Tốn 20 tỷ USD tổ chức Olympic giữa đại dịch, người dân Nhật Bản đang ngày càng nghèo hơn

29/07/2021 07:15 AM | Xã hội

Tỷ lệ nghèo đói của Nhật Bản đạt tới 15,7%, cao thứ 2 trong số các thành viên G7 và cao hơn mức bình quân của OECD bất chấp quốc gia này là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Ban đầu, Nhật Bản dành 15,4 tỷ USD ngân sách cho sự kiện này nhưng cơ quan kiểm toán nhà nước cho biết con số chi tiêu thực tế đã lên tới 20 tỷ USD. Số tiền này nhiều gấp 3 lần so với mức 7,4 tỷ USD dự kiến của Nhật Bản khi mới tham gia đấu thầu đăng cai Olympic với những nước khác.

Chính phủ Nhật Bản đã kỳ vọng rằng Olympic sẽ tạo cú hích mới cho nền kinh tế. Vậy tại sao cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới này lại đặt quá nhiều kỳ vọng vào một kỳ thế vận hội thể thao? Tại sao người dân lại phản đối việc chi quá nhiều tiền cho Olympic?

Bên cạnh lý do đại dịch thì một nguyên nhân nữa khiến nhiều người cũng phải bất ngờ: Nghèo.

Thập niên mất mát

Vào năm 1987, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó mới chỉ là một doanh nhân đã từng có một bài đăng trên hàng loạt các tờ báo, qua đó chỉ trích sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Bạn nghe không có nhầm đâu, đối tượng chỉ trích của Tổng thống Trump khi đó là Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc.

Nguyên nhân thì cũng dễ hiểu, Nhật Bản khi đó là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang có xuất siêu sang Mỹ. Thị trường này đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên khi vực dậy từ Thế chiến II, thế nhưng người dân Nhật Bản lại phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kéo dài từ thập niên 1990 đến nay.

Thậm chí, người dân Nhật Bản còn gọi thời kỳ này là "thập niên mất mát" khi hàng loạt người tự tử vì phá sản trong khi vô số thanh thiếu niên lâm vào vũng bùn nghèo khổ. Suốt nhiều năm sau đó, Nhật Bản đã liên tục thay nhiều đời thủ tướng nhưng có một ai đưa Nhật Bản thoát khỏi vũng lầy kinh tế.

Tốn 20 tỷ USD tổ chức Olympic giữa đại dịch, người dân Nhật Bản đang ngày càng nghèo hơn - Ảnh 1.

Tỷ lệ đói nghèo tại Nhật cao thứ 2 trong G7 dù là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới

Tăng trưởng của nước này vẫn chậm, cuộc sống của người dân không được cải thiện và hàng loạt những mâu thuẫn gia tăng trong xã hội. Dân số thì ngày một già đi còn tầng lớp thanh thiếu niên chẳng đủ tiền lấy vợ sinh con.

Cựu thủ tướng Shinzo Abe, từ chức vào tháng 9/2020 và là nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Nhật Bản, đã từng cam kết đưa nền kinh tế này sang một trang mới.

Thế nhưng số liệu mới đây cho thấy tỷ lệ nghèo đói của Nhật Bản lại đi lên chứ chẳng hề suy giảm. Nói đơn giản hơn, người Nhật đang ngày một nghèo đi.

Văn hóa "làm việc đến chết"

Sau gần 20 năm chìm trong khủng hoảng vì tăng trưởng giảm tốc, lạm phát không đạt mức mục tiêu, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe lên cầm quyền lần thứ 2 đã cam kết sẽ vực dậy lại nền kinh tế. Khi đó, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và Thủ tướng Abe nhanh chóng thực hiện một cuộc cải cách trên toàn quốc.

Theo đó, kế hoạch được mọi người gọi là "Abenomics" này dựa trên các chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng cường đầu tư công, cải tổ cơ cấu thị trường lao động vốn đang lão hóa và suy giảm nhanh chóng.

Kể từ năm 2011 đến nay, Nhật Bản phải đối mặt với sự suy giảm dân số khi tỷ lệ sinh mới thấp hơn số người tử vong. Năm 2019, tỷ lệ sinh mới của Nhật Bản giảm 5,9% và số người chết nhiều hơn 500.000 người so với số trẻ sơ sinh.

Theo lý thuyết, lực lượng lao động suy giảm sẽ gia tăng vị thế cho nhân viên nhưng trên thực tế, thu nhập của người lao động Nhật Bản khá thấp so với chi phí sinh hoạt ngày một tăng. Kể từ năm 1991 đến nay, mức lương bình quân tại Nhật Bản vẫn duy trì chưa đến 40.000 USD/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng lương của Hàn Quốc, Mỹ hay bình quân Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Nguyên nhân chính của sự bất thường này nằm ở văn hóa lao động tại Nhật Bản. Thị trường lao động tại đây đề cao sự trung thành, tận tụy, làm việc đến chết của nhân viên với doanh nghiệp. Bù lại, các công ty sẽ coi nhân viên như thành viên gia đình và chăm lo cho họ đến hết đời. Nếu nhìn kỹ vào cấu trúc lương thưởng, các nhân viên làm việc lâu năm cho công ty thường sẽ được ưu tiên thăng chức và tăng lương thay vì dựa trên tài năng hay nhu cầu của vị trí quản lý.

Tốn 20 tỷ USD tổ chức Olympic giữa đại dịch, người dân Nhật Bản đang ngày càng nghèo hơn - Ảnh 2.

Làm việc đến chết nhưng mức lương tại Nhật Bản lại thấp hơn nhiều nước cùng cấp

Văn hóa coi trọng sự trung thành và làm việc lâu năm này của Nhật Bản đã có từ thời Thế chiến II, qua đó góp phần làm nên thành công của họ trong thập niên 1980. Thế nhưng tình hình đã dần thay đổi và văn hóa này đang dần giết chết nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Sau Thế chiến II, Nhật Bản có rất ít lao động có tay nghề vì sự tàn phá của chiến tranh và văn hóa an toàn, đảm bảo sự trung thành với doanh nghiệp phát huy khá hiệu quả bởi ai cũng muốn có thu nhập ổn định còn năng suất của mọi người lại không quá khác biệt.

Thế nhưng văn hóa này lại coi nhẹ hiệu quả và năng suất công việc, tài năng cũng như nhu cầu thực tế của vị trí quản lý. Hệ quả là dù người Nhật làm việc chăm chỉ nhưng hiệu suất công việc lại không hề vượt trội so với các nền kinh tế cùng cấp.

Tồi tệ hơn, các doanh nghiệp Nhật Bản do phải chấp nhận thuê lao động trong thời gian dài nên họ sẽ hạn chế tăng lương, nhất là khi nền kinh tế giảm tốc cũng như gặp khủng hoảng.

Ngoài ra, việc dân số lão hóa khiến các vị trí quản lý được đảm nhiệm bởi người già trở nên hợp lý hơn, qua đó hạn chế cơ hội thăng tiến của tầng lớp lao động trẻ cũng như các quyết định tăng lương. Với những thế hệ cao tuổi làm giám đốc, sự trung thành và cần cù của nhân viên thường được đánh giá cao hơn tài năng và hiệu quả công việc.

Trọng nam khinh nữ

Để phá vỡ hệ thống lao động không hợp lý này, Thủ tướng Abe khi đó đã có nhiều quy định mới như nới lỏng luật lao động nhập cư, kêu gọi hủy bỏ văn hóa làm việc quá sức cũng như cổ vũ phái nữ gia nhập thị trường lao động nhiều hơn.

Mặc dù Thủ tướng Abe khi đó đã nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động lên mức 72,6% so với tổng số, mức cao kỷ lục, nhưng thu nhập của nữ giới vẫn rất thấp do phần lớn họ phải làm những công việc bán thời gian thu nhập thấp.

Trong số các nhà quản lý cấp trung và lãnh đạo cấp cao tại Nhật Bản, phụ nữ chỉ chiếm 15%. Theo hãng tin CNBC, mức lương bình quân của phụ nữ Nhật Bản chỉ bằng 50% so với nam giới ở cùng ngành nghề.

Tệ hơn, văn hóa trọng nam khinh nữ ăn sâu vào tiềm thức đã khiến các doanh nghiệp hạn chế thuê nữ nhân viên ngoại trừ một số ngành đặc biệt. Hơn nữa việc phải chi những khoản tiền chăm sóc thai sản và nhiều khoản trợ cấp khác cho phái nữ cũng khiến các công ty Nhật Bản ngại ngần thuê phụ nữ.

Tốn 20 tỷ USD tổ chức Olympic giữa đại dịch, người dân Nhật Bản đang ngày càng nghèo hơn - Ảnh 3.

Để đối phó với các quy định mới từ Thủ tướng Abe khi đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã phân loại nhân viên chính thức và nhân viên hợp đồng bán thời gian. Qua đó hầu hết nữ nhân viên phải chịu cảnh lao động hợp đồng bán thời gian không có trợ cấp hay chính sách hỗ trợ nào từ công ty.

Năm 2019, số nhân viên hợp đồng tại Nhật Bản tăng tới 2,1% trong khi lao động chính thức lại chỉ tăng 0,5% bất chấp lời kêu gọi gia tăng việc làm và nâng lương của chính phủ.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản rất thấp nhưng phần lớn lại là những công việc hợp đồng hoặc không được tăng lương. Hệ quả là tỷ lệ nghèo đói của Nhật Bản đạt tới 15,7%, cao thứ 2 trong số các thành viên G7 và cao hơn mức bình quân của OECD.

Chính sách Abenomics đã giúp đỡ nhiều doanh nghiệp hưởng lợi do đồng Yên thấp, tạo ưu thế xuất khẩu còn thị trường chứng khoán bùng nổ sau các gói kích thích kinh tế. Thủ tướng Abe khi đó đã hy vọng các công ty sẽ phân phối lại một phần phúc lợi này cho người dân nhưng điều đó đã không xảy ra. Các chủ doanh nghiệp chỉ tích lũy thêm tài sản đề phòng khủng hoảng mà chẳng mấy quan tâm đến người lao động.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Nhật ngày càng lao đao hơn khi chính phủ hết dần công cụ kích thích kinh tế. Họ đã nợ quá nhiều, tung quá nhiều tiền ra nền kinh tế nhưng mọi thứ vẫn không như mong muốn và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giờ đây chẳng còn mấy công cụ để cứu thị trường.

Giờ đây, khi đã chi quá nhiều tiền cho Olympic nhưng lại chẳng thu về được bao nhiêu trong mùa dịch, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ gặp thêm thách thức về kinh tế. Đó là chưa kể số bệnh nhân lây nhiễm mới bắt đầu tăng trở lại ở Nhật Bản kể từ khi tổ chức thế vận hội, qua đó có thể tạo nên cuộc khủng hoảng kép cho quốc gia này.

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM