Tịnh thất Bồng Lai hé lộ quy tắc nhận nuôi trẻ: Mẹ ruột không được đến thăm trong 10 năm

18/11/2021 08:30 AM | Xã hội

Khi người mẹ đồng ý đem "cho con" tại thiền am, họ sẽ phải tuân theo một điều kiện do ông Lê Tùng Vân đặt ra.

Khi đã cho con, mẹ ruột 10 năm không được đến thăm

Những vấn đề liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai (tên mới là Thiền am bên bờ vũ trụ) đang là tâm điểm chú ý của dư luận, đặc biệt là lai lịch của những đứa trẻ.

Trả lời chúng tôi về vấn đề này, ông Nhất Nguyên - đại diện Tịnh thất Bồng Lai cũng tiết lộ về nguyên tắc nhận nuôi trẻ tại đây. Theo đó, ông này khẳng định, khi người mẹ đồng ý đem "cho con" tại thiền am, họ sẽ phải đảm bảo một quy tắc "bất di bất dịch".

"Thầy Tùng Vân không cho phép họ đến thăm trong vòng 10 năm đầu, không được xưng hô là mẹ hay gọi bé là con. Vì khi đã đồng ý đem cho, bé đã trong hoàn cảnh khác, ở với người mẹ khác.

Nếu chúng tôi cho thăm, em bé sẽ nhớ nhung mẹ cũ. Điều đó sẽ trở thành sự trói buộc giữa người mẹ và đứa con. Đặc biệt, chúng tôi cũng muốn tránh việc họ lợi dụng, nhờ nuôi hộ một thời gian rồi xin lại bé như một vài trường hợp từng xảy ra.

Chỉ khi các bé đủ 10 tuổi, đã có nhận thức, được tu tập, rèn luyện đạo đức ngoan ngoãn ở đây thì người mẹ mới được đến thăm nuôi", ông Nhất Nguyên cho hay.

 Tịnh thất Bồng Lai hé lộ quy tắc nhận nuôi trẻ: Mẹ ruột không được đến thăm trong 10 năm - Ảnh 1.

Bé Gia Bảo được nhận nuôi năm 2019, do cô Huyền Trang đỡ đầu.

Như thời điểm tháng 11/2019, Tịnh thất Bồng lai nhận nuôi bé Trần Gia Bảo - 3 tuổi. Gia đình Gia Bảo khó khăn, ba tự tử mất từ lâu, còn mẹ bị tật nguyền. Chị và bà ngoại đã đem Gia Bảo "gửi gắm" lại thiền am.

"Mẹ Gia Bảo không nuôi nổi nên cùng bà ngoại mang đến cho thiền am. Khi đem con đến, mẹ bé đều làm giấy tờ nuôi hợp pháp. Hiện Gia Bảo không những khỏe mạnh mà còn rất thông minh, ngoan ngoãn, lễ phép, thuộc nhiều kinh, đặc biệt bài Kinh chú Đại Bi rất dài.

Các bé vẫn được mẹ ruột thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm nhưng không cho tiền, hay hỗ trợ gì thêm. Họ đã khổ quá rồi mà. Chúng tôi cũng thông cảm cho hoàn cảnh của họ", Nhất Nguyên nói.

Các cô trong tịnh thất chỉ là mẹ của trẻ trên giấy tờ

Đại diện Tịnh thất Bồng Lai cũng liên tục khẳng định, các em bé tại đây được nhận nuôi và do các cô sống tại đây nhận làm người đỡ đầu, "làm mẹ trên mặt giấy tờ". Mỗi một đứa trẻ lớn lên tại thiền am đều có một số phận khác nhau.

"Có những bé bị bỏ rơi trước thiền am, chúng tôi thông báo trên Youtube cho mọi người cùng biết. Những bé này, chúng tôi không có cách nào liên lạc tìm lại thân nhân.

Nhưng có những bé, mẹ ruột đem cho con vì họ khổ quá, gia cảnh nghèo, không nuôi nổi. Chúng tôi có thông tin, địa điểm về mẹ bé nhưng không thể tiết lộ, vì làm vậy là nguy hiểm cho họ", đại diện thiền am nói.

 Tịnh thất Bồng Lai hé lộ quy tắc nhận nuôi trẻ: Mẹ ruột không được đến thăm trong 10 năm - Ảnh 2.

Cô Kỳ Duyên làm thủ tục nhận nuôi với mẹ bé.

Cũng theo ông Nhất Nguyên, hiện tại Tịnh thất Bồng Lai có 6 cô và đang nuôi dưỡng 9 em bé. Từ việc dạy học, ăn uống, dạy dỗ lễ nghi phép tắc, đều chia ra cho các cô đảm nhận, chăm sóc.

Các bé đều xưng con - gọi "thầy", ví dụ như "thầy" Kỳ Duyên, "thầy" Huyền Trang. Khi đến tuổi, tất cả đều được đi học đầy đủ. Lớn nhất có 3 bé đang học lớp 2 gồm Minh Tâm, Nghi Tâm và Chí Tâm, học tại trường Tiểu học Hòa Khánh (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Các bé đều chăm ngoan, lễ phép.

 Tịnh thất Bồng Lai hé lộ quy tắc nhận nuôi trẻ: Mẹ ruột không được đến thăm trong 10 năm - Ảnh 3.

Trẻ tại Tịnh thất Bồng Lai đều có các cô nhận đỡ đầu.

Về cơ sở "Tịnh Thất Bồng Lai", theo Luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO) cho biết, theo quy định pháp luật và mẫu Giấy khai sinh hiện hành, thì trên Giấy khai sinh của trẻ, phần thông tin của cha mẹ sẽ không ghi rõ là cha, mẹ đẻ hay cha, mẹ nuôi, cũng như không ghi rõ là con đẻ hay con nuôi.

Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh sẽ quản lý nội bộ và ghi rõ "cha, mẹ nuôi" tại mục Ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh nếu cha, mẹ của trẻ là cha nuôi, mẹ nuôi.

Trong Luật trẻ em ban hành năm 2016, Điều 23 (Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ) ghi rõ:

Trẻ em có quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ, trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em; được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc với cả cha và mẹ khi trẻ em, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh để đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

Theo Thủy Tiên

Cùng chuyên mục
XEM