Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính kiến nghị phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết
Ông Nguyễn Hoàng Hải còn đề nghị cơ quan quản lý buộc ông Quyết phải mua lại toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu "bán chui" ra thị trường và tịch thu số tiền chênh lệch sung vào ngân sách Nhà nước.
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 10/1 vừa qua, cổ phiếu FLC đã giao dịch đột biến, lên tới 135 triệu cổ phiếu, chiếm gần 20% tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành của tập đoàn này.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quá nửa số cổ phiếu nói trên là do ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC "bán chui".
Cụ thể, ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, báo Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho biết, ông Hải đề nghị Ủy ban Chứng khoán phải chỉ đạo công ty chứng khoán phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Quyết.
Bên cạnh đó, ông Hải đề nghị cơ quan quản lý buộc ông Quyết phải mua lại toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu FLC, và tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch để sung vào ngân sách nhà nước, vì đây là số tiền thu lợi bất chính.
"Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán phải thực hiện những giải pháp xử lý khẩn cấp này để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau đó, cơ quan quản lý tính đến các bước xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí cả hình sự đối với ông Quyết vì hành vi bán chui cổ phiếu FLC", ông Hải kiến nghị.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu. Trong quá khứ, ông Quyết từng bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC hồi tháng 10/2017, nhưng cũng không báo cáo thông tin giao dịch. Điều này khiến ông Quyết bị phạt 65 triệu đồng. Số tiền phạt này được đánh giá là không thấm vào đâu so với giá trị giao dịch của ông Quyết.
Theo Nghị định số 128/2021/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, mức phạt cho hành vi bán chui cổ phiếu đã được tăng lên.
Theo đó, với giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, mức phạt sẽ từ 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế (tính theo mệnh giá), nhưng không quá 1,5 tỷ đồng. Với 74,8 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị giao dịch tính theo mệnh giá của ông Quyết là 748 tỷ đồng và mức phạt 3%-5% là 22,44-37,4 tỷ đồng. Do số tiền này vượt quá 1,5 tỷ đồng, nên nhiều khả năng ông Quyết sẽ chỉ bị phạt 1,5 tỷ đồng.
Hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:
...
h) Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên. Trường hợp mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này.