Tôi cứ tưởng Apple luôn đi đầu, sao lại bị coi là "ăn cắp" ở Trung Quốc?
Suýt mất tên gọi iPad, không còn là công ty duy nhất được dùng tên gọi iPhone và đến nay thì bị cấm bán iPhone 6/ 6 Plus, Apple luôn gặp nhiều khó khăn ở quốc gia tỉ dân.
Mới đây, Apple đã bất ngờ gặp khó tại Trung Quốc khi giới chức nước này ban ra lệnh cấm bán iPhone 6 và iPhone 6 Plus tại Bắc Kinh trước cáo buộc cho rằng Apple đã sao chép trắng trợn thiết kế của một chiếc smartphone có tên Shenzhen Baili 100C.
Đây không phải lần đầu tiên Apple gặp phải những tình huống trớ trêu như vậy ở Trung Quốc liên quan đến bản quyền. Có vẻ như, luật pháp tại quốc gia này luôn chống lại "táo khuyết" vậy. Dưới đây là một vài dẫn chứng.
1. Apple mất tên gọi "IPHONE"
Đầu tháng 5 năm 2016, cộng đồng yêu công nghệ cũng "rúng động" trước thông tin Apple thua kiện trong một vụ kiện thương hiệu trước công ty có tên Xintong Tiandi Technology có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Công ty này theo đó đã và đang bán các sản phẩm túi xách, ốp lưng điện thoại và nhiều loại đồ da khác với tên gọi "IPHONE".
Thực tế, vụ "xích mích" nói trên đã bắt đầu từ năm 2012 và Apple cũng rất nỗ lực để giành quyền sử dụng độc quyền thương hiệu iPhone tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng ở Trung Quốc đã từ chối ý kiến của Apple. Ngày 31 tháng 3 năm này, tòa án Trung Quốc tiếp tục kháng cáo đề nghị của Apple và tiếp tục cho phép Xintong Tiandi được bán những sản phẩm IPHONE của mình.
Theo The Verge, Apple đệ đơn đăng kí quyền sử dụng thương hiệu "IPHONE" vào năm 2002 tuy nhiên mãi phải tới năm 2013, nó mới được phê duyệt trong Danh mục 9: Thiết bị khoa học và điện tử. Năm năm sau ngày Apple nộp đơn, vào năm 2007 - thời điểm Apple trình làng iPhone tại Mỹ lần đầu - Xintong Tiandi cũng thực hiện một đơn đăng kí tương tự. Năm 2010, thương hiệu của Xintong Tiandi được chấp thuận trong Danh mục 23: Hàng da.
Ở thời điểm đó, giới chức Trung Quốc từ chối hủy đề trình đăng kí "IPHONE" của Xintong Tiandi vì do rằng iPhone của Apple không phổ biến tại quốc gia này khi Xintong Tiandi tiến hành đăng kí. Điều này cũng chẳng có gì khó hiểu bởi mãi tới năm 2009, Apple mới chính thức vào Trung Quốc.
2. Phải trả 60 triệu USD để được dùng tên gọi "iPad"
Apple cũng từng phải "vật vã" hai năm ròng với những vụ kiện liên quan đến quyền sử dụng thương hiệu "iPad" và cuối cùng cũng phải trả 60 triệu USD để chấm dứt những lằng nhằng.
Cụ thể, năm 2000, một năm trước khi Apple tung ra iPad, Proview International đã đăng kí thương hiệu IPAD ở Đài Loan. Họ tiếp tục đăng kí thương hiệu này tại Trung Quốc, Châu Âu, Indonesia, Mexico và một số thị trường khác trong bốn năm tiếp theo. Tuy nhiên, dòng máy tính bảng mang tên gọi lại của Proview sau đó không thành công và hãng đã quyết định bán tên gọi IPAD cho một công ty Mỹ có tên IP Application Development (IPAD) với giá 54.800 USD.
Proview sau đó đưa ra cáo buộc rằng họ không hề biết IP Application Development là một công ty có liên hệ với Apple và Apple khi đó dĩ nhiên đang mua lại tên IPAD từ công ty này để chuẩn bị tung sản phẩm ra toàn cầu.
Proview Electronics như vậy đã bán tên gọi IPAD cho Apple một cách gián tiếp trên rất nhiều thị trường, tuy nhiên Apple cũng sớm nhận ra rằng họ không có quyền sử dụng tên gọi này ở Trung Quốc bởi thực tế một nhánh của Proview là Proview Technology có trụ sở tại Thâm Quyến vẫn giữ quyền sử dụng tại Trung Quốc. Và hơn hết là giới chức Trung Quốc không đứng về phía Apple.. Ban đầu, thậm chí Proview Technology còn đòi tới 800 triệu USD từ phía Apple.
Bên trên chỉ là hai trong số những vụ kiện nổi cộm của Apple trên đất Trung Quốc, gây ra tổn thất tương đối về cả tài chính và hình ảnh cho ông lớn công nghệ. Ngoài ra, vẫn còn vô số những sự vụ nhỏ lẻ khác trong đó có thể kể đến tên gọi Snow Leopard (của OS X) bị một công ty hóa chất kiện, bị kiện bán phim chưa được phê duyệt qua iTunes hay Siri bị một công ty có tên Zhi Zhen Internet Technology kiện vì vi phạm bản quyền trên một dịch vụ tương tự là Xiao i. Nhìn chung, Trung Quốc luôn là một thị trường "khó tính" với Apple. Tuy nhiên vì quy mô dân số cũng như tiềm năng thị trường, trong vài năm trở lại đây, Apple vẫn đổ nhiều nỗ lực để chinh phục quốc gia tỷ dân.