Tôm hùm từ món ăn xa xỉ của người giàu giờ rớt giá thê thảm, "chạm đáy" vì dịch
Là một món ăn đắt đỏ xưa nay chỉ phục vụ ở trong các nhà hàng, khách sạn thì giờ đây tôm hùm không chỉ bị rớt giá kịch sàn mà còn phải bán lẻ, được người nào hay người ấy.
Trước đây phần lớn tôm hùm tươi sống thường được chủ vựa để bỏ sỉ cho các nhà hàng, khách sạn, rất hiếm hoặc thậm chí là không bán cho khách mua lẻ bởi giá tôm hùm rất cao. Nhưng nay, vì dịch COVID-19, nhiều nhà hàng, khách sạn đóng cửa, để duy trì người nuôi phải chuyển sang bán online và bán lẻ.
Tôm hùm rớt giá khiến người nuôi thủy sản tại Vạn Ninh gặp khó.
Theo đó, giá tôm hùm bông và tôm hùm xanh hiện rớt xuống chỉ còn 1,2 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng/kg, trong khi cách đây 3 tháng giá dao động từ 1,8 triệu đồng đến 2,9 triệu đồng/kg.
Nhiều gia đình nuôi tôm ở Vạn Ninh cho biết, trong khi giá thức ăn cho tôm tăng gấp 3 lần so với trước dịch thì giá tôm lại giảm, vì thế người nuôi tôm đang bị lỗ nặng.
"Vừa rồi, tôi bán khoảng 4 tấn tôm với giá cao nhất là 1,8 triệu đồng/kg, nhưng với giá này nếu xuất bán hết vẫn lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền thức ăn cho tôm ngày càng tăng, đã tăng gấp 3 lần so với trước dịch...", bà Nguyễn Thị Ngay (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết trên Báo Khánh Hòa.
Theo bà Ngay, trước đây, cua dùng làm mồi cho tôm ăn chỉ khoảng 22.000 đồng/kg giờ tăng lên hơn 60.000 đồng/kg; ốc, cá làm mồi cũng từ 8.000 đồng/kg tăng lên hơn 20.000 đồng/kg. Một ngày, tôm ăn khoảng 3 tấn mồi, mà hiện nay mồi cũng rất khan hiếm do thực hiện giãn cách xã hội nên người dân không đi biển.
Nếu những hộ nuôi tôm hùm bông vẫn còn chút hy vọng vì càng lớn giá trị thịt tăng theo. Còn các hộ nuôi tôm hùm xanh ngược lại, vì tôm càng nuôi tỷ lệ lỗ vốn, rủi ro càng tăng theo.
Đặc điểm của tôm hùm xanh khi trọng lượng đạt từ 200-400 gram là có thể xuất bán. Nếu nuôi thêm tôm lớn rất chậm, trong khi tiền thức ăn lại tăng lên. Nếu không cho ăn đủ, tôm hùm xanh sẽ tự cắn lẫn nhau trong lồng. Thời gian nuôi từ 6-8 tháng mà không xuất bán người nuôi sẽ thiệt đơn, thiệt kép.
Theo các hộ nuôi tôm hùm, nguyên nhân khiến tôm hùm rớt giá là do xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch gặp khó khăn, đồng thời du khách đến Việt Nam giảm đáng kể, nhà hàng, khách sạn đóng cửa nhiều nên giá tôm hùm cũng giảm.
Theo ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vạn Ninh, trước nay người dân và các thương lái ở địa bàn làm ăn còn manh mún, chưa có sự liên kết khoa học nên bị phụ thuộc rất nhiều vào các đầu nậu lớn cũng như thị trường. Khi thị trường bị ảnh hưởng, người nuôi thiệt thòi đầu tiên.
"Người nuôi tôm phần lớn vay vốn ngân hàng, giờ giá xuống thấp nguy cơ lỗ rất cao. Nhưng các hộ nuôi lại không nằm trong gói hỗ trợ của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Huyện đã kiến nghị cấp trên chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất, gia hạn thời gian vay hoặc khoanh nợ để họ vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Minh cho biết trên Zingnews.