Tổng thống Putin đang nắm trong tay vũ khí cực kỳ lợi hại, tự tin chống lại cả thế giới: Dầu mỏ

15/02/2022 08:08 AM | Xã hội

Với Tổng thống Putin, vũ khí hạt nhân không phải quân bài duy nhất chống lại Mỹ.

Nga là một trong những cường quốc thế giới về dầu khí. Quốc gia này có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới và cũng là nhà sản xuất hàng đầu. Trữ lượng dầu mỏ thì đứng thứ 6 còn ngành sản xuất, khai thác dầu thì đứng thứ 2 toàn cầu.

Bình quân Nga khai thác khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng khai thác toàn cầu. Xuất khẩu dầu mỏ của nước này chiếm 1/10 thế giới.

Tổng thống Putin đang nắm trong tay vũ khí cực kỳ lợi hại, tự tin chống lại cả thế giới: Dầu mỏ - Ảnh 1.

Với sự dồi dào đó, Nga dễ dàng biến dầu khí thành một vũ khí chiến lược. Ngay cả Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đã phải mời Nga gia nhập thành OPEC+ để cùng kiểm soát giá dầu thế giới. Trong khi Châu Á mà đặc biệt là Trung Quốc khan hiếm dầu mỏ còn thị trường dầu đá phiến của Mỹ chưa đủ sức bành trướng thì Nga hiện vẫn là quốc gia có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên tại sao Phương Tây mà đặc biệt là Châu Âu lại phải sợ vũ khí này khi nhiều nước cũng có thể khai thác, xuất khẩu dầu khí?

Để giải đáp câu hỏi này, chúng ta phải lội ngược dòng về cuối thập niên 1950 khi Chiến tranh lạnh vẫn đang diễn ra giữa Nga (Liên Xô) và Mỹ.

Hệ lụy của chiến tranh lạnh

Trên thực tế, Mỹ đã luôn lo lắng Nga sử dụng các yếu tố kinh tế làm vũ khí từ thời Chiến tranh lạnh (Cold War). Vào cuối thập niên 1950, cả Mỹ và Liên Xô thời đó đều cố gắng có những động thái gia tăng ảnh hưởng ở các khu vực trên thế giới, từ những hiệp định thương mại ưu đãi cho đến viện trợ kinh tế.

Tại thời điểm này, Châu Âu còn bị chia cắt làm Đông Âu (do Liên Xô quản lý sau Thế chiến II) và Tây Âu (chịu ảnh hưởng của Mỹ-Anh).

Kể từ sau Thế chiến II, việc Mỹ-Nga chia cắt Châu Âu và bước vào cuộc Chiến tranh lạnh đã thúc đẩy Liên Xô xây dựng đường ống khí đốt cũng như nhiều cơ sở hạ tầng khác tại Đông Âu. Vào thập niên 1960, khu vực Tây Âu cũng cần khí đốt nhưng việc vận chuyển, hỗ trợ từ phía Anh-Mỹ không đủ đáp ứng. Trong khi đó các đường ống tại Đông Âu nối liền với Nga lại dồi dào.

Tại thời điểm này, Tây Âu mới chỉ nhập khẩu 6% dầu khí của mình từ Liên Xô và họ bắt đầu muốn được gia nhập mạng lưới đường ống của Đông Âu nhằm chống chọi với giá rét khắc nghiệt.

Tổng thống Putin đang nắm trong tay vũ khí cực kỳ lợi hại, tự tin chống lại cả thế giới: Dầu mỏ - Ảnh 2.

Quyết định này khiến chính quyền Washington lo lắng nhưng bất chấp sự phản đối, Tây Đức và những quốc gia khác của Tây Âu đã nhất quyết thông qua kết nối đường ống với Ukraine và Ba Lan.

Nhờ lợi ích của sự kết nối này mà 20 năm sau đó, Liên Xô lại có cơ hội mở rộng mạng lưới ở Tây Âu vào năm 1981. Tại thời điểm này, chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã phản đối quyết liệt bằng những đòn trừng phạt kinh tế nhưng cả Pháp và Tây Đức đều từ chối tham gia.

Kết quả là Mỹ phải ngậm ngùi rút các lệnh này sau vài tháng. Dự án được hoàn thành vào năm 1984, qua đó tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của Liên Xô và Nga tại Châu Âu.

Quân bài của Tổng thống Putin

Mặc dù Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 nhưng mạng lưới khí đốt cũng như ngành dầu mỏ của họ vẫn còn đó. Sau khi Ukraine thực hiện "Cuộc cách mạng màu cam" (Orange Revolution), quốc gia này không còn được hưởng trợ cấp giá khí đốt từ Nga nữa và phải trả chi phí rất đắt ngang giá thị trường.

Việc Ukraine từ bỏ đồng minh Nga để theo Phương Tây đã khiến Điện Kremlin nổi giận, qua đó dịch chuyển đường ống sang dự án "Dòng chảy phương bắc" (Nord Stream) để đưa khí đốt qua Đức thay vù đường ống Ukraine như thông thường.

Tổng thống Putin đang nắm trong tay vũ khí cực kỳ lợi hại, tự tin chống lại cả thế giới: Dầu mỏ - Ảnh 3.

Quyết định này đã khiến Ukraine thiệt hại khoảng 720 triệu USD mỗi năm tiền phí vận chuyển khí đốt cho Nga. Trong khi đó, Đức tiếp tục dựa dậm nặng hơn vào Nga. Khoảng 75% khí đốt của Đức phải nhập khẩu từ Nga và chúng chủ yếu được dùng cho chạy máy phát điện cũng như sưởi ấm.

Hiện tại, "Dòng chảy phương Bắc" chiếm khoảng 1/3 tổng số khí đốt của Nga vào Châu Âu. Năm 2021, mùa đông lạnh giá hậu đại dịch đã khiến tổng xuất khẩu khí đốt của Nga vào khu vực nay tăng lên mức kỷ lục.

Bởi vậy có thể hiểu tại sao Châu Âu đang vô cùng lo sợ diễn biến ở Ukraine và giá dầu khí lại tăng chóng mặt như vậy. Rõ ràng, việc Mỹ cùng đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga đã khiến Điện Kremlin phải có nước đi trả đũa sau nhiều năm bị dồn ép.

Theo nhận định của JP Morgan Chase, hiện chưa có quốc gia nào đủ sức thay thế được số dầu mỏ bị thiếu nếu Nga giảm sản lượng. Thậm chí việc Nga cắt giảm một nửa lượng dầu xuất khẩu cũng có thể khiến giá dầu tăng vọt lên mức kỷ lục 150 USD/thùng.

Trong khi đó, dù các cường quốc mở kho dự trữ dầu mỏ cũng chỉ có thể bình ổn giá dầu thời gian ngắn mà không thể giải quyết tình hình dài hạn nếu Nga tiếp tục giảm sản lượng trong vài tháng hay thậm chí nhiều năm.

Với Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc gia tăng căng thẳng tại Ukraine đang tạo ra nhiều hệ luỵ. Một mặt, chính quyền Washington không muốn từ bỏ Ukraine nếu không muốn bị mang tiếng và chẳng còn ai dám "phản bội" đồng minh Nga nữa. Ở khía cạnh khác, việc thúc đẩy xung đột sẽ khiến giá dầu tăng mạnh, ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Theo: The Conversation

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM