Tịnh thất Bồng Lai: Từ địa điểm nổi danh bởi 5 "chú tiểu" đến những lùm xùm chấn động dư luận, bị chính con trai của chủ tịnh thất "bóc phốt"
Nổi tiếng từ sau khi 5 "chú tiểu" liên tiếp đoạt giải cao trong chương trình Thách Thức Danh Hài, "Tịnh thất Bồng Lai" liên tục có những vụ "lùm xùm" khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Vào ngày 24/10, trong buổi trò chuyện cùng bà Nguyễn Phương Hằng, anh Lê Thanh Minh Tùng - con trai ruột người đứng đầu "Tịnh thất Bồng Lai" Lê Tùng Vân đã khiến nhiều người không khỏi “thất kinh” khi tiết lộ những hành vi sai trái của cha mình.
Cụ thể, bên cạnh việc tố cáo “Tịnh thất Bồng Lai” giả thầy giả chùa, anh còn tiết lộ thêm việc tất cả các thành viên tại tịnh thất này đều có quan hệ huyết thống phức tạp. Đồng thời, tất cả những trẻ em ở đây đều được khẳng định là có cha mẹ chứ không hề mồ côi. Việc tạo dựng nên hoàn cảnh mồ côi của các em chỉ là biện pháp “moi tiền” mạnh thường quân, các nhà hảo tâm của “trụ trì” tịnh thất.
Cùng với đó, anh Lê Thanh Minh Tùng còn lên tiếng phê phán việc cha ruột của mình tự viết một cuốn kinh với nội dung phi lý nhằm mị hoặc nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin. Gây xôn xao dư luận gần đây nhất chính là vụ việc nữ sinh Diễm My nhất định đòi “đi tu” tại “Tịnh thất Bồng Lai” dẫn đến mâu thuẫn xảy ra giữa gia đình và tịnh thất.
Vậy, trước khi gặp phải những “lùm xùm” này, “Tịnh thất Bồng Lai” được biết đến như thế nào?
Nổi tiếng vì những chú tiểu tham gia chương trình hài
“Tịnh thất Bồng Lai” được nhiều người biết tới bởi nơi đây từng được biết đến với việc nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, phát hiện tài năng bằng việc đưa các bé lên chương trình truyền hình.
Cụ thể, ngay từ năm 2014, “Tịnh thất Bồng Lai” được chú ý khi có người tên Lê Thanh Huyền Trân tham gia chương trình “Giọng hát Việt nhí” và đạt giải á quân. Trong cuộc thi này, Huyền Trân trong bộ đồ tu hành, giới thiệu mình là trẻ mồ côi ở “Tịnh thất Bồng Lai”. Một cô bé 12 tuổi trong bộ đồ tu xuất hiện trên sân khấu trình diễn ca khúc Còn Tuổi Nào Cho Em của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại ấn tượng đặc biệt với khán giả. Sau đó, cô bé đã được Quang Lê nhận làm con nuôi từ cuối năm 2014 và được giúp đỡ rất nhiều trên con đường âm nhạc.
Năm 2017, có 2 người tự nhận là “tu sĩ” gồm Hoàn Nguyên (SN 1990) và Nhất Nguyên (SN 1991) tham gia cuộc thi hát Bolero của đài Vĩnh Long. Hai người cũng nhận được sự chú ý của Ban giám khảo bởi chất giọng tốt. Giống với Huyền Trân, họ cũng tự nhận là mồ côi, được “thầy ông nội” - Lê Tùng Vân nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, chương trình đã gây xôn xao dư luận bởi những sai sót về danh xưng "sư thầy" và cách gọi địa điểm tu của hai thí sinh là "chùa" do hiểu làm về địa điểm tu của hai thí sinh. Hai người sau đó đã xin rút khỏi chương trình.
Đặc biệt, liên tiếp 2 năm sau đó, nhóm 5 đứa trẻ được giới thiệu là trẻ mồ côi ở “Tịnh thất Bồng Lai” đã tham gia 2 mùa chương trình “Thách thức danh hài” và liên tiếp đạt giải cao với tổng trị giá lên tới 300 triệu đồng. Các bé tuy đều ở trong độ tuổi 4 - 5 tuổi nhưng chính nét hồn nhiên, ngây thơ trong diễn xuất và sự hài hước của mình đã khiến nhiều người chú ý.
5 đứa trẻ nổi tiếng trong chương trình "Thách thức danh hài"
Từ đó “Tịnh thất Bồng Lai” là điểm lui tới của nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện và những tấm lòng vàng trong, ngoài nước gửi những quà tặng, tiền để hỗ trợ 5 đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu… VietnamNet cho hay.
Theo như những gì anh Lê Thanh Minh Tùng cũng thông tin, cho đến thời điểm hiện tại, dù đã có rất nhiều thông tin từ báo chí lên án việc lừa đảo của ông Lê Tùng Vân nhưng nhiều mạnh thường quân trong và ngoài nước vẫn đều đặn gửi tiền hỗ trợ.
Bắt đầu xuất hiện lùm xùm và bị cơ quan chức năng điều tra
Tuy nhiên, đến ngày 9/9/2019, Công an xã Hoà Khánh Tây (Đức Hoà, Long An) có nhận đơn yêu cầu giải quyết của bà Đoàn Thị Tuyết Mai (SN 1972, quận Bình Tân, TP. HCM) về việc em Võ Thị Diễm My (SN 1999, con ruột bà Mai) bỏ nhà đi đâu không rõ vào ngày 7/9 sau khi quen biết với Lê Thanh Huyền Trân (SN 2002, xã Hòa Khánh Tây) qua mạng xã hội.
Sau đó, qua tự tìm hiểu, gia đình biết em Diễm My đã đến nhà (tự gọi là Tịnh thất Bồng Lai) tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An do bà Cao Thị Cúc (SN 1960) làm chủ.
Ông Vân tự xưng là Hòa thượng Thích Tâm Đức, trụ trì “Tịnh Thất Bồng Lai”
Đến ngày 25/9, Công an xã Hòa Khánh Tây tiến hành kiểm tra tạm trú - lưu trú tại "Tịnh thất" này thì có 9 người đang cư trú đúng theo sổ hộ khẩu do Công an xã Hòa Khánh Tây cấp ngày 16/5/2018, nhưng không phát hiện em Diễm My tạm trú tại đây.
Sau đó đến ngày 5/10 ,Công an xã Hòa Khánh Tây tiếp tục nhận Đơn trình báo và đề nghị giúp đỡ của ông Võ Văn Thắng (SN 1973, cha ruột của em Diễm My, quận Bình Tân, TP. HCM) với nội dung như trên. Công an xã tiếp tục nắm tình hình nhưng không phát hiện Diễm My có mặt tại "Tịnh thất".
Đến ngày 21/10, tu sĩ Lê Tùng Vân (SN 1931, sống tại Tịnh thất) đã gọi điện thoại cho ông Thắng nói sẽ cho gặp cháu Diễm My nhưng không được đưa con gái về.
Tuy nhiên, ngày hôm sau ông Thắng có đến "Tịnh thất" và trực tiếp gặp được Diễm My bên trong nhà. Ông Thắng có kêu con gái về nhưng Diễm My đi vào phòng và bỏ trốn ra khỏi "Tịnh thất". Không khuyên được con nên sau đó ông Thắng ra về.
Sau đó đến khoảng 15h20 ngày 24/10 vợ chồng ông Thắng cùng 8 người thân và 5 người hàng xóm đến "Tịnh thất" lục soát tìm Diễm My nhưng không gặp. Tại đây giữa gia đình và những người trong "Tịnh thất" có xảy ra xô xát lẫn nhau dẫn đến tu sĩ Lê Thanh Nhị Nguyên (SN 1998, sống tại đây) bị 1 vết thương dài khoảng 5 cm ở gò má phải trên mặt.
Sau khi sự việc xảy xa, bà Cúc (chủ Tịnh thất) đến Công an trình báo bị mất tài sản khi gia đình của Diễm My đến đây lục soát. Bà Cúc trình báo tại phòng ở của tu sĩ Lê Tùng Vân, trong tủ sắt bị mất tài sản là 200.000.000 đồng; tại phòng ở của tu sĩ Lê Thanh Hoàn Nguyên bị mất là 25.000.000 đồng; tại sảnh nhà bị mất một cục đá Thạch Anh nặng 7 kg.
Tu sĩ bị đánh rách mặt, phải nhập viện để điều trị khâu vết thương.
Sau vụ việc, Công an huyện đã làm việc với vợ chồng ông Thắng và vợ chồng ông Thắng khai nhận có cùng với những người thân trong gia đình vào "Tịnh thất" lục soát và có xảy ra xô xát lẫn nhau với những người tại đây.
Theo báo Thanh niên, kết quả điều tra ban đầu cho thấy số đồ đạc bên trong do nhóm người đập phá không đủ định lượng (từ 2 triệu đồng trở lên) để khởi tố hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Còn việc mất trộm tiền và viên đá vẫn còn đang chứng minh.
Nguồn tin từ Công an H. Đức Hòa cho biết qua trích xuất camera và nhiều đoạn clip người dân chuyển giao đã chứng minh được người phụ nữ cầm miếng gạch ném thẳng vào mặt "thầy" Nhị Nguyên. Hình ảnh một số cá nhân đi theo ông Thắng vào phòng lục soát tìm Diễm My cũng nhận diện khá rõ, còn việc họ đi theo hỗ trợ hay làm gì khác cần phải xác minh thêm.
Sau vụ việc, đến chiều 4/11, vợ chồng bà Đoàn Thị Tuyết Mai và ông Võ Văn Thắng đã đến gặp "thầy" nói lời xin lỗi; đồng thời hứa không "đại náo" "Tịnh thất Bồng Lai" lần nữa.
Theo báo Tuổi trẻ Online, thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết đã có kết quả xác minh về trường hợp những người cư trú trong hộ bà Cao Thị Cúc tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An, nơi nổi danh trên mạng xã hội với tên gọi "Tịnh thất Bồng Lai".
Từ nhiều năm qua, "Tịnh thất Bồng Lai" đã được xác định không phải là cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng việc có hai "sư thầy" tham dự cuộc thi hát trên truyền hình, đặc biệt là có "5 chú tiểu" được giới thiệu là trẻ em cơ nhỡ được nuôi tại đây đạt giải cao trong game show "Thách thức danh hài" gây tiếng vang, nên nhiều người vẫn nghĩ đây là cơ sở thờ tự Phật giáo và đã đến quyên tiền, ủng hộ.
Cũng theo báo này, công an đã nhận được nhiều đơn yêu cầu xác minh thân nhân của những người đang cư trú tại cơ sở này và tiến hành xác minh.
Kết quả cho thấy bà Cúc, 60 tuổi, ngụ huyện Cần Đước, Long An, chuyển về địa chỉ này mua đất, xây nhà thành lập điểm tu tại gia từ năm 2014. Đến năm 2015, ông Lê Tùng Vân (88 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) chuyển về đây sinh sống cùng bà Cúc.Theo kết quả kiểm tra, trước đây ông Vân từng tạm trú tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM và thời gian này đã tự phong là "giám đốc Trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức".
Tuy nhiên năm 2007 cơ sở này của ông Vân đã bị UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM ra quyết định chấm dứt hoạt động do không đúng các quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động, việc chấp hành các thủ tục pháp lý lưu trú.
Khi về ở tại hộ bà Cúc, ông Vân tiếp tục cho rằng mình nhận trẻ em cơ nhỡ về nuôi.
Trong nhiều năm ông Lê Tùng Vân đã lập nhiều cơ sở để trục lợi
Liên quan đến kết quả điều tra, chia sẻ với báo Công an nhân dân, công an tỉnh Long An cho biết, trong "Tịnh Thất Bồng Lai" có 18 người, trong đó có 6 trẻ nhỏ, toàn bộ những đứa trẻ này đều có cha mẹ sống tại "Tịnh Thất Bồng Lai".
Tất cả những người sống ở đây được xác định có liên quan họ hàng, huyết thống với ông Vân. Như vậy, việc "vẽ" lên câu chuyện những đứa trẻ cơ nhỡ sống ở nơi này không có nơi nương tựa chỉ là mục đích nhằm kêu gọi lòng tốt của người dân và các tổ chức hòng trục lợi.
Theo Công an tỉnh Long An, sau khi phối hợp với các ban ngành liên quan xác minh, đủ cơ sở khẳng định "Tịnh Thất Bồng Lai" hay "Thiền am bên bờ vũ trụ" mà ông Vân vừa đặt lại tên hồi tháng 1/2020 là tụ điểm lợi dụng tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi. Những người sống, sinh hoạt ở đó không phải là tu sĩ phật giáo.
Theo CA Long An cũng cung cấp cho báo Công an TP.HCM về kết quả xác minh, cho thấy việc nhiều người trong thiền tự sử dụng một số tài khoản mạng xã hội khác nhau đăng thông tin không đúng sự thật kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều người là không phù hợp. Bên cạnh đó, nơi đây cũng từng xảy ra các vấn đề gây mất an ninh trật tự địa phương, có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, không chấp hành đúng thủ tục pháp lý về khai báo nhân khẩu, lưu trú...
Không chỉ vậy, những người đang lưu trú tại đây cũng từng bị cưỡng chế cách ly để phòng ngừa Covid-19, sau khi có người vượt biên giới trái phép đến đây ủng hộ tiền trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hiện những vụ việc liên quan đến "Tịnh Thất Bồng Lai" hay "Thiền am bên bờ vũ trụ" vẫn đang được các lực lượng chức năng điều tra làm rõ và đưa đến kết luận cuối cùng.
Tổng hợp