Tối nay diễn ra lễ trao giải thưởng khoa học lớn nhất hành tinh - VinFuture 2024
Lúc 20h ngày 6/12, lễ trao giải VinFuture 2024 sẽ công bố loạt giải thưởng tổng trị giá 4,5 triệu USD cho những nghiên cứu khoa học công nghệ toàn cầu.
Sự kiện được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam và trực tiếp trên các nền tảng của Báo điện tử VTC News.
Giải thưởng sẽ vinh danh những phát minh và công nghệ đột phá góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất và thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề, dịch vụ có ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại.
Sau tiếng vang của ba mùa giải trước, VinFuture 2024 thu hút số lượng kỷ lục, gần 1.500 dự án nghiên cứu, được đề cử bởi hơn 9.000 đối tác đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số lượng các nhà khoa học quốc tế trở thành đối tác đề cử tăng gấp gần 8 lần, số lượng đề cử tăng 2,5 lần so với mùa đầu tiên.
Lễ trao giải sẽ quy tụ hàng trăm "bộ óc" xuất chúng toàn cầu trong các lĩnh vực trọng yếu như: khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, y học, nghiên cứu môi trường. Trong đó, nhiều nhà nghiên cứu là chủ nhân của những giải thưởng quốc tế danh giá như Nobel, Millennium Technology, Turing và VinFuture các mùa trước.
Với thông điệp "Bứt phá kiên cường", VinFuture 2024 sẽ vinh danh các công trình nghiên cứu và phát minh mang tính đột phá, tác động sâu rộng, giúp nhân loại kiên cường vượt qua khó khăn và chạm tới những đỉnh cao mới.
Như thông lệ, hệ thống giải thưởng VinFuture năm nay gồm bốn hạng mục. Trong đó, giải thưởng chính trị giá hơn 76 tỷ đồng, tương đương 3 triệu USD. Ba giải đặc biệt mỗi giải trị giá gần 13 tỷ đồng, tương đương 500 nghìn USD dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Dự đoán 3 lĩnh vực VinFuture vinh danh năm nay
Giáo sư Gurdev Singh Khush, đồng chủ nhân giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, nhấn mạnh 3 lĩnh vực nghiên cứu quan trọng có khả năng được chú ý trong năm nay.
Một là, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường - những vấn đề có tác động sâu rộng đến an ninh lương thực và nguồn nước. Ông đánh giá: “ Nghiên cứu nào hướng đến việc giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển nền nông nghiệp bền vững, và đảm bảo con người được tiếp cận với nguồn nước sạch chắc chắn sẽ có giá trị cao”.
Đồng quan điểm, giáo sư Martin Andrew Green, chủ nhân giải thưởng chính VinFuture 2023 nói, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang bùng nổ, và đây là một trong những cơ hội tốt nhất để chống lại biến đổi khí hậu.
Từ góc nhìn của người dành nhiều thập kỷ nghiên cứu để nâng cao hiệu suất của pin mặt trời silicon, giáo sư Green cho rằng công nghệ này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. “Năng lượng mặt trời hiện đang cung cấp điện với chi phí rất thấp ở nhiều quốc gia, và đây được coi là cuộc cách mạng năng lượng lần thứ ba - sau cách mạng nông nghiệp và công nghiệp”, ông nói.
An ninh năng lượng cũng được xem là lĩnh vực then chốt khác. Với dân số thế giới ngày càng tăng và nhu cầu năng lượng gia tăng, việc tìm kiếm các giải pháp năng lượng bền vững và đáng tin cậy trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Những đổi mới trong công nghệ năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và tiêu thụ năng lượng hiệu quả sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức này.
Cuối cùng, sức khỏe toàn cầu cũng là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị và ứng phó nhanh với các bệnh truyền nhiễm.
Trong lĩnh vực này, giáo sư Jens Juul Holst, chủ nhân giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, nhận định rằng nghiên cứu về microRNA mang tiềm năng to lớn trong việc giải quyết các thách thức y tế toàn cầu.
Với vai trò thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture năm nay, giáo sư Green tiết lộ rằng số lượng hồ sơ đề cử cho Giải thưởng rất ấn tượng. Ông cũng bật mí, các đề cử năm nay được phân chia vào những nhóm chính, như khoa học vật liệu, nông nghiệp, khí hậu, y tế và chăm sóc sức khỏe, môi trường, toán học, trí tuệ nhân tạo, truyền thông, khoa học máy tính.