Tố cáo tài xế vi phạm: Công việc kiếm bộn tiền cho các 'camera chạy bằng cơm'

17/04/2022 14:00 PM | Xã hội

Những người được cho là 'nhàn rỗi' đang kiếm số tiền khổng lồ khi báo cáo các trường hợp vi phạm giao thông bằng cách nộp video ghi hình cho cơ quan chức năng.

Theo NBC New York, một luật ban hành năm 2019 đã giúp thành phố thu về 2,3 triệu USD chỉ thông qua việc phạt các tài xế vi phạm. Khoảng 600.000 USD trong đó được trả cho những công dân thành phố đã báo cáo về vi phạm, và 125.000 USD trong số này thuộc về chỉ một người, Donald Blair.

Được biết, hơn một nửa các bang của Mỹ ban hành luật cấm xe tải (nhiều nơi cấm cả xe buýt) chạy không tải trong một khoảng thời gian nhất định. Mục đích nhằm giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu trung bình mỗi năm cũng như giảm mức khí thải ra môi trường.

Ở New York, vào năm 2019, một luật mới do Cựu Thị trưởng Bill de Blasioban hành giúp người dân có thể kiếm tiền nhờ báo cáo vi phạm của các tài xế xe tải và xe buýt. Để nhận được tiền, một công dân chỉ cần quay video một chiếc xe tải đang chạy chế độ không tải. Nếu xe đỗ ở khu vực một trường học, video cần ghi lại trong vòng 1 phút. Và nếu không ở trong khu vực trường học, video cần dài 3 phút.

Video sau đó cần được đăng tải lên website của Sở bảo vệ Môi trường của thành phố cùng bản khai kèm cam kết. Chủ phương tiện bị vi phạm có thể bị phạt với mức trung bình 250 USD, còn người báo cáo được nhận 87,5 USD.

Nó trở thành một khoản lương không chính thức khá béo bở đối với những người New York như Donald Blair. Anh này thường xuyên theo dõi các xe tải và xe buýt chạy không tải ở khu vực Brooklyn và được trả 55.000 USD, khoảng 70.000 USD nữa đang được chờ xử lý về tài khoản. Số tiền này khiến anh trở thành người kiếm được nhiều tiền nhất trong số những người báo cáo tài xế vi phạm.

Blair cho hay: "Nếu bạn muốn thay đổi thói quen của ai đó, cách tốt nhất là đánh thật mạnh vào túi tiền của họ".

Ở New York, có riêng một nhóm khoảng 60 người được gọi là "các chiến binh không tải". Tất cả đều chuyên theo dõi, phát hiện và ghi hình các xe vi phạm. Như George Packenham, một người làm công việc 'chỉ điểm' trong nhóm, cũng kiếm được 40.000 USD. Vì thế, đây thậm chí được ví như một thị trường nóng bỏng và hấp dẫn với nhiều người.

Khoảng 8 triệu USD tiền phạt chưa được bên vi phạm chi trả hết. Trong đó, công ty Amazon bị phạt nhiều nhất, 250.000 USD. UPS đứng thứ hai với 70.000 USD và FedEx là 60.000 USD. Cả ba công ty này đều nói rằng họ đang làm việc để thanh toán các khoản tiền phạt cho thành phố New York.

Theo đó, Chi cục Bảo vệ Môi trường của thành phố đang nhấn mạnh sự thành công của luật. Gần 11.500 vé chạy không tải đã được đưa ra vào năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với 5.000 vé vào năm 2019 trước khi luật có hiệu lực.

Tại Việt Nam, người dân có thể cung cấp video vi phạm cho cơ quan CSGT để báo cáo các cá nhân vi phạm.

Trong buổi phỏng vấn trực tuyến về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được VnExpress tổ chức chiều ngày 6/4, khi trả lời câu hỏi "Hình ảnh từ camera hành trình của một xe có được lấy làm cơ sở để phạt nguội các xe vi phạm khác không và người có hình ảnh thì gửi đến đâu để công an phạt xe vi phạm đó?", Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) - đã cho biết phía cục đang đề xuất cơ chế trả tiền cho người gửi video vi phạm giao thông, đồng thời sẽ có cổng thông tin tiếp nhận và xác minh.

Ngoài ra, đại tá Bình còn cho biết, cơ chế này đã có ở nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, họ đã thành cái văn hoá ghi hình và gửi cho nhà chức trách. Ví dụ, nếu xử phạt được người vi phạm, người ghi hình sẽ được trả bao nhiêu phần trăm trong số tiền đó. Nhưng quan trọng nhất là phải xác minh để người vi phạm khâm phục khẩu phục.

Đây là thông tin thú vị và đáng chú ý khi những người bức xúc về các tình huống giao thông có thể gửi hình ảnh hoặc video về vụ vi phạm đến cơ quan để được xử lý và thậm chí có thể nhận được khoản chi phí nhỏ nếu được xác minh chính xác.

Thông tin rõ ràng hơn về việc CSGT sẽ được phép sử dụng thông tin do người dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông có thể tìm thấy trong Nghị định 135/2021/NĐ-CP, hiệu lực từ ngày 1/1/2022, quy định về danh mục, quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, xử lý dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính, sẽ là căn cứ pháp lý để thực hiện việc này.

Theo Khánh Vy

Cùng chuyên mục
XEM