Tôn Hà Anh (SN 1992) từng được biết đến là cô chị trong cặp chị em học giỏi, lần lượt giành học bổng toàn phần của ĐH Harvard. Sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard, chị trở thành cố vấn cấp cao công ty tư vấn quản lý quốc tế McKinsey, New York - một đơn vị tư vấn doanh nghiệp hàng đầu của thế giới. Trải qua 3 năm làm việc tại McKinsey, New York, Hà Anh tiếp tục đi học thạc sĩ kinh doanh ĐH Harvard. Nhưng sau đó, vào năm 2021, Hà Anh quyết định gap year để về nước và phát triển dự án Lã Hà Clinic. Dự án mang tên của mẹ chị - một chuyên gia da liễu nổi tiếng, mang mục tiêu trở thành hệ sinh thái hàng đầu về chăm sóc sức khỏe làn da cho người Việt. Dự án này vinh dự nằm trong viện sáng tạo của Harvard, Harvard Innovation Lab.
Gặp Tôn Hà Anh vào một buổi chiều mùa thu ở một quán cafe tại Hà Nội, sự nhiệt huyết với mong muốn cùng mẹ viết tiếp ước mơ; năng lực, sự cố gắng khi học tập và làm việc tại những môi trường lớn, danh giá nhất nhì thế giới được thể hiện rõ qua những câu chuyện mà chị chia sẻ.
14 năm trước, lần đầu xa nhà, cô gái mới 16 tuổi “vươn” một phát ra biển lớn, sau đó chọn học Harvard - một môi trường học tập rất “khốc liệt”, đầy khó khăn và áp lực. Cô bé Tôn Hà Anh lúc đó đã đối mặt với những gì?
Tôi sang Mỹ năm 16 tuổi, học xong 2 năm cấp 3, tôi thi vào Harvard. Ở nơi xứ người, tôi luôn tự nhủ, mình phải cố gắng hết sức vượt qua sự cô đơn, lạc lõng để hòa nhập với môi trường, học thêm nền văn hóa mới, phát triển bản thân.
Tại Harvard, các sinh viên đều phải tự học khá nhiều. Thời gian dành cho việc học bao giờ cũng đặt ưu tiên hàng đầu. Một ngày chúng tôi học ít nhất là từ 8-10 tiếng. Trung bình thời gian dành cho hoạt động ngoại khóa trung bình là 10 tiếng/tuần và tối đa là 20 tiếng/tuần. Quỹ thời gian còn lại dành cho các mối quan hệ với bạn bè. Nếu muốn gặp bạn bè, phải tranh thủ lúc ăn trưa và ăn tối, đi ăn cùng nhau. Với lịch trình kín như vậy, sinh viên nào cũng phải tiết kiệm thời gian.
Học ở ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới, mới đầu chị có cảm thấy “ngợp” không?
Tôi vừa thấy “ngợp” lại vừa không. Tôi biết mọi người hay truyền tay nhau bức ảnh Harvard lúc 4 giờ 30 sáng, khung cảnh rất nhiều sinh viên học trong thư viện lúc 4 rưỡi sáng nhưng thật ra đấy không phải thư viện của Harvard. Chúng tôi thật sự không học nhiều đến như vậy. Nhưng điều khiến chúng tôi áp lực là phải trở thành một người toàn diện. Ở Harvard, có những bạn là thần đồng, có bạn đến từ những gia đình danh giá nhất. Đây là những nhân vật vừa là áp lực, vừa là động lực rất lớn với tôi. Học cùng với những nhân vật xuất chúng, tôi phải cố gắng cân bằng việc học, hoạt động ngoại khóa, phát triển các mối quan hệ bạn bè làm sao để mọi việc đều đạt hiệu quả tốt nhất. Với tôi, Harvard như như “biển lớn” và mình phải tự bơi.
Rất nhiều người tò mò, không biết sinh viên Harvard thật sự là những người giỏi như thế nào, chị có thể bật mí?
Theo quan sát của tôi, có 2 kiểu sinh viên mà trường rất thích. Một là các bạn rất mạnh ở một mảng nào đó, thường được gọi là thần đồng. Thứ hai là sinh viên toàn diện về tất cả các mặt. Đặc biệt, bên cạnh những thành tích về học tập, trường đánh giá chúng tôi cả về đạo đức và cống hiến cho xã hội. Điều này được thể hiện qua bài luận, thư giới thiệu, hoạt động ngoại khóa.
Sau khi tốt nghiệp, tôi là một trong những người phỏng vấn tuyển sinh cho trường Harvard. Điều mà trường Harvard rất chú trọng là đằng sau những con số, đằng sau thành tích thì bạn là một con người như thế nào. Tôi cũng như những người phỏng vấn tuyển sinh ở Harvard mang trong mình một sứ mệnh là vẽ ra một con đường cho người mà mình phỏng vấn, để từ con đường đó, bạn ấy có thể “bước ra” khỏi những con số khô khan và thể hiện mình.
Chị từng chia sẻ, khi học Harvard, mỗi đêm chị phải đọc 1000 trang sách. Những khó khăn mà chị phải vượt qua khi học tập tại đây là những gì và chị vượt qua nó ra sao?
Ở Harvard, nhiều lúc tôi cảm thấy như mình bị “chết chìm” vì có quá nhiều thông tin mình cần phải học, tiếp nhận. Ban đầu, tôi nghĩ, mỗi đêm chúng tôi sẽ có khi phải đọc tới 1000 trang sách như lời các thầy cô ở Harvard yêu cầu . Nhưng sau đó, tôi biết được rằng, thầy cô biết các sinh viên sẽ không bao giờ đọc được hết 1000 trang sách mỗi đêm trong thời gian liên tục. Điều quan trọng mà các thầy cô muốn dạy cho chúng tôi là khi có một lượng thông tin khổng lồ như thế, mình chắt lọc ra sao, tận dụng được nguồn tài nguyên tối đa nhất theo cách nào.
Ra trường, làm cố vấn chiến lược ở McKinsey, New York, thời gian đầu khó khăn, áp lực công việc đến mức nào mà chị phải gọi điện về nhà và “bật khóc” với mẹ?
Ở trường học thì mọi thứ đều có đáp án sẵn, luôn có một đáp án đúng cho mỗi bài toán. Nhưng ở “trường đời”, mọi thứ hoàn toàn khác, có những việc thật sự rất khó để tìm ra được giải pháp nào là đúng tuyệt đối.
Tôi thấy mình cũng rất may mắn khi làm việc ở một tập đoàn tư vấn chiến lược quốc tế lớn. Đối với một sinh viên vừa mới ra trường, được tư vấn cho những chính khách, quản lý, giám đốc của những tập đoàn, tổ chức hàng đầu thì là cơ hội rất quý. Nhưng làm sao để một cô sinh viên mới ra trường có thể thuyết phục được những vị giám đốc, quản lý rằng những lời khuyên mình đưa ra là có căn cứ? Vậy nên đây cũng là thử thách rất lớn và gây ra nhiều áp lực với tôi.
Những áp lực này thật sự rất căng thẳng khiến tôi phải bật khóc và kể với mẹ. Tôi biết khó khăn ấy chỉ có mình mới có thể giải quyết được nhưng sự đồng cảm, chia sẻ của các thành viên trong gia đình mang giá trị rất lớn, tạo “mỏ neo” vững chắc để tôi dũng cảm bước tiếp.
Bây giờ nhìn lại, với chị, những áp lực đó đem lại cho chị giá trị gì?
Những áp lực năm xưa giúp tôi trở thành một phiên bản tốt hơn, lì lợm hơn của bản thân. Tôi luôn tự hỏi, có điều gì mà người khác sẽ chẳng bao giờ lấy được của mình không? Câu trả lời là có, thứ tài sản mà không ai lấy được của mình chỉ có thể là kiến thức, kỹ năng mà mình học được. Chính những thử thách đầy áp lực ấy đã giúp tôi trau dồi nhiều hơn về kiến thức, kỹ năng mình cần có.
Đang là cố vấn cấp cao công ty tư vấn quản lý quốc tế McKinsey, New York - một đơn vị tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới, điều gì lại khiến chị quyết định quay trở về Việt Nam?
Sau khi làm việc với vai trò là cố vấn cấp cao ở tập đoàn tư vấn quản lý quốc tế McKinsey, New York, tôi được McKinsey tặng học bổng đi học thạc sĩ ở Harvard. Học xong 1 học kỳ, tôi có cơ hội về Việt Nam vào mùa đông của năm 2020. Thời điểm này đúng vào thời gian xảy ra dịch bệnh, tôi thay đổi rất nhiều. Khoảng thời gian này khiến tôi nghĩ lại về giá trị cuộc sống và tự hỏi điều gì là quan trọng nhất. Và tôi nhận ra rằng, điều quý giá nhất của mình là gia đình của mình.
Khi về Việt Nam vào kỳ nghỉ đông, tôi cũng chưa có ý định về hẳn vì mình đang còn việc học ở Harvard. Nhưng khi biết gia đình đã nhớ mình như thế nào, tôi đã thay đổi quyết định. Thông thường những năm trước đây khi về Việt Nam, tôi thường về rất ngắn ngày nên buổi tối sẽ tranh thủ gặp gỡ bạn bè và đối tác. Tuy nhiên, vì thời gian đó dịch đang diễn ra, tôi rất hạn chế ra ngoài và ăn cơm tối hàng ngày với gia đình. Đến một ngày có việc riêng nên tôi không ăn cơm với bố mẹ. Tối đó khi về, bố tôi có nói: “Quen với việc Hà Anh ăn cơm ở nhà rồi, nay Hà Anh mới vắng một hôm đã thấy nhớ”. Câu nói này của bố làm cho tôi có sự xúc động rất mạnh. Hóa ra là bao nhiêu năm qua bố mẹ luôn nhớ thương con nhưng bố mẹ không bộc lộ ra để con có thể thỏa sức với đam mê của mình. Khi biết bố mẹ đã nhớ thương mình như thế nào, tôi đã quyết định tạm gác việc học, gửi lại học bổng cho công ty, và ở lại Việt Nam.
Không lựa chọn bay cao hơn, bay xa hơn mà lại lựa chọn quay trở về? Quay trở về phải lựa chọn an toàn?
Lựa chọn nào trong cuộc sống đều có tiềm năng và rủi ro. Sự phù hợp với bản thân mới là quan trọng. Khái niệm bay cao, bay xa sẽ khác nhau với mỗi người. Với tôi, ở đâu trên thế giới cũng có thể cho mình cơ hội để trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân, được học và phát triển hàng ngày. Nhưng được ở gần bố mẹ và đóng góp được điều gì đó cho quê hương là điều rất đáng quý. Tôi chỉ cần như vậy thôi là ổn.
Khi bước chân ra nước ngoài vào rất nhiều năm trước, năm 16 tuổi, tôi từng nói rằng một ngày mình sẽ trở về cống hiến cho quê hương. Bao nhiêu năm tôi vẫn đau đáu mong muốn trở về như vậy. Vấn đề chỉ là thời điểm thôi.
Về Việt Nam, chị vận hành dự án Lã Hà Clinic. Được biết, đây là dự án về chăm sóc sắc đẹp cho người Việt và được lấy tên theo tên của mẹ chị là bác sĩ da liễu Lã Hà. Điều gì khiến chị quyết định đảm trách dự án này?
Tôi đặt nhiều hy vọng, tâm huyết vào dự án này. Bởi đây là dự án không chỉ có ý nghĩa với tôi và gia đình mà còn có ý nghĩa với xã hội. Tôi từng là người có làn da không hoàn hảo. Khi học tập ở Mỹ, mặt tôi có rất nhiều mụn. Tôi gặp rất nhiều khó khăn và cảm nhận được sự tủi thân, mất tự tin của mình. Cuối cùng, tôi phải chờ đến kì nghỉ hè để về cầu cứu mẹ giúp cho mình.
Về phần gia đình, mẹ tôi là một bác sĩ da liễu rất yêu nghề. Nhà có 2 cô con gái nhưng đều không nối nghiệp đi theo ngành Y của mẹ. Tôi nghĩ đây là điều mẹ có phần tiếc nuối. Việc làm dự án này cũng là cách để tôi có thể tri ân và cùng mẹ viết tiếp ước mơ theo cách của riêng tôi.
Những khiếm khuyết về da gây ra những tổn thương tâm lý và sự mất tự tin cho nhiều người Từ đó, họ có thể mất rất nhiều cơ hội trong cuộc sống từ sự nghiệp, tình bạn đến tình yêu. Vì vậy, tôi muốn tạo ra một nơi đem lại kết quả điều trị khiếm khuyết về da đạt hiệu quả cao nhất có thể.
Sự thay đổi công việc từ một tập đoàn lớn hàng đầu thế giới sang làm dự án riêng, với chị có gì khác biệt?
Dự án này cho tôi có cơ hội được thử thách bản thân với những điều rất khác so với trước kia. Thứ nhất là môi trường làm việc. Toàn bộ thời gian đi học, đi làm, lớn lên từ năm 16 tuổi của tôi là ở Mỹ nên môi trường ở Việt Nam khi tôi quay trở về sau nhiều năm rất khác với tôi.
Thứ hai là việc đi từ một công ty lớn đến một dự án khởi nghiệp chỉ mới bắt đầu. Ở công ty lớn, mình chỉ là một phần của bộ máy, đằng sau lưng là rất nhiều nguồn tài nguyên hỗ trợ cho mình, ví dụ như các quy trình đã được chuẩn hóa, nhân lực và nguồn lực được đầu tư,… Nhưng khi ra ngoài “tự bơi”, mình sẽ phải tự học rất nhiều và sử dụng nguồn lực một cách sáng tạo hơn.
Thứ ba là thị trường. Với Mỹ, đây là nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, nhưng sẽ không có nhiều cơ hội để mình có thể phát triển đột phá. Còn ở Việt Nam, mình có rất nhiều cơ hội mới.
Vận hành dự án Lã Hà Clinic cũng đồng nghĩa với việc chị sẽ làm việc trực tiếp với mẹ của mình - bác sĩ Lã Hà, việc làm việc cùng mẹ đem lại cho chị những trải nghiệm đặc biệt gì?
Tôi học được rất nhiều điều từ mẹ. Đối với những người đi trước, họ có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm trong cuộc sống mà mình không có. Ban đầu, khi mới về, tôi khá “bướng” và cũng hay “cãi” mẹ. Thế nhưng thời gian trôi qua, nhiều câu chuyện chứng tỏ quan điểm của mẹ là đúng vì mẹ có những trải nghiệm, kinh nghiệm mà mình chưa có.
Ngoài ra, còn một khó khăn nữa khi hai mẹ con làm với nhau thì rất khó phân tách giữa công việc và cuộc sống riêng. Ví dụ thường xuyên mang việc về nhà để bàn. Như thế cũng không nên lắm (cười).
Trong công việc, tôi và mẹ cố gắng “không dẫm lên chân nhau”. Tất cả những gì liên quan đến chuyên môn, tôi sẽ không can thiệp quá sâu và bác sĩ Lã Hà là người quyết định những vấn đề này. Còn về quy trình vận hành, trải nghiệm khách hàng thì những thứ đó thường tôi sẽ quyết định và đưa ra chiến lược.
Có thể đạt được những thành tựu ấn tượng như vậy, chị được bố mẹ giáo dục theo một cách rất đặc biệt và bài bản?
Điều đầu tiên, bố mẹ tôi rất coi trọng văn hóa đọc sách và học tập. Lúc còn nhỏ, trong nhà tôi luôn có 3 cái bàn, hàng ngày 3 mẹ con sẽ thắp đèn và ngồi học với nhau. Điều này đã trở thành một văn hóa trong gia đình. Với gia đình tôi, đọc sách và học tập rất đáng quý, là hoạt động cả nhà sẽ làm cùng nhau.
Điều thứ hai, khi còn nhỏ, mẹ chưa bao giờ coi tôi là trẻ con. Mẹ tôn trọng và xem tôi như là một người lớn. Lúc nhỏ, ngoài đọc báo thiếu nhi, tôi đọc khá nhiều sách về lịch sử, văn học khá sớm và tôi nhận ra trẻ con biết nhiều hơn mình nghĩ. Có lẽ việc được đối xử như một người lớn có trách nhiệm từ tấm bé đã hình thành sự tự tin của bản thân tôi.
Điều cuối cùng là kỷ luật. Cả bố và mẹ tôi đều rất kỷ luật. Bố tôi luôn quy định 5 rưỡi sáng là phải dậy, bất kể đêm qua có thức khuya học muộn đến đâu. Bố có nói rằng điều này sẽ hình thành thói quen biết quản lý thời gian tốt, tôn trọng thời gian, rèn luyện nghị lực của mình. Khoảng thời gian ấy, dậy sớm được là không dễ nhưng điều này sẽ rèn luyện thói quen tập thể dục thể thao. Bố tôi thường nói rằng: “Người có sức khỏe muốn tất cả mọi thứ. Người không có sức khỏe thì chỉ mong có sức khỏe”. Thế nên việc đảm bảo có một thể chất tốt là điều rất quan trọng. Còn với mẹ, lúc tôi còn nhỏ, vào buổi chiều mẹ vừa nấu cơm, vừa trông em bé và đặt một cái bàn ngay trong phòng bếp cạnh mẹ, tôi phải ngồi đấy học cho đến khi làm xong bài thì mới được nghỉ. Tất cả những quy định bố mẹ đặt ra và rèn luyện cho chị em tôi đều được thực hiện nghiêm chỉnh.
Khi còn là một bé con ngày xưa, chị có cảm thấy phương pháp giáo dục của cha mẹ “khắc nghiệt” không?
Có một điều tôi rất biết ơn, là mỗi một quyết định được đưa ra, bố mẹ tôi đều giải thích rõ ràng vì sao bố mẹ lại làm như thế. Cho tới cùng, nhìn lại, bài học quý giá nhất mà tôi được dạy bởi gia đình mình là luôn cố gắng hết sức để có bản lĩnh vững vàng trong cuộc sống, biết được giá trị mà mình theo đuổi là gì và kiên định đi theo con đường mà mình đã chọn. Tôi rất biết ơn sự nuôi dưỡng, giáo dục của bố mẹ. Bố mẹ đã tạo cho tôi những thói quen rất tốt từ nhỏ đến lớn nhưng đồng thời bố mẹ cũng cho tôi đủ sự tự do để tôi có thể phát triển bản thân theo cách mà mình mong muốn.
Trong các câu chuyện, tôi cảm nhận được niềm tự hào không giấu diếm chị dành cho mẹ. Phải chăng chị được truyền cảm hứng rất nhiều từ mẹ của mình?
Mẹ luôn cho tôi sự tin tưởng. Từ bé, mẹ coi tôi như một người bạn nhỏ chứ không phải một đứa trẻ con không biết gì. Vì cảm nhận được sự tin tưởng của mẹ dành cho mình nên lúc nào tôi cũng tự nhủ mình phải cố gắng.
Mẹ tôi là người rất mẫu mực, luôn dạy bằng cách làm gương cho con cái. Mẹ dạy tôi rằng:“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Sự cố gắng không ngừng nghỉ sẽ làm cảm động trời đất, có thể thay đổi cả số mệnh của mình. Không có việc gì khó mà mình không làm được. Mẹ tôi cũng chứng minh điều đó trong suốt khoảng thời gian theo đuổi ngành Y bởi điều đó không hề dễ dàng trong mấy chục năm về trước, khi thời buổi còn nhiều khó khăn. Tôi vẫn nhớ hình ảnh 3 mẹ con cùng ngồi học hay lúc mẹ vừa nấu cơm, vừa chăm con nhỏ, dạy con lớn học trong một căn bếp vài mét vuông ở khu tập thể. Nhìn lại tất cả những khó khăn mà mẹ trải qua, tôi thấy được cái tâm của mẹ, niềm đam mê của mẹ với nghề Y và sự hy sinh mà mẹ đã dành cho gia đình.
Mẹ tâm niệm rằng, trong khả năng, mình có thể giúp được ai thì phải giúp. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh bệnh nhân đến gặp mẹ, khóc từ đầu đến cuối, ngay cả trong lúc điều trị vì làn da của các bạn bị hủy hoại nhiều quá. Mẹ tôi trăn trở và hỗ trợ chi phí điều trị cho nhiều ca có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Tôi vẫn nhớ, hồi nhỏ, có một lần trời mưa rất to, đang đi trên đường thì mẹ dừng xe lại, mẹ đưa cho tôi một ít tiền và bảo: “Con đi ra đằng sau, có 2 mẹ con đang đứng dưới mưa. Con hãy đưa cho người mẹ”. Điều này làm tôi nhớ mãi.
Là người được rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ, để chia sẻ một vài lời khuyên, một vài điều gì đó đến các bạn trẻ, chị sẽ nói những gì?
Trong cuốn “Hoàng tử bé”, tôi rất thích chi tiết đoàn tàu nối đuôi nhau đi về nơi vô định. Cuộc đời mình cũng giống như toa tàu đó, sẽ đi về nhiều nơi khác nhau. Mỗi chương của cuộc đời là một chặng dừng chân. Điều quan trọng là mình có thể cố gắng hết sức và tận hưởng “chuyến đi” để không bao giờ phải hối tiếc. Trong cuộc sống, mình chỉ cần là phiên bản tốt hơn của bản thân ngày hôm qua. Hãy cứ kiên định theo con đường mà bản thân đã chọn và bước tiếp.
Tri thức Trẻ