Tiết lộ "tội ác đáng sợ" của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn trong trận chiến ở thành Baghdad

16/10/2018 20:31 PM | Sống

Cháu nội của Thành Cát Tư Hãn đã nổi giận chỉ huy đại quân Mông Cổ tàn phá và gây ra “tội ác đáng sợ” ở thành Baghdad cách đây gần 800 năm.

Vào những năm 1200, Baghdad được biết đến là một thành phố nổi tiếng về sự giàu có và có tỷ lệ người dân biết chữ cao. Trong thành phố này có một "Ngôi nhà Thông thái", nơi được coi là thư viện lưu giữ một lượng kiến thức khổng lồ mà con người có thể tìm thấy từ các cuốn sách, bản thảo về chủ đề khoa học, nghệ thuật, văn học Hy Lạp,...

"Ngôi nhà Thông thái" được Caliphs Harun al-Rashid (trị vì 786-809), vị vua thứ 4 của vương triều Abbasid, thành lập và cho mời rất nhiều các vị học giả.

Đáng chú ý là không chỉ có người Hồi giáo mà còn nhiều học giả Kitô giáo và Do Thái đã gặp gỡ và nghiên cứu tại nơi đây.Trong thời gian trị vì của Harun al-Rashid, thành Baghdad trở thành trung tâm nghệ thuật của thế giới Hồi giáo .

Tuy nhiên, đáng tiếc là "Ngôi nhà Thông thái" đã bị phá hủy hoàn toàn khi Húc Liệt Ngột (1217-1265), một Hãn vương của Mông Cổ , đồng thời là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn , đánh chiếm và tàn phá đẫm máu thành Baghdad vào năm 1258.

 Tiết lộ tội ác đáng sợ của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn trong trận chiến ở thành Baghdad - Ảnh 1.

Tranh vẽ chân dung Húc Liệt Ngột. Ảnh: Wikimedia

Mặc dù ngay từ khi thiết lập Đế quốc Mông Cổ và thực hiện hàng loạt các cuộc chinh phạt khắp Á-Âu, nhưng Thành Cát Tư Hãn không xâm nhập vào thế giới của các vương quốc Hồi giáo. Tuy nhiên, hậu duệ của nhà quân sự tài ba này đã có hướng đi khác.

Cụ thể, sau khi lên ngôi Đại Hãn Mông Cổ vào năm 1251, Mông Kha đã chỉ định người em trai ruột của mình là Húc Liệt Ngột làm thống lĩnh của một đội quân viễn chinh với mục tiêu chinh phục vùng Ba Tư và Trung Á, cũng như nhằm tiêu diệt các quốc gia hồi giáo.

 Tiết lộ tội ác đáng sợ của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn trong trận chiến ở thành Baghdad - Ảnh 2.

Húc Liệt Ngột được lệnh rời khỏi Mông Cổ để thực hiện nhiều cuộc chinh phạt các quốc gia Hồi giáo ở Tây Nam Á. Ảnh: Internet

Vào mùa thu năm 1253, Húc Liệt Ngột rời khỏi Mông Cổ với một đội quân khổng lồ và nhanh chóng chinh phạt thành công các quốc gia Hồi giáo ở Tây Nam Á. Tôn chỉ lúc bấy giờ của đại quân Mông Cổ là hủy diệt tất cả đối với những kẻ chống đối, song kẻ nào xin đầu hàng thì sẽ khoan hồng.

Đến năm 1256, Húc Liệt Ngột cùng đại quân Mông Cổ thiện chiến đã san bằng Alamut, pháo đài kiên cố của Hashshashin, tổ chức của những sát thủ nổi tiếng máu lạnh. Sau đó, các pháo đài, thành trì khác của Hashshashin lần lượt bị phá hủy trước cuộc tấn công dữ đội quả quân đội Mông Cổ.

Dám thách thức cháu nội của Thành Cát Tư Hãn và cái giá phải trả quá đắt của quân vương thành Baghdad

Sau khi đánh bại các pháo đài của Hashshashin, vào tháng 11/1257, Húc Liệt Ngột gửi tin cho Al-Musta'sim (1213-1258), vị vua Abbasid cuối cùng ở Baghdad về yêu cầu chấp nhận quy phục Đế quốc Mông Cổ.

Tuy nhiên Al-Musta'sim đã từ chối và thay vì thương lượng thì vị vua này lại thách thức người Mông Cổ xông vào thủ đô (thành Baghdad) của Đế quốc Baghdad nếu họ dám. Điều này thực đã khiến Húc Liệt Ngột tức giận và cảm thấy bị xúc phạm.

Vào đầu năm 1258, Húc Liệt Ngột đã lãnh đạo đội quân Mông Cổ hùng hậu gồm hơn 100.000 người tiến hành bao vây thành Baghdad. Theo đó, cuộc vây hãm bắt đầu vào ngày 29/1 và kéo dài tới ngày 10/2/1258 khi thành Baghdad đầu hàng.

Quân Mông Cổ sử dụng những dụng cụ như máy bắn đá để tiến hành công thành và chỉ trong hơn 10 ngày ngắn ngủi, thành Baghdad nổi tiếng là trung tâm văn hóa và trí tuệ của thế giới đã thất thủ. Tuy nhiên đến ngày 13/2/1258, đại quân Mông Cổ do Húc Liệt Ngột chỉ huy mới tràn vào thành và bắt đầu một tuần lễ cướp bóc và hủy diệt đẫm máu thành Baghdad.

 Tiết lộ tội ác đáng sợ của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn trong trận chiến ở thành Baghdad - Ảnh 3.

Húc Liệt Ngột và đại quân Mông Cổ hùng mạnh đã tàn phá đẫm máu thành Baghdad vào năm 1258.

Ngay sau khi tiến vào thành, đội quân Mông Cổ đã tàn sát tất cả những ai mà họ gặp, trừ những người dân theo đạo Thiên Chúa. Vua Al-Musta'sim cũng chịu kết cục bi thảm khi bị cho vào trong một tấm thảm và cho ngựa dẫm lên cho đến khi chết. Nhiều nhà thờ, tòa nhà, cung điện, chợ trong thành phố cũng bị thiêu rụi, phá hủy hoàn toàn.

Tội ác đáng sợ của đại quân Mông Cổ trong cuộc vây hãm thành Baghdad

Ngoài ra, Ngôi nhà Thông thái, một trong những trung tâm tri thức văn hóa nổi bật nhất trong thế giới Hồi giáo lúc bấy giờ ở thành Baghdad cũng trở thành mục tiêu mà quân đội Mông Cổ nhắm tới với mục đích tàn phá, hủy diệt. Theo các ghi chép lịch sử, hàng ngàn cuốn sách từ thư viện khổng lồ này đã bị ném xuống sông Trigris.

Mặc dù trước đó có một số bản thảo đã được giải cứu trước khi cuộc vây hãm của đại quân Mông Cổ diễn ra, nhưng phần lớn những cuốn sách quý giá chứa đựng lượng kiến thức khổng lồ được lưu giữ tại Ngôi nhà Thông thái đã biến mất hoàn toàn.

 Tiết lộ tội ác đáng sợ của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn trong trận chiến ở thành Baghdad - Ảnh 4.

Ngôi nhà Thông thái bị phá hủy, hàng ngàn cuốn sách quý bị vứt xuống sông trong cuộc vây hãm của đại quân Mông Cổ do Húc Liệt Ngột chỉ huy.

Nhiều người chứng kiến kể lại rằng số lượng sách bị ném xuống sống Tigris nhiều đến nỗi những người lính có thể cưỡi ngựa dễ dàng qua sông và đương nhiên, dòng sông từ màu đỏ của máu người đã dần chuyển sang màu đen của mực do cuộc vây hãm đẫm máu này gây ra.

 Tiết lộ tội ác đáng sợ của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn trong trận chiến ở thành Baghdad - Ảnh 5.

Tranh vẽ về cuộc vây hãm ở thành Baghdad vào năm 1258. Ảnh: Public Domain

Húc Liệt Ngột và đại quân Mông Cổ đã giết chết khoảng 200.000 người trong cuộc vây hãm thành Baghdad (chưa tính tới nhiều người dân bị bán làm nô lệ). Tuy nhiên, theo Rashid al-Din (1247-1318), một sử gia nổi tiếng ở Ba Tư , cho rằng số người thiệt mạng trong cuộc hãm thành thảm khốc này thực sự lên tới con số 800.000.

Đây thực sự là một cuộc chiến mang tính phá hoại, hủy diệt lớn. Bằng chứng là không chỉ khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mà còn gây nên một tội ác nghiêm trọng, đó là phá hủy và làm biến mất hoàn toàn một số lượng sách có chứa đựng hàm lượng tri thức khổng lồ về nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tham khảo ảnh/nguồn: Ancientpages, Theguardian, Thegreatcoursesdaily, Listverse

Theo Nguyễn Hằng

Cùng chuyên mục
XEM