Tỉnh miền núi đặt mục tiêu 6 năm nữa trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn, AI của cả nước: Lên kế hoạch chuẩn bị 7.500 nhân lực

05/10/2024 11:02 AM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030.

Tỉnh miền núi đặt mục tiêu 6 năm nữa trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn, AI của cả nước: Lên kế hoạch chuẩn bị 7.500 nhân lực- Ảnh 1.

Kế hoạch nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn, sử dụng trí tuệ nhân tạo; tham gia sâu vào khâu đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, sản xuất chất bán dẫn, sản xuất thiết bị trí tuệ nhân tạo, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế.


Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm quan trọng phát triển sản xuất công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của vùng và cả nước.


Cụ thể, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo cho 3.000 nhà giáo, sinh viên tham gia học trình độ đại học, sau đại học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI ở trong nước và nước ngoài (khoảng trên 600 người đi học tập ở nước ngoài).


Trong đó khoảng 2.000 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 người học các ngành, nghề lĩnh vực công nghệ thông tin.


Đào tạo cho 3.500 lao động trình độ cao đẳng, trong đó có khoảng 2.500 lao động học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 lao động học các ngành, nghề lĩnh vực lĩnh vực công nghệ thông tin, AI…


Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện các giải pháp bao gồm:


Đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, AI đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian tới.


Tăng cường cập nhật thông tin về tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của tỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, AI, công nghệ thông tin trên Cổng thông tin đối ngoại của tỉnh nhằm đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cá nhân, tổ chức quốc tế quan tâm, tìm hiểu và triển khai các dự án về các lĩnh vực liên quan trên địa bàn tỉnh.


Xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đi học sau đại học, hỗ trợ sinh viên của tỉnh đi học đại học ngành công nghiệp bán dẫn, AI tại các trường đại học ở trong nước và ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, tiếp thu, làm chủ, khai thác hiệu quả tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong ngành, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở GDNN; hỗ trợ học sinh, sinh viên học ngành công nghiệp bán dẫn, AI trình độ cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.


Đầu tư, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN và đa dạng hoá các loại hình đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI trên địa bàn tỉnh. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho GDNN trong tổng chi ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo, đặt hàng/giao nhiệm vụ đào tạo nghề. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo, tăng quy mô đào tạo đối với những ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, ASEAN và quốc tế đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI bao gồm: Nguồn lực các chương trình, dự án, đề án từ ngân sách trung ương; vốn ODA; nguồn lực từ ngân sách địa phương, đặc biệt ngân sách tỉnh; tập trung thu hút đầu tư nguồn lực của khu vực tư nhân đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.


Đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở GDNN trong tỉnh với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, AI trong nước và nước ngoài. Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các trường cao đẳng với các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, AI để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và yêu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa “Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp” trong hoạt động GDNN, trong đó xác định Nhà trường giữ vai trò trung tâm.


Kịp thời nắm bắt thông tin, phân tích, dự báo nhu cầu nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói chung, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo nói riêng để kịp thời định hướng công tác đào tạo, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu đào tạo sát với nhu cầu của các doanh nghiệp.

Theo Nhã Mi

Cùng chuyên mục
XEM