Tín hiệu đáng mừng từ khoản lỗ 17.619 tỷ đồng của Bamboo Airways: Muốn khỏe phải mạnh tay "cắt bỏ u nhọt"

15/06/2023 16:00 PM | Kinh doanh

Khoản lỗ 17.619 tỷ đồng trong năm 2022 của Bamboo Airways khi đem ra so sánh với các hãng bay khác, hay số liệu quá khứ của chính hãng bay này sẽ được mô tả bằng từ "kỷ lục". Nhưng về bản chất, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy động thái quyết liệt phản ánh đúng thực trạng công ty, nâng cao chất lượng tài sản. Đó là một cuộc "đại phẫu u nhọt" cần thiết để chuẩn bị cho sự phát triển vững chắc hơn trong tương lai của hãng hàng không Tre Việt.

Tín hiệu đáng mừng từ khoản lỗ 17.619 tỷ đồng của Bamboo Airways: Muốn khỏe mạnh phải mạnh tay "cắt bỏ u nhọt" - Ảnh 1.

Việc Bamboo Airways công bố Báo cáo Tài chính (BCTC) kiểm toán 2022 mới đây đã tiết lộ số lỗ kỷ lục của hãng bay này lên tới 17.619 tỷ đồng. Ngoài việc kinh doanh dưới giá vốn, do giá nhiên liệu bay tăng vọt dẫn đến lợi nhuận gộp âm 3.209 tỷ đồng thì việc trích lập tổng 13.223 tỷ đồng chi phí dự phòng trong kỳ là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến khoản lỗ kỷ lục này. Cụ thể:

- Dự phòng Phải thu ngắn hạn khó đòi: 9.692 tỷ đồng;

- Dự phòng Phải thu dài hạn khó đòi: 2.800 tỷ đồng;

- Dự phòng Đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào công ty liên doanh liên kết): 731 tỷ đồng.

Việc thẳng tay trích lập dự phòng cho các khoản phải thu (ngắn hạn, dài hạn) và đầu tư tài chính chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của công ty nhưng không còn khả năng thu hồi đã cho thấy động thái quyết liệt của Bamboo Airways trong quá trình tái cơ cấu để phản ánh đúng thực trạng tại công ty, nâng cao chất lượng tài sản.

Trong ngắn hạn, hành động này khiến công ty lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu, nhưng nhìn về dài hạn là việc làm cần thiết để phát triển vững chắc hơn trong tương lai.

Cũng cần nói thêm rằng, chi phí dự phòng không phải là chi phí bằng tiền, vì vậy dù gây lỗ nhưng nó không làm âm dòng tiền hoạt động trong kỳ. Trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, sau khi loại trừ và điều chỉnh, Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động "chỉ" âm 3.907 tỷ đồng.

Theo diễn giải của Bamboo Airways, BCTC 2022 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY, không có ý kiến ngoại trừ hay trái ngược. Như vậy, về cơ bản, Bảng cân đối kế toán của công ty đến cuối năm 2022 đã minh bạch và phản ánh đúng thực tế hơn.

Ngoài việc mạnh tay trích lập dự phòng với những tài sản không còn khả năng thu hồi, một dấu hiệu khác cho thấy công cuộc "dọn dẹp" tàn dư cũ đã được tích cực thực hiện, đó là việc trong năm 2022, Bamboo Airways đã ưu tiên cố gắng thanh toán dứt điểm tiền thuế nợ đọng ngân sách nhà nước của thời kỳ trước để lại.

Thông báo từ Cục thuế tỉnh Bình Định cho biết, chỉ riêng trong năm 2022, công ty đã nộp vào Ngân sách Nhà nước số tiền thuế kỷ lục 546 tỷ đồng, tăng gấp hàng chục lần so với số tiền thực nộp bình quân hàng năm về trước.

Tín hiệu đáng mừng từ khoản lỗ 17.619 tỷ đồng của Bamboo Airways: Muốn khỏe mạnh phải mạnh tay "cắt bỏ u nhọt" - Ảnh 2.

Ban điều hành cho biết với mục tiêu tái cấu trúc toàn diện và lành mạnh sức khỏe tài chính doanh nghiệp, BAV đã đồng thời vừa thực hiện việc trích lập các khoản dự phòng và lỗ lũy kế từ giai đoạn dịch bệnh khó khăn trong giai đoạn 2020 - 2021 vừa phát hành tăng vốn cổ phần thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Báo cáo cũng cho biết, giá trị vốn điều lệ tại thời điểm tháng 5/2023 đạt 26.220 tỷ đồng (thời điểm cuối năm 2022 là 18.500 tỷ đồng), giảm tỷ lệ nợ vay, theo đó hệ số nợ tài chính/vốn chủ giảm về mức 0,7 lần.

Ở một khía cạnh khác, khi vốn điều lệ đã tăng 7.720 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, đã bù đắp được vốn chủ sở hữu âm 835,8 tỷ đồng hồi đầu năm thì Bamboo Airways hoàn toàn có khả năng thoát âm vốn chủ sở hữu nếu hoạt động kinh doanh 5 tháng đầu năm không lỗ hoặc lỗ không quá lớn.

Theo Bamboo Airways, tổng doanh thu thuần 5 tháng đầu năm 2023 đạt 51% so với tổng doanh thu thuần cả năm 2022. Tháng 1 năm nay, công ty cho biết đã đạt điểm hòa vốn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thể hiện hiệu quả trong quản trị điều hành và tối ưu hóa hiệu suất khai thác, tối ưu hóa doanh thu đối với từng chuyến bay và trên cả mạng bay, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chi phí.

Trên thực tế, việc kiểm soát chi phí đã được Bamboo Airways thực hiện quyết liệt ngay từ năm 2022. Nhìn từ số liệu năm 2022, nếu loại trừ đi chi phí trích lập dự phòng thì tỷ lệ chi phí quản lý doanh nghiệp/Doanh thu của Bamboo Airways chỉ là 2,2%, thấp hơn so với năm 2021.

Tín hiệu đáng mừng từ khoản lỗ 17.619 tỷ đồng của Bamboo Airways: Muốn khỏe mạnh phải mạnh tay "cắt bỏ u nhọt" - Ảnh 3.

Ông Đặng Tất Thắng chuyển giao vị trí Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways sang ông Nguyễn Mạnh Quân (bên phải).

Ngày 25/05 vừa qua, Bamboo Airways đã thay đổi Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật từ ông Nguyễn Mạnh Quân sang ông Nguyễn Minh Hải. Ông Nguyễn Mạnh Quân là Tiến sĩ Kinh tế của Trường Đại học Giao thông Vận tải, đồng thời tốt nghiệp Cao cấp Lý luận chính trị của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Mạnh Quân giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways từ tháng 6-2020. Từ tháng 9-2020, ông giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực của Hãng cho đến nay.

Trước đó, ông có 30 năm công tác tại các Cơ quan, doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực hàng không, dịch vụ, thương mại… như Bộ Thương mại, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Nội bài, Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, Công ty Vinpearl,…

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM