Tình yêu bắt đầu từ đâu? Các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau hay chỉ là ảo tưởng xác suất?

14/02/2022 09:36 AM | Sống

"Đời mỗi người sẽ gặp khoảng 29,2 triệu người, xác suất để hai người yêu nhau là 0,000049. Cho nên…".

Hãy bắt đầu bằng một thí nghiệm giả định: Nếu ta chọn ra một cặp đôi đang yêu và xóa sạch ký ức của họ về nhau. Theo bạn, sau khi hai người đó tình cờ gặp lại, họ có bị hấp dẫn bởi nhau và bắt đầu tình yêu lại từ đầu hay không?

Đã có muôn vàn bộ phim nói về chủ đề này, từ A Moment to Remember (2004), Your Name. (2016) cho tới gần đây nhất là Spider-man: No Way Home (2021). Mỗi bộ phim lại kết thúc theo một cách khác nhau.

A Moment to Remember kể về một người chồng cố gắng gợi lại trí nhớ cho vợ mình, một người phụ nữ phải chiến đấu với bệnh Alzheimer từ khi còn rất trẻ. Họ đã có một khoảng thời gian cực kỳ hạnh phúc bên nhau nhưng căn bệnh đã khiến người vợ quên đi mất chồng mình.

Spider-man: No Way Home kết thúc với một kịch bản tương tự khi phép thuật của Doctor Strange khiến cả thế giới quên đi Peter Parker là ai, bao gồm cả bạn gái cậu, MJ. Và khi họ gặp lại nhau, MJ chỉ coi Peter như một chàng thiếu niên xa lạ hành động một cách đầy kỳ quặc.

Your Name. thì kể một câu chuyện với kết thúc có hậu hơn. Hai cô cậu bé yêu nhau, bị xóa sạch ký ức về nhau, nhưng cuối cùng vẫn tìm lại được nhau.

Tình yêu bắt đầu từ đâu? Các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau hay chỉ là ảo tưởng xác suất? - Ảnh 1.

Không chỉ là một tình huống đặt ra trên phim ảnh, thí nghiệm tâm trí này chính là thứ mà các nhà khoa học sử dụng để trả lời cho một câu hỏi mang tính triết học: Tình yêu đã khởi nguồn từ đâu?

Nếu bạn tin rằng các cặp đôi được sinh ra là để dành cho nhau, thì khi bị xóa sạch ký ức, họ sẽ tìm lại được nhau và yêu nhau trở lại. Nhưng nếu điều đó không đúng, thì tình yêu thực ra chỉ dựa trên một loạt các xác suất mà các cặp đôi đã thực hiện trong cuộc đời mình.

Họ đã vô tình gặp nhau, và rồi bằng một cách nào đó đã yêu nhau. Nếu bị xóa sạch ký ức, các chuỗi xác suất ấy sẽ phải chạy lại từ đầu. Có một xác suất rất nhỏ để họ quay trở lại được với nhau và một xác suất rất lớn họ sẽ yêu những người khác.

Dan Conroy-Beam, một nhà tâm lý học đến từ Đại học California cho biết: Bí ẩn trung tâm lớn nhất ở đây là – bạn có thực sự biết mình muốn yêu một người như thế nào hay không? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy nhưng nó không hề tầm thường một chút nào.

"Theo nhiều phương diện, người bạn chọn làm bạn đời sẽ là quyết định quan trọng nhất mà bạn phải đưa ra trong cuộc đời. Nó sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc, sức khỏe và cuộc sống tổng thể của bạn", Conroy-Beam nói. Bạn sẽ phải dành rất nhiều thời gian, năng lượng và cả nỗ lực để tìm kiếm được một mối quan hệ bền chặt.

Vậy trong quá trình đó, các nhà khoa học có thể cho chúng ta những lời khuyên nào, ít nhất là dựa trên những nghiên cứu mà họ đã thực hiện cho tới giờ phút này? Và không chỉ với những người chưa tìm được một nửa của mình, khoa học về tình yêu còn có thể giúp những cặp đã nên đôi tiếp tục duy trì mối quan hệ của họ bền vững được hay không?

Hãy cùng tìm hiểu:

1. Giả thuyết đúng người: Nếu ngoài kia có người sinh ra để dành cho bạn, nhiệm vụ của bạn là đi tìm họ

Tình yêu bắt đầu từ đâu? Các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau hay chỉ là ảo tưởng xác suất? - Ảnh 2.

Conroy-Beam cho biết vào thế kỷ 20, các nhà tâm lý học như ông tin rằng nếu một người đã đưa ra được hình mẫu người bạn đời lý tưởng, chẳng hạn như chiều cao, thân hình, tính cách… thì khi gặp một người đáp ứng được đúng những yêu cầu đó, họ sẽ ngay lập tức yêu người này.

Nhưng từ những năm 1990 sang đầu thập niên 2000, giả thuyết ấy đã bị lung lay trước sự ra đời của trào lưu hẹn hò cấp tốc (speed dating). Được khởi xướng bởi Yaacov Deyo, một giáo sĩ Do Thái vào năm 1998 ở Los Angeles, những buổi hẹn hò cấp tốc quy tụ một nhóm lớn những người đàn ông và phụ nữ độc thân.

Họ sẽ cùng nhau đến một quán cà phê hoặc một khuôn viên riêng cho sự kiện. Về cơ bản thì ở đó giống với một phòng Tinder ngoài đời thực, nơi các cặp đôi sẽ hẹn hò nhanh với nhau trong vòng 3-10 phút, chủ yếu là nói chuyện tìm hiểu.

Sau đó, người chủ trì sự kiện sẽ rung chuông báo hiệu kết thúc cuộc hẹn hò, các cặp đôi nhanh chóng đổi lượt và chuyển sang nói chuyện để tìm hiểu một người khác. Cứ thế xoay vòng cho tới hết sự kiện, những người tham gia sẽ nộp lại cho ban tổ chức một danh sách những đối tác tiềm năng mà mình có thiện cảm.

Ban tổ chức sẽ thống kê và đối chiếu các danh sách này, nếu thấy hai người cùng thích nhau, họ sẽ cho cặp đôi thông tin liên lạc để họ bắt đầu mối quan hệ.

Tình yêu bắt đầu từ đâu? Các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau hay chỉ là ảo tưởng xác suất? - Ảnh 3.

"Hẹn hò cấp tốc là một phát minh thực sự tuyệt vời cho các nhà tâm lý học", Conroy-Beam cho biết. Về cơ bản, các nhà tâm lý học như ông có thể tham gia vào đó giống như một người theo dõi.

Trước mỗi buổi hẹn hò cấp tốc này, các nhà nghiên cứu hỏi những người tham gia xem mẫu người đàn ông hay phụ nữ lý tưởng của họ là gì, họ đang tìm kiếm người như thế nào?

Đến cuối buổi, nhà nghiên cứu sẽ ngồi lại thống kê kết quả với ban tổ chức để xem những người tham gia đã chọn được người lý tưởng với họ hay không? "Câu trả lời chủ yếu [từ các nghiên cứu được thực hiện từ đầu những năm 2000 đó] là không, và nó khiến các nhà tâm lý học như tôi ngạc nhiên", Conroy-Beam nói.

Ông cho biết sự hấp dẫn làm nên một mối quan hệ vốn thường được ví như trận động đất, có lẽ bởi vậy mà chúng ta gọi nó là rung động.

"Mọi người nói họ không thể đoán trước được khi nào thì nó xảy ra. Cách mà chúng ta rung động trước một ai đó vốn dĩ là điều không thể đoán được", Conroy-Beam cho biết. "Nhưng ngược lại cũng có một số người nghĩ rằng mọi người cơ bản biết về những gì mà họ muốn ở một người yêu lý tưởng - có lẽ tôi sẽ tự tính mình vào nhóm này".

Để kiểm tra giả thuyết của mình, Conroy-Beam đang cố gắng tạo ra một mô hình trên máy tính. Công việc của anh ấy giống như một thí nghiệm khoa học viễn tưởng:

Tình yêu bắt đầu từ đâu? Các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau hay chỉ là ảo tưởng xác suất? - Ảnh 4.
Tình yêu bắt đầu từ đâu? Các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau hay chỉ là ảo tưởng xác suất? - Ảnh 5.

Giả sử bạn chọn ra một loạt các cặp đôi đang hạnh phúc ngoài đời thực, rồi xóa sạch ký ức của họ về nhau. Sau đó, bạn đưa những người này trở lại thế giới thực rồi sắp xếp cho họ vô tình gặp lại nhau. Khi đó, liệu những cặp đôi đã bị xóa sạch ký ức về nhau có bị hấp dẫn bởi đối phương hay không?

Nếu bạn thực sự tin vào giả thuyết cho rằng các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau, thì nhiều khả năng họ sẽ vẫn tìm thấy nhau một lần nữa. Tình yêu sẽ nảy nở trở lại và họ sẽ một lần nữa yêu nhau.

Trong thực tế, rõ ràng là bạn không thể xóa sạch tâm trí của một ai đó, nên giải pháp của Conroy-Beam là hãy tạo ra những phiên bản xóa sạch tâm trí của những cặp đôi trong máy tính.

Đầu tiên, ông ấy sẽ hỏi các cặp đôi trong đời thực rất nhiều câu hỏi, lần lượt và từng người một rằng họ mong đợi một người bạn đời như thế nào, và người bạn đời trong thực tế của họ có đặc điểm ra sao?

"Khi chúng tôi định lượng được những thông tin đó, chúng tôi có thể tạo ra một mô phỏng nhỏ của bạn bên trong máy tính của chúng tôi – một thế thân của bạn – thế thân này mong đợi tất cả những thứ bạn mong đợi, và có tất cả các đặc điểm giống như bạn", Conroy-Beam nói.

Sau đó, ông ấy đặt những thế thân này vào một chương trình máy tính khác chứa các cặp đôi đã bị xóa sạch ký ức. Conroy-Beam cho các thế thân tán tỉnh nhau. Kết quả là khoảng 45% các cặp đôi đã yêu nhau trở lại.

Tình yêu bắt đầu từ đâu? Các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau hay chỉ là ảo tưởng xác suất? - Ảnh 6.

Nhưng điều thú vị nhất là, những cặp đôi yêu nhau trở lại trong mô hình máy tính cũng chính là thế thân của những cặp đôi hạnh phúc nhất bên ngoài thế giới thực. Điều này khiến Conroy-Beam rất lạc quan vào mô phỏng của mình.

"Chúng tôi hy vọng sẽ sử dụng được thuật toán này để tiếp cận những người độc thân", ông nói. Nếu các nhà khoa học có thể tạo ra một thế thân của những người độc thân và đưa những người này vào mô phỏng, họ có thể đề xuất ai nên hẹn hò với ai để có xác suất thành công cao nhất.

2. Giả thuyết đúng thời điểm: Những cặp đôi đến với nhau vì họ đã vô tình va phải nhau trong muôn vàn xác suất

Trái ngược với quan điểm của Conroy-Beam, Paul Eastwick, một nhà tâm lý học khác đến từ Đại học California ở Davis cho biết ông không tin: Có một ai, và bằng bất cứ cách nào mà người đó có thể dự đoán chính xác các cặp đôi trước khi họ yêu nhau.

"Rất rất rất khó để nghiên cứu về một mối quan hệ trước khi hai người chính thức gọi nhau là một cặp", ông nói. Eastwick là một trong số những nhà khoa học tin rằng mọi mối quan hệ bắt đầu đều dựa trên một quá trình may rủi.

Khi bạn nhìn vào một cặp vợ chồng hạnh phúc, nó cũng giống như bạn đang nhìn vào một bàn cờ vua khi cả hai bên đã đi được 16 nước. "Một bậc kiện tướng may ra mới có thể đoán trước được thế cờ này từ nước đi đầu tiên, nhưng với đa số chúng ta điều đó là không thể", Eastwick nói.

Tình yêu bắt đầu từ đâu? Các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau hay chỉ là ảo tưởng xác suất? - Ảnh 7.

Một bàn cờ cũng giống như một mối quan hệ, trong đó mỗi bước đi đều có một quy tắc, nhưng tập hợp của tất cả những bước đi đó thì lại là một hệ thống hỗn loạn. Mỗi một bước đi lại có thể tạo ra một tập hợp những kết quả phân kỳ.

Vì vậy, khi nói đến một cặp đôi đang hạnh phúc, Eastwick cho biết cơ hội và cả sự may mắn luôn giữ một vai trò đáng kể.

Một mối quan hệ chỉ bắt đầu khi bạn gật đầu với một dãy các sự lựa chọn: Mình có đang muốn hẹn hò không? Mình có muốn đi buổi hẹn thứ hai với người đó? Liệu mình nên đi chơi bowling hay đi xem phim trong buổi hẹn thứ ba?

Nếu buổi hẹn đầu tiên của bạn diễn ra không như ý, chỉ vì đêm trước ngày hôm đó bạn bị mất ngủ, đó có thể là dấu chấm hết cho mọi lựa chọn sau đó, vì sẽ chẳng có sự lựa chọn nào nữa, sẽ chẳng có mối quan hệ nào bắt đầu cả.

Tóm lại, theo quan điểm của Eastwick, trong thí nghiệm trên của Conroy-Beam: "Liệu các cặp đôi bị xóa sạch ký ức có thể tìm lại nhau một lần nào nữa hay không?" – câu trả lời gần như là không.

"Nếu bạn chọn ra một cặp vợ chồng hạnh phúc và xóa sạch ký ức của họ, có rất nhiều khả năng bạn sẽ nhận lại một kết cục rất khác", Eastwick nói.

"Sẽ chẳng có đặc điểm nào của mỗi người trong số họ, của mỗi cá nhân trong một cặp đôi có khả năng dự đoán mối quan hệ của họ sẽ đi đến đâu. Thứ dự đoán được điều này là những lựa chọn mà họ đã thực hiện trên đường xây dựng mối quan hệ đó, và cả những tình huống may rủi khác".

Tình yêu bắt đầu từ đâu? Các cặp đôi sinh ra để dành cho nhau hay chỉ là ảo tưởng xác suất? - Ảnh 8.

Đối với Eastwick, câu hỏi thú vị hơn mà ông quan tâm là điều gì đã giữ một cặp đôi ở lại bên nhau, chứ không phải vì sao quá trình họ đến với nhau. "Sự tương thích đến từ một loạt các lựa chọn xếp chồng lên nhau là thứ không thể dễ dàng bóc tách để hiểu được nó", ông nói.

Eastwick tin rằng giữa hai người không tự nảy sinh tình yêu, mà chính họ là người sẽ vun đắp tình yêu ấy lớn lên. Để làm được điều đó, ông nghĩ các cặp đôi thành công đã thiết lập được một "nếp yêu", định nghĩa là những hành vi lặp đi lặp lại để liên tục củng cố mối quan hệ của họ.

Đối với một số cặp đôi, "nếp yêu" đó có thể là sự hỗ trợ cho tham vọng nghề nghiệp của nhau. Đối với một số cặp đôi khác, "nếp yêu" đơn giản là được về nhà vào mỗi tối, trút bỏ những gánh nặng sau ngày làm việc và ăn một bữa cơm đầm ấm với vợ hoặc chồng mình.

Vấn đề mà Eastwick cho biết là mỗi một cặp đôi lại có một nếp yêu khác nhau. Thứ làm việc hiệu quả với cặp đôi này lại không thể giữ các cặp đôi khác ở bên nhau hạnh phúc. Bí mật của hạnh phúc vẫn là thứ mà các nhà tâm lý học như ông cũng chưa thể giải thích.

"Nó giống như vật chất tối trong lĩnh vực nghiên cứu mối quan hệ… Sự tương thích đã kéo các cặp đôi lại với nhau đến từ đâu? Nếu nó không đến từ chính bạn hay một nửa của bạn, nó hẳn phải là một thứ gì đó đã sinh ra từ quá trình phát triển mối quan hệ giữa hai người", Eastwick nói.

Tham khảo Vox

Theo Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM