia sư GotIt…
Như trường hợp Phạm Hữu Ngôn, sau những vấp ngã hiện khá thành công với dự án AhaMove. Đây là ứng dụng tương tự như Uber, GrabTaxi nhưng có sự khác biệt là dùng để gọi xe tải, xe máy chở hàng. Đây là cách đi vào thị trường ngách hiệu quả, phù hợp với nhu cầu xã hội.
Hay như với Websosanh.vn, nếu như cách đây gần 2 năm, năm 2014, websosanh.vn chỉ lọt vào top 18 sản phẩm chung khảo của Nhân tài Đất Việt, theo cách nói vui là mới “qua vòng gửi xe” nhưng do biết tận dụng các cơ hội và từ “bệ phóng” là cuộc thi Nhân tài Đất Việt đã đi đến thành công như ngày hôm nay.
Ngay từ cuối năm 2015, Websosanh.vn đã nhận được sự đầu tư của Yello Shopping Media Group (một công ty thuộc tập đoàn Yello Mobile của Hàn Quốc) với số tiền hàng triệu USD.
Hay ví dụ khác đi vào thị trường ngách là ứng dụng giáo dục GotIt của tiến sỹ Trần Việt Hùng. Dự án này đã gọi được vốn đầu tư hàng chục triệu USD, hiện đang có thứ hạng cao trên kho ứng dụng iOS và Android về giáo dục đào tạo. GotIt hiện thuê chuyên gia làm gia sư trên khắp thế giới, có văn phòng tại Hà Nội với gần 20 nhân viên Việt Nam với mức lương cao hơn rất nhiều các tổng công ty trong nước.
“Qua nhiều năm, tôi thấy rằng tỷ lệ startup thành công từ lĩnh vực CNTT rất lớn. Đội ngũ sinh viên luôn dám nghĩ dám làm, dám sáng tạo. Các bạn trẻ hãy mạnh dạn lập nhóm để khởi nghiệp, cho dù đó có thể là ý tưởng điên rồ!”, ông Nguyễn Long nói.
Hàng trăm sinh viên công nghệ tham dự tọa đàm.
Theo ông Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, các bạn trẻ khởi nghiệp với đam mê, ý tưởng của mình hãy tạm quên đi vấn đề phải đạt được mục đích kinh tế trước tiên, hãy mạnh dạn đem sản phẩm, giải pháp là trí tuệ của mình đi dự thi, cọ xát ở sân chơi như Nhân tài Đất Việt.
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Long cho rằng, chính những khen chê của giám khảo sẽ giúp giới trẻ khởi nghiệp hoàn thiện thêm sản phẩm cũng như vạch tiếp con đường đi đúng đắn cho chính mình trên hành trình khởi nghiệp.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của vị Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, trên con đường đi đó, các nhóm khởi nghiệp cần xây dựng cho mình đội ngũ cộng sự cùng chí hướng vì mục tiêu chung, bởi vấn đề liên kết nhóm hoặc không có được người cố vấn dự án tốt sẽ dễ dẫn đến tan vỡ dự án.
Không nói cụ thể, tuy nhiên ông Nguyễn Long đưa ra ví dụ đã có dự án startup dù sở hữu ý tưởng tốt, có lộ trình rõ ràng… nhưng đáng tiếc là ngay sau khi lo xong công tác nhân sự, giấy phép không lâu thì đã có nhân sự sớm rời đi mang theo ý tưởng để khởi nghiệp dự án.
Cùng đó, theo ông Vũ Quang Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần so sánh Việt Nam (Websosanh.vn), trước khi khởi nghiệp cần tìm hiểu kỹ lưỡng dự án mình theo đuổi đã có ai làm chưa, những người đã làm bị thất bại vì sao, cần làm gì để thành công. Khởi nghiệp rất cần sự quyết đoán, xác định rõ mục tiêu. Các sinh viên sau khi ra trường khởi nghiệp không nên đứng núi này trông núi nọ để rồi loay hoay không làm được gì và cuối cùng đi đến thất bại.