Tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành môn học "bắt buộc": Thế giới phẳng không có nghĩa là tất cả phải học tiếng Anh!

05/03/2021 08:24 AM | Xã hội

Khi thông tin về việc Bộ Giáo dục sẽ đưa tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành "ngoại ngữ 1", làn sóng tranh luận trên mạng xã hội lại diễn ra sôi nổi. Nhưng liệu chúng ta đã đủ bình tĩnh để nhìn lại điều gì thực sự đằng sau câu chuyện học ngoại ngữ?

Việt Nam những năm 2019 chứng kiến những sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ khi các công ty nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam. Những khu “phố Hàn”, “phố Nhật” mọc lên theo cùng sự xuất hiện của các nhân viên người Hàn. Họ sống ở Việt Nam nhưng vẫn cần các dịch vụ gợi nhớ về quê nhà. Lạc bước trong nhiều khu đô thị hay những căn hộ cao cấp, nhiều người không nghĩ mình đang ở Việt Nam khi xung quanh là thứ ngôn ngữ xa lạ. Năm 2019, vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam chiếm 20% tổng số vốn FDI đăng ký với khoảng 8.900 doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam, sử dụng hơn 1 triệu lao động.

Điều gì có thể thấy từ những con số vĩ mô như vậy? Và liệu nó có xa xôi với người trẻ Việt quá không?

Bạn tôi từng là nhân viên cho một nhà hàng Hàn Quốc nhỏ tại khu Mễ Trì. Làm được hơn năm, cậu được thăng chức lên trưởng ca rồi dần lên vị trí quản lý nhà hàng. Khéo léo trong giao tiếp, nhiệt tình và có bằng tiếng Hàn topik 5 ngay từ hồi còn là sinh viên, công việc của cậu trở nên thuận lợi hơn hẳn những đồng nghiệp chỉ dắt túi tiếng Anh, hoặc tiếng Hàn trình độ sơ đẳng. 

Biết tiếng Hàn kể cũng lợi, tao làm ở đây một thời gian ngắn là được lên làm quản lý ca rồi. Khách người Hàn nhiều, họ không nói tiếng Việt cũng chẳng rành tiếng Anh thì chịu chết,” cậu bạn tôi chia sẻ khi được hỏi về lợi thế tiếng Hàn của mình.

Những nhà hàng như vậy đang làm mọc lên như nấm sau mưa ở cả Hà Nội và Sài Gòn, nơi tập trung rất đông những người Hàn Quốc. Nhân lực ngành tiếng Hàn vì thế cũng tăng trong những năm vừa qua. Theo số liệu, thu nhập trung bình của nhân lực ngành tiếng Hàn trung bình có thể rơi vào khoảng gần 1.000 USD (23 triệu, số liệu năm 2019). Hiện trên cả nước có khoảng 29 trường đại học cao, đẳng dạy tiếng Hàn. Tuy nhiên, con số trên dường như còn quá nhỏ nếu kể tới cả các trung tâm dạy tiếng Hàn bên ngoài, phục vụ chính cho lực lượng lao động phổ thông và những người Việt muốn đi lao động tại Hàn Quốc. 

Thị trường lao động ngoại ngữ Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ tăng trong những năm tới, không chỉ với ngôn ngữ Hàn mà nhiều thứ tiếng khác. Chính vì vậy, việc đưa ngoại ngữ vào giảng dạy không chỉ tại các cơ giáo dục đại học, cao đẳng mà tại các trường phổ thông cũng cực kỳ quan trọng. Điều này phần nào giải thích được vì sao Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định đưa việc dạy thí điểm tiếng Hàn và tiếng Đức vào hệ phổ thông 10 năm, bên cạnh các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật, Trung đã được đưa vào trong những lần thay đổi vào năm 2006 và năm 2011.

Tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc: Thế giới phẳng không có nghĩa là tất cả phải học tiếng Anh! - Ảnh 1.

Đa dạng lựa chọn ngôn ngữ: Mở lối cho học sinh

Thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong thời gian ngắn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ. Tuy nhiên, đã có những hiểu sai nhất định xoay quanh câu chuyện “bắt buộc giảng dạy”. Tiếng Hàn và tiếng Đức được đưa vào làm “Ngoại ngữ 1” cùng quy định trước đó “Ngoại ngữ 1 là bắt buộc” đã khiến nhiều người có lập luận bắc cầu rằng, tiếng Hàn và tiếng Đức là môn ngoại ngữ bắt buộc, gây ra nhiều tranh cãi và lo lắng từ các bậc phụ huynh. Trên thực tế, tiếng Hàn hay tiếng Đức không phải thứ tiếng bắt buộc duy nhất và tiếng Anh cũng không phải là ngôn ngữ mặc định cho khối phổ thông tại Việt Nam. Theo Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành vào năm 2006 và 2011, học sinh được lựa chọn một trong năm ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung và Nhật. Với việc thêm tiếng Hàn và tiếng Đức, số ngôn ngữ các trường có thể lựa chọn là 7. Trước đó, tiếng Hàn và Đức được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép dạy như ngoại ngữ thứ hai. 

Dễ hiểu, tiếng Hàn và tiếng Đức có thể được lựa chọn vào chương trình giảng dạy chính thức hoặc trở thành ngoại ngữ tự chọn nhưng quyết định thuộc về từng trường.

Việc đưa thêm hai ngôn ngữ mới không đồng nghĩa với bắt buộc học sinh chuyển từ học tiếng Anh sang tiếng Đức hay tiếng Hàn. Vấn đề nằm ở việc lựa chọn cho học sinh đã trở nên đa dạng hơn, dù trên thực tế không phải trường nào cũng có điều kiện để giảng dạy tất cả các ngôn ngữ. Mở ra một ngoại ngữ mới cho học sinh là cách nhiều người vẫn mong mỏi nhìn thấy trong giáo dục: Những cơ hội mới để học sinh thỏa sức, hạn chế dần sự rập khuôn, để giáo dục cùng vận hành với xu hướng của cuộc sống và nhu cầu của xã hội.

Tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc: Thế giới phẳng không có nghĩa là tất cả phải học tiếng Anh! - Ảnh 2.

Không thể phủ nhận, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ quan trọng khi nó đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Việc học sinh chưa học giỏi tiếng Anh hay chương trình còn nhiều bất cập không đồng nghĩa với việc chúng ta cần dừng việc giảng dạy các ngoại ngữ khác. Học sinh có thể không tìm thấy niềm đam mê trong tiếng Anh dẫn đến chất lượng học tập không được như kỳ vọng nhưng biết đâu tiếng Hàn chính là nơi các em có thể tìm thấy niềm say mê với ngôn ngữ?

Thế giới phẳng không có nghĩa tất cả cần học tiếng Anh

Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm 2020, hiện đang có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Nếu các quốc gia như Úc, Anh, Mỹ, Canada đứng đầu bảng với ngôn ngữ tiếng Anh thì ở vị trí thứ 5 là Hàn Quốc, thứ 6 là Nhật Bản và thứ 7 là Trung Quốc. Học tiếng Hàn từ sớm cũng là cách để các bạn trẻ có thể chuẩn bị hành trang cho con đường du học khi thị trường Hàn Quốc thực sự là điểm đến thu hút nhiều du học sinh Việt nam. 

Thế giới phẳng không có nghĩa tất cả cần học tiếng Anh. Ai cũng chọn một con đường “chính ngạch” dễ tạo nên sự bão hòa trong lực lượng lao động. Sở hữu trình độ tiếng Anh giỏi từng là một thế mạnh của nhiều nhân sự nhưng giờ đây khi tiếng Anh được phổ cập hơn, trình độ học sinh ngày càng tốt hơn thì con đường cạnh tranh sẽ ngày càng cao hơn, cả với học tập hay việc làm. Trong khi đó, những “tiểu ngạch” như tiếng Hàn, tiếng Nhật vẫn đang “khát” nhân sự với khả năng tiếng xuất sắc. Lựa chọn ngoại ngữ nào cho định hướng tương lai cũng là bài toán chiến lược học sinh cần quan tâm để có thể tìm được công việc tốt sau này.

Tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc: Thế giới phẳng không có nghĩa là tất cả phải học tiếng Anh! - Ảnh 3.

Biết thêm một ngoại ngữ là cách để mỗi bạn trẻ có thể tăng cơ hội công việc cho bản thân. Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2010 tại Canada, các nhân viên biết nhiều hơn một ngoại ngữ có thu nhập cao hơn từ 3-7% trung bình của các nhân viên chỉ biết một ngoại ngữ. Tại Mỹ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nói được một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh sẽ giúp bạn tăng mức lương lên ít nhất từ 1,5-3,8% và những nhân sự biết tiếng Đức sẽ có mức lương cao nhất so với những đồng nghiệp chỉ biết tiếng Anh khi tiếng Đức vẫn được coi là một ngôn ngữ khó nhưng quan trọng trong các hoạt động thương mại toàn cầu.

Chúng ta nhìn ngôn ngữ chỉ như một công cụ giao tiếp nhưng kỳ thực, câu chuyện ngôn ngữ là câu chuyện văn hóa, là những khai mở vào một thế giới mới để các bạn trẻ có thể tiếp nhận tri thức. Nếu bạn biết rằng quốc gia nào có lịch sử lâu đời về một khía cạnh nào sẽ phát triển trường từ vựng mạnh về ngành nghề đó, chắc hẳn bạn sẽ nhìn thế giới qua một góc nhìn khác hơn. Việt Nam là quốc gia có trường từ vựng nông nghiệp mạnh nhưng Phần Lan có tới hơn 40 từ vựng và cách diễn tả tuyết hay các nước Bắc Âu sở hữu một lượng từ vựng dồi dào về ngành hàng hải. Ngoại ngữ không chỉ giúp chúng ta có thể giao tiếp; một ngôn ngữ mới mở ra cánh cửa để chúng ta bước vào một quốc gia mới với những tri thức mới đang còn thiếu. Hiểu ngôn ngữ là hiểu cách tư duy và hiểu cả một quá trình thay đổi của một đất nước.

Tôi vẫn nhớ bài học triết học đầu tiên trong lớp đại học, giảng viên có nói nếu các em thực sự muốn tiếp cận với thế giới triết học hiệu quả, hãy học tiếng Đức và tìm hiểu các cuốn sách viết bằng tiếng Đức. “Tiếng Đức là ngôn ngữ của triết học”, hiểu thêm tiếng Đức sẽ giúp chúng ta tiếp nhận tri thức triết học và thế giới quan một cách đa chiều hơn. Khi nghĩ về số lượng triết gia hay những nhà tư tưởng hiếm hoi của Việt Nam, tôi chợt thấy tiếng Đức quan trọng không kém gì các ngôn ngữ khác để mang về một điều gì đó quý giá cho đất nước và những người trẻ.

Tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc: Thế giới phẳng không có nghĩa là tất cả phải học tiếng Anh! - Ảnh 4.

Sẽ còn quá sớm để kết luận tính hiệu quả của một chương trình dạy ngoại ngữ thí điểm. Đến tận bây giờ, 15 năm sau khi tiếng Trung, Pháp, Nga được đưa vào cùng tiếng Anh làm ngôn ngữ bắt buộc, người ta cũng không còn nói gì về những chương trình ngoại ngữ như vậy nữa. Chúng ta có thể lo lắng, mọi sự mới mẻ đều khiến chúng ta thấy hoang mang với những trăn trở. Nhìn về tương lai của ngành giáo dục toàn cầu, thứ bất biến duy nhất là sự thay đổi - giáo dục sẽ luôn thay đổi và thế hệ trẻ sẽ cần sẵn sàng cho những biến động đó.

Hôm nay là tiếng Hàn tiếng Đức, ngày mai có thể là tiếng Ý hay tiếng Tây Ban Nha. Và dù là ngôn ngữ nào đi chăng nữa, bạn sẽ luôn tìm thấy những điều tích cực khi bước vào một câu chuyện văn hóa mới.

Skye-Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM