img
Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 1.

Năm 1521, trong hành trình khám phá đại dương, nhà thám hiểm hàng hải lừng danh Ferdinand Magellan là người đầu tiên trên thế giới thực hiện nỗ lực lặn sâu ở Thái Bình Dương, nhưng bất thành.

Hơn 400 năm sau, lịch sử khám phá đại dương bước sang một trang mới vào ngày 23/1/1960, khi thủy thủ Thụy Sĩ tên là Jacques Piccard (1922 – 2008) và Don Walsh (1931), một Trung úy trẻ của Hải quân Mỹ cùng bước vào phương tiện lặn Trieste với nỗ lực lặn xuống Vực thẳm Challenger - Điểm sâu nhất hành tinh. Và họ đã thành công, ghi tên vào sử sách là: Đội thám hiểm 2 người lần đầu tiên xuống đến Vực thẳm Challenger, thành tích lặn sâu 10.916 m.

Ngày 25/3/2012, nhà làm phim người Mỹ James Cameron lái con tàu lặn Deepsea Challenger đạt đến độ sâu 10.908 m. Với thành tích này, đạo diễn bộ phim bom tấn "Titanic" (1997) trở thành người đầu tiên trong lịch sử thực hiện chuyến thám hiểm một mình xuống vực sâu nhất Trái Đất.

Trong bài phát biểu cổ vũ các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu với chủ đề "Hải dương học: Khoa học cho sự sống còn" ngày 1/8/1963, Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, John F. Kennedy nói một câu vô cùng đáng nhớ: "Thu thập kiến thức về đại dương thế giới không đơn thuần là giải quyết câu chuyện tò mò, sự sống còn của chúng ta có thể còn xoay quanh nó".

Tiểu thuyết gia lừng danh người Pháp Jules Verne (1828 - 1905), tác giả của tác phẩm vĩ đại "Hai vạn dặm dưới biển" cũng từng nói: "Con người đâu có biết tất cả các loài trên Trái Đất này. Bởi thế, nếu ta chưa thể giải mã hết những bí ẩn của tự nhiên thì không có lý do gì ta không tin vào sự tồn tại của quái vật và những loài không tưởng".

Robert Ballard, nhà thám hiểm hàng hải trứ danh và cũng là người đầu tiên trong lịch sử tìm thấy xác con tàu Titanic năm 1985 cho rằng: Biển sâu là bảo tàng lớn nhất trên Trái Đất, nó chứa nhiều lịch sử hơn tất cả các bảo tàng trên đất liền cộng lại, và đến tận bây giờ chúng ta mới thâm nhập vào thế giới đó. Khi con người chúng ta bắt đầu lặn sâu xuống biển, chúng ta mới hiểu đại dương rộng lớn và sâu thẳm đến mức nào. Lãnh địa rộng lớn ấy dù lạnh lẽo và áp lực tới đâu thì sự sống vẫn mặc nhiên tồn tại mà không cần ánh sáng Mặt Trời…

Và có vẻ như, những sự "tiên tri" của Jules Verne, John F. Kennedy, Robert Ballard đang dần được làm sáng tỏ, thông qua một cột mốc lịch sử, vĩ đại hơn tất cả những thành tựu thám hiểm đại dương trong quá khứ.

Cột mốc này mang tên Đại Hải Trình Five Deeps – chuyến thám hiểm 5 vực thẳm sâu nhất Trái Đất, gắn liền với tên tuổi nhà thám hiểm Mỹ Victor Vescovo. Hàng loạt kỷ lục đã được thiết lập bởi con tàu bọc Titan đầu tiên trên thế giới, với người lái duy nhất – Victor Vescovo.

Ngày 10/5/2020, New Yorker Magazine, tạp chí nổi tiếng của Mỹ về thám hiểm và khám phá, dành công phu và sự trang trọng để miêu tả về Đại Hải Trình mang tên Five Deeps của Victor Vescovo và con tàu Limiting Factor xuống vực thẳm sâu nhất Trái Đất tại Rãnh Mariana, Thái Bình Dương...

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 2.

20 phút sau... Victor Vescovo lái Limiting Factor xuống đến Tầng Nửa Đêm nơi nước không còn là màu tối nữa, mà chuyển sang màu đen. Thứ ánh sáng duy nhất tồn tại được nơi đây là ánh sáng lờ mờ từ phát quang sinh học của các loài sứa điện và các loài ăn thịt có chiếc 'đèn lồng' tự nhiên trên đầu để thu hút con mồi. Các loài cá sinh sống ở tầng này hoặc bị mù, hoặc mù màu.

Một giờ sau, Limiting Factor bắt đầu tiến vào Tầng Vực Thẳm. Nhiệt độ nước luôn ở mức vài độ trên mức đóng băng. Tầng vực thẳm kéo dài từ hơn 3.000 m đến 6.000 m. 97% đáy của các đại dương trên thế giới đều có tầng nước này.

Sau 2 giờ rơi tự do, Victor Vescovo xuống đến Tầng Biển Khơi Tăm Tối (còn gọi là Hadal Zone, tầng sâu nhất đại dương). Hadal Zone đặt theo tên vị thần cai quản địa ngục trong thần thoại Hy Lạp. Tầng này được tạo thành từ các 'vết sẹo địa chất' ở rìa các mảng kiến ​​tạo của Trái Đất, và chỉ chiếm một phần rất nhỏ dưới đáy đại dương.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 4.

Quá mốc 8.200m dưới mực nước biển, tàu Limiting Factor đã vượt quá giới hạn lý thuyết cho bất kỳ loài cá nào, bởi tế bào của chúng sẽ nổ tung nếu xuống sâu hơn nữa.

Victor Vescovo bắt đầu cho con tàu giảm tốc. Khi đạt đến độ sâu lớn nhất hành tinh, Limiting Factor bị tầng nước sâu gần 11.000 m đè xuống. Chỉ một sai sót nhỏ, nó có thể nổ tung ngay lập tức, dù được bọc Titan bằng công nghệ hiện đại nhất.

Sau 4 giờ, Limiting Factor chạm đáy Rãnh Mariana và phi công lái nó - một người Mỹ 53 tuổi, tên Victor Vescovo - trở thành sinh vật đầu tiên có máu và xương đạt đến điểm sâu nhất Trái Đất.

12:37 trưa ngày 4/5/2019, Victor Vescovo gọi điện cho thuyền trưởng trên mặt biển, thông báo: "Đã chạm đáy"!

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 5.

Năm 2017, Victor Vescovo trở thành người Mỹ thứ 12 hoàn thành chuyến thám hiểm 'Explorers Grand Slam'. Kỷ lục này đòi hỏi người chinh phục phải leo đủ 7 đỉnh núi cao nhất của 7 lục địa thế giới, trong đó tất nhiên có đỉnh Everest mệnh danh "Nóc nhà thế giới" cao 8.848 m; đồng thời phải trượt tuyết ít nhất 100 km tại cả hai vùng cực Bắc và cực Nam Trái Đất.

Ông là cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, cũng là một phi công tài ba khi lái thuần thục máy bay cánh cố định, trực thăng và tàu lặn có người lái. Ông phục vụ 20 năm trong Hải quân Trừ bị Mỹ (United States Naval Reserve) với tư cách là một sĩ quan tình báo và nghỉ hưu năm 2013.

Nhưng ông còn tiến xa hơn rất nhiều những "kỷ lục gia tiền nhiệm". Đó là nhờ Đại Hải Trình mang tên Five Deeps.

Đội thám hiểm Five Deeps có 11 thành viên, duy nhất Victor Vescovo lãnh nhiệm vụ trực tiếp lái, lặn cùng con tàu bọc Titan mang tên Limiting Factor nặng 11,7 tấn. Đương nhiên, đây là nhiệm vụ vừa khó khăn, vừa nguy hiểm nhất.

Bằng tài năng và lòng quả cảm, cùng sự tương trợ tuyệt vời của đồng đội, nhà thám hiểm Victor Vescovo đã thiết lập được hàng loạt kỷ lục dưới đáy đại dương, phá vỡ mọi giới hạn từng tồn tại ở lãnh địa bí hiểm nhất Trái Đất.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 6.

Tiến sĩ Don Walsh, nhà hải dương học, nhà thám hiểm và chuyên gia chính sách hàng hải người Mỹ, mô tả Đại hải trình Five Deeps là một trong những chuyến thám hiểm tham vọng nhất, vĩ đại nhất thế kỷ 21.

Không đơn giản là một cuộc phiêu lưu tìm kiếm cảm giác mạnh, sứ mệnh của Five Deeps Expedition là để chứng minh tính hiệu quả của công nghệ chìm sâu; khám phá bí mật của vùng Hadal sâu 6.000 đến 11.000 m dưới đại dương; tạo bàn đạp để các nhà khoa học lập bản đồ đáy biển năm 2030; và hơn hết là phá vỡ mọi giới hạn bủa vây con người bấy lâu dưới đáy đại dương.

Để hiểu những kỷ lục mà nhà thám hiểm Victor Vescovo thực hiện vĩ đại và quả cảm thế nào, chỉ cần bạn đọc hình dung: Ở độ sâu từ 6.000 đến 11.000 m dưới đại dương, áp suất khổng lồ tại đây tương đương với việc một người bị 50 chiếc Boeing 747 (gần 10.000 tấn) đè lên. Chỉ một sai sót cực kỳ nhỏ của kỹ thuật và người lái tàu lặn, tất cả sẽ nổ tung.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 7.

Rob McCallum - Trưởng đoàn thám hiểm Five Deeps, chuyên gia bậc thầy về lãnh đạo và tư vấn cho các cuộc thám hiểm chuyên nghiệp khắp thế giới, viết rằng:

"Để thực hiện Five Deeps, cả đội đã mất 4 năm thai nghén.

Bước một, cần có động lực, quyết tâm và chi phí để vòng quanh đại dương thế giới. Chính Victor Vescovo - một cựu sĩ quan hải quân kỳ cựu, người hoàn thành xuất sắc thử thách 'Explorers Grand Slam' - đã truyền cảm hứng cho tôi khi anh ấy nói về khát khao chinh phục những thử thách tiếp theo của mình. "Tôi đã leo lên những đỉnh cao nhất hành tinh, vậy những đáy sâu nhất đại dương thì sao?" - Victor Vescovo nhìn thẳng và hỏi tôi như thế trong ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau.

Bước hai, quan trọng không kém đó là phương tiện có thể bảo vệ người lái, đưa họ đến đáy đại dương và trở lại mặt nước an toàn. Thách thức được hóa giải khi Công ty Triton Submarines chuyên sản xuất tàu ngầm tư nhân Mỹ theo đuổi dự án chế tạo tàu lặn bọc Titan đầu tiên trên thế giới có tên Triton 36000/2 (về sau Victor Vescovo gọi nó là Limiting Factor, tên đầy đủ là DSV Limiting Factor).

Bước ba, là tìm kiếm một nền tảng lý tưởng để thực hiện các dự án khoa học và nghiên cứu sử dụng tàu lặn có người lái. Cuối cùng, chúng tôi chọn DSSV Pressure Drop - một con tàu nặng 750 tấn, dài 68 m, có sức chứa hơn 50 người. Tàu được đóng vào năm 1985 tại Tacoma, Washington, Mỹ. Stuart Buckle là thuyền trưởng của tàu.

Bước bốn, quan trọng nhất cho Đại hải trình Five Deeps chính là tập hợp các thành viên chủ chốt của nó. Đội thám hiểm Five Deeps gồm 11 người đến từ Anh, Mỹ. Họ là nhà thám hiểm, chuyên gia hàng hải, kỹ sư, nhà khoa học, nhà làm phim, chuyên gia vẽ bản đồ đáy biển... Ở họ hội đủ các yếu tố của một nhà thám hiểm chuyên gia với bề dày kinh nghiệm và kỹ năng làm việc cực kỳ chuyên nghiệp.

Bốn năm hội đủ bốn điều kiện. Một ngày Đông của tháng 12 năm 2018... chúng tôi lên đường".

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 8.

Đại hải trình Five Deeps kéo dài từ tháng 12/2018 đến tháng 9/2019, con tàu DSSV Pressure Drop đưa hàng chục con người đi khắp đại dương thế giới với tổng quãng đường biển dài 87.000 km, thực hiện tổng 39 cuộc tàu lặn có người lái (lặn chính, lặn thử nghiệm). Để được phép thám hiểm các vùng đại dương thế giới, đội thám hiểm phải làm việc với 57 cơ quan chính phủ từ hơn 10 quốc gia.

Trưởng đoàn thám hiểm Rob McCallum viết: Trong chuyến thám hiểm dài ngày, quy mô lớn thế này, không thể tránh khỏi những thách thức trên đường đi, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Chúng tôi vấp phải rất nhiều thử thách ngay từ đầu. Khó khăn bao trùm trong "sứ mệnh lần đầu tiên trên thế giới" vì không có khuôn mẫu nào để tuân theo. Không chỉ là những ngày tháng thử nghiệm thiết bị thất bại mà 11 con người đến từ 11 nơi khác nhau, làm những công việc khác nhau phải tập sống chung để hòa hợp và ăn khớp với nhau qua từng câu lệnh trong hành trình 10 tháng lênh đênh khắp đại dương.

Ngày 18/12/2018 đánh dấu bước thành công đột phá đầu tiên của Five Deeps khi Limiting Factor đưa nhà thám hiểm Victor Vescovo chạm xuống Rãnh Puerto Rico.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 9.

Tất cả chúng tôi trong phòng Mission Control vỡ òa trong niềm vui và nước mắt. Mọi người ôm nhau trong một khoảnh khắc vui sướng không gì gì diễn tả được.

Nhưng hành trình đầu tiên mới chỉ thành công một nửa.

Chúng tôi còn phải đưa Victor Vescovo và Limiting Factor trở về mặt biển an toàn nữa. May mắn thay, hành trình trở lại diễn ra suôn sẻ. Limiting Factor nổi lên từ đáy đại dương tăm tối và đón nhận ánh sáng Mặt Trời trong buổi hoàng hôn rực rỡ tháng 12.

Ngay lập tức, kỷ lục đầu tiên trên thế giới được xác lập: Lần đầu tiên trong lịch sử, một tàu lặn có người lái chạm xuống đáy Rãnh Puerto Rico sâu gần 8.400 m - điểm sâu nhất của Đại Tây Dương.

Đó không chỉ là "lần đầu tiên". Hơn cả một kỷ lục thế giới - đó là thành công của cả đội, là sự công nhận thành quả của chính 11 thành viên sau khi nếm trải những giờ khổ luyện và giải quyết vô số rắc rối, thất bại trong quá trình lặn thử nghiệm trên biển trước đó. "Trái ngọt" này tăng thêm quyết tâm cho 11 con người từng bị kiệt sức về thể xác lẫn tinh thần sau nhiều tháng trời lênh đênh và làm việc không mệt mỏi trên đại dương.

9 tháng tiếp theo đi khắp 4 đại dương mục tiêu còn lại, Five Deeps tiếp tục xác lập hơn 4 kỷ lục lặn sâu khác ở Nam Băng Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương. Kỷ lục ấn tượng nhất thế giới của Five Deeps được xác lập tại Thái Bình Dương, nơi có Vực thẳm Challenger sâu nhất hành tinh.

Tháng 5/2019, đánh dấu thời điểm lịch sử trong hành trình khám phá đáy đại dương của loài người: Quả cầu Titan (tàu Limiting Factor) nặng 11,7 tấn, đường kính 1,5 m rẽ mặt nước biển Thái Bình Dương, đưa phi công ngầm Victor Vescovo mặc bộ đồ liền thân chống cháy tiến thẳng xuống địa điểm lặn dự kiến: Vực thẳm Challenger. Trên phần ghế trống bên cạnh có bữa trưa của nhà thám hiểm, bởi sẽ mất 4 giờ đồng hồ để chạm đến độ sâu gần 11.000 mét.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 10.

Trước Victor Vescovo, ai đã từng nỗ lực lặn sâu thám hiểm Vực thẳm Challenger? Ngày 23/1/1960, thủy thủ Thụy Sĩ tên là Jacques Piccard và Don Walsh, một Trung úy trẻ trong Hải quân Mỹ cùng bước vào phương tiện lặn Trieste với nỗ lực lặn xuống Challenger. Và họ đã thành công, ghi tên vào sử sách là: Đội thám hiểm 2 người xuống đến Vực thẳm Challenger, lặn sâu 10.916 m.

Một nửa thế kỷ qua đi kể từ sự kiện đó, không ai có ý định trở lại Challenger cho đến ngày 25/3/2012, nhà làm phim người Mỹ James Cameron đã lái tàu lặn Deepsea Challenger đạt đến độ sâu 10.908 m. Với thành tích này, đạo diễn bộ phim bom tấn "Titanic" (1997) trở thành người đầu tiên trong lịch sử thực hiện chuyến thám hiểm một mình.

Đến năm 2019, nhà thám hiểm Mỹ Victor Vescovo đã một mình phá vỡ đồng thời 2 kỷ lục trước đó khi lái tàu lặn xuống đến đáy vực (Một mình và ở độ sâu 10.925 m, sâu hơn kỷ lục của đạo diễn James Cameron và hơn bất kỳ ai trước đây). Chưa hết, Victor Vescovo không chỉ lặn một lần mà còn thực hiện nhiều cuộc lặn nữa xuống Vực thẳm Challenger. Đó là lý do, hành trình tại Thái Bình Dương kéo dài từ 28/4/2019 đến 4/5/2019.

Một tháng sau đó, cũng tại Thái Bình Dương, ông thực hiện hành trình lặn bổ sung xuống Vực thẳm Horizon sâu 10.823 m, thuộc Rãnh Tonga. Ngoài ra, nhà thám hiểm còn lặn bổ sung tại các địa điểm nổi tiếng như: Vị trí tàu Titanic chìm ở Bắc Đại Tây Dương; Vực thẳm Meteor ở Nam Băng Dương.

Bên cạnh đó, ở dưới đáy mỗi đại dương và nhiều địa điểm khác (gồm Rãnh Yap; Sống núi đại dương Reykjanes ở Iceland; Vùng đứt gãy Agulhas; Vùng đứt gãy Diamantina) đoàn thám hiểm còn tiến hành lập bản đồ Sonar để khảo sát độ sâu của nước. Đây là công việc thuộc Dự án Nippon Foundation-GEBCO Seabed 2030 - Mục đích lập bản đồ chi tiết đáy biển thế giới vào cuối năm 2030.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 11.

Thành công tạo nên hàng loạt kỷ lục của Victor Vescovo không thể không nhắc đến "bạn đồng hành" của ông - Tàu lặn Titan Limiting Factor - Một kiệt tác công nghệ, kỹ thuật và thiết kế, trị giá 48 triệu USD.

Giống như tàu vũ trụ, tàu lặn dưới biển sâu phải được thiết kế để đáp ứng vô số thách thức, bao gồm những thay đổi đáng kể về áp suất, nhiệt độ và nơi hoàn toàn không có ánh sáng Mặt Trời.

Chỉ nặng 11,7 tấn, Limiting Factor nhẹ hơn rất nhiều so với các phương tiện lặn sâu trước đây. Nhờ có bàn tay và khối óc của kỹ sư trưởng người Anh John Ramsay, con tàu lặn bọc Titan này được tinh chỉnh rất nhiều, nó được xem là "cách mạng" trong thiết kế tàu lặn, giúp ích cho quá trình chìm xuống và nổi lên của phi công ngầm.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 12.

Trưởng đoàn thám hiểm Rob McCallum nhớ lại: Khi chúng tôi hoàn thành Đại hải trình Five Deeps vào tháng 9/2019, di sản của cuộc thám hiểm (bao gồm con tàu, tàu lặn và các trang thiết bị khác) sẽ được bán dưới tên "Hadal Exploration System" (Hệ thống thăm dò Hadal). Rất nhiều người hào hứng với các kỷ lục thế giới mà chúng tôi thiết lập cùng chúng, trong số đó nổi lên là "kiệt tác" Limiting Factor.

Cho đến nay, Limiting Factor là phương tiện duy nhất trên thế giới có thể đi đến đáy của bất kỳ đại dương nào, ở bất cứ thời điểm nào. Limiting Factor có thể giúp con người thay đổi hoàn toàn kiến thức về đáy đại dương và mở ra cơ hội tìm kiếm những sinh vật mới ở những độ sâu khủng khiếp đó. Limiting Factor chính là con tàu vũ trụ để chúng ta khám phá chính hành tinh Trái Đất này.

Là một phần của điều vĩ đại đó, TÔI CẢM THẤY VÔ CÙNG TỰ HÀO.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 13.

Có độ cao bằng 0 mét, mực nước biển trung bình (MSL) là thuật ngữ các nhà khoa học sử dụng để xác định độ cao và độ sâu của các điểm trên Trái Đất. Không chỉ mang ý nghĩa là mốc để đo chiều cao và chiều sâu của vật thể trên hành tinh, mực nước biển còn là ranh giới để đo chiều sâu hiểu biết của loài người.

Đối với giới khoa học Trái Đất, mặt nước biển là "trạm trung chuyển" giữa biển cả và bầu trời: Trên nó, là thế giới của đất, không khí, ánh sáng Mặt Trời và lá phổi. Dưới nó, là thế giới của nước, độ sâu tăm tối cùng áp lực nghiền nát tất cả. Càng đi sâu xuống thế giới của đại dương, con người càng cảm thấy xa lạ, đáng sợ và khó kiểm soát. Nhưng bản chất của con người là tò mò và ưa khám phá. Và "khó" chưa bao giờ đồng nghĩa với "không thể". Câu chuyện "không gì là không thể" đã xảy ra với Five Deeps.

Cùng theo chân đoàn thám hiểm Five Deeps để chiêm ngưỡng những khoảnh khắc họ làm việc cùng nhau, khám phá thế giới dưới đáy đại dương cũng như phát hiện những điều chưa ai làm được qua những điểm lặn sâu trong hành trình 10 tháng lênh đênh khắp đại dương cùng con tàu DSSV Pressure Drop.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 14.

Khi Tiến sĩ Alan Jamieson, nhà khoa học trưởng của đoàn thám hiểm, liên lạc với Heather Stewart, một nhà địa chất biển thuộc Cục Khảo sát Địa chất Anh, và nói với cô rằng Victor Vescovo muốn lặn đến điểm sâu nhất của mỗi đại dương, cô trả lời ngay rằng: Có một vấn đề lớn, đó là không ai biết chúng (điểm sâu nhất) nằm chính xác ở đâu.

Hầu hết các bản đồ đáy đại dương chi tiết đều nằm trong tay những người khai thác khoáng sản. Các ngành công nghiệp khai thác dầu khí và biển sâu đòi hỏi kiến ​​thức sâu rộng và họ trả tiền để có được nó, nhưng có một vài ngoại lệ là đặc điểm chi tiết của các rãnh sâu nhất phần lớn chưa được biết đến.

Gần đây nhất, vào những năm 1990, độ sâu đại dương thường được ước tính bằng cách ném chất nổ qua mạn tàu và đo thời gian cần thiết để tiếng nổ dội lại từ đáy. Tuy nhiên, bề mặt của đáy đại dương được định hình bởi các đặc điểm bên dưới nó.

Điều này đòi hỏi Victor Vescovo phải có trong tay một máy tạo tiếng vang đa âm và một hệ thống ánh xạ Sonar tiên tiến nhất để xác định độ sâu chính xác và vị trí lặn. Cuối cùng, ông chọn Kongsberg EM-124 cho các sứ mệnh lặn.

Trưởng đoàn thám hiểm Rob McCallum là người sắp xếp kế hoạch cho Victor Vescovo lặn điểm sâu đầu tiên tại Rãnh Puerto Rico. Rãnh này kéo dài 800 km ở Đại Tây Dương. Vào ngày 14/12/2018, tàu DSSV Pressure Drop khởi hành từ cảng San Juan, tiến thẳng đến vùng biển phía trên Rãnh Puerto Rico.

Mục tiêu của 'lần đầu tiên' này là lặn đúng chỗ, đạt được độ sâu tuyệt đối của rãnh và mang về một mẫu đá lên mặt nước.

Vào lúc 2:55 p.m, Victor Vescovo trở thành người đầu tiên trong lịch sử lặn đến điểm sâu nhất ở Đại Tây Dương. "Và từ thời điểm đó, chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ tái xác lập những kỷ lục tương tự trên toàn thế giới" - Cả đội quyết tâm sau những phút thảnh thơi trên tàu.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 16.

Độc giả click vào từng ảnh để xem full size

Ngày 24/1/2019, thuyền trưởng Stuart Buckle nhổ neo con tàu DSSV Pressure Drop từ cảng Montevideo (Uruguay) để tiến xuống Nam Băng Dương, thực hiện chuyến lặn sâu thứ hai của đoàn thám hiểm Five Deeps. Phía trước họ là hải trình hơn 8.000 km.

Trên boong dự báo, trong phòng điều khiển, Cassie Bongaguanni ngồi trước 4 màn hình lớn. Cô gái 27 tuổi đang theo học bằng thạc sĩ về lập bản đồ đại dương tại Đại học New Hampshire (Mỹ) là người điều hành kỹ thuật Sonar chính của đoàn.

Cassie Bongaguanni là người phải đưa ra các dữ liệu chính xác địa điểm lặn. Cô sử dụng máy tạo tiếng vang đa âm Kongsberg EM-124 được đặt bên trong chiếc thuyền Gondola khổng lồ dưới tàu để định hình độ sâu của đáy biển.

Trong các rãnh sâu của đại dương thế giới, phải mất ít nhất 7 giây để âm thanh chạm đến đáy và 7 giây nữa để truyền trở lại mặt biển. Trong khoảng trống đó, con tàu đã di chuyển về phía trước một đoạn. Điều này buộc Cassie Bongaguanni phải tính đến việc "đọc" tốc độ âm thanh chính xác ở mỗi vị trí lặn, vì nó bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của nhiệt độ, độ mặn và độ sâu.

Do đó, Đại hải trình Five Deeps không chỉ đơn thuần là cho người đầu tiên lặn xuống rãnh sâu nhất đại dương mà còn đòi hỏi vai trò cực kỳ quan trọng của người đầu tiên lập bản đồ đáy biển.

Trong sứ mệnh lặn sâu tại Rãnh South Sandwich này, nhà thám hiểm Victor Vescovo đã đạt được điểm sâu nhất của rãnh (sâu 7.453 m) nhưng chưa ai đo hay đặt tên cho nó. Ông quyết định đặt cho điểm sâu nhất này cái tên (chưa chính thức) là Factorian Deep - Vực thẳm Factorian.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 18.

Độc giả click vào từng ảnh để xem full size

Rãnh Java kéo dài hơn 3.200 km, và là địa điểm hoạt động địa chấn dữ dội bậc nhất hành tinh. Ở dưới đáy Ấn Độ Dương, trong khoảng trống tăm tối, rộng lớn của Rãnh Java, Victor Vescovo và nhóm của ông lần đầu tiên phát hiện một sinh vật mới bí ẩn. Họ nghĩ đó là một loài sứa chưa từng được định danh. Cả nhóm mô tả nó là "loài động vật giống sứa phi thường", "không giống với bất cứ thứ gì được nhìn thấy trước đây dưới biển".

Cả đoàn thám hiểm thấy may mắn khi sinh vật giống sứa đó xuất hiện ngay trước hệ thống camera góc rộng 90 độ và có độ phân giải cao (4K) của tàu lặn Limiting Factor. Ngay lập tức họ chụp lại hình ảnh loài động vật ở nơi sâu nhất Ấn Độ Dương này.

Nhà thám hiểm yên lặng quan sát một phần thế giới rãnh sâu. Hiện lên trước mắt là trầm tích biển - tàn dư của bụi núi lửa, đá vụn, thiên thạch và hàng tỷ vỏ sò, bộ xương nhỏ của các sinh vật từng sống ở vùng nước phía trên lắng xuống qua hàng ngàn năm. "Trầm tích là một khúc sử thi hùng tráng của Trái Đất" - Nhà sinh vật biển người Mỹ Rachel Carson đã viết trong cuốn "Biển xanh quanh ta" (1951) như vậy.

Ba giờ dưới Rãnh Java, Victor Vescovo tận mắt nhìn thấy thứ 'không thể tin nổi của con người" - túi rác nhựa và vỏ lon nước ngọt. Ở thế giới tưởng chừng tách biệt hoàn toàn với hoạt động của con người này, người ta vẫn thấy sự hiện diện đáng lo ngại của con người.

Các nhà khoa học ước tính rằng trong 30 năm tới, các đại dương sẽ chứa một khối lượng nhựa lớn hơn cá. Phần lớn mọi mẫu sinh học nạo vét từ Vùng Hadal mà Tiến sĩ Alan Jamieson, nhà khoa học trưởng của Five Deeps, đem đi thử nghiệm đều nhiễm vi hạt.

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 20.

"Buổi tối hôm ấy, cách vài giờ sau khi Victor Vescovo thông báo về độ sâu kỷ lục mà cậu ấy làm được cùng Limiting Factor, tôi đã khóc" - Đó là lời thú nhận của Don Walsh - người từng cùng Jacques Piccard lái tàu lặn Trieste xuống Challenger ngày 23/1/1960. Khi ấy ông đã 88 tuổi, được mời tham dự cùng đoàn Five Deeps trên tàu DSSV Pressure Drop.

Một trong những điểm nổi bật cần phải nói trong hành trình đến Thái Bình Dương của đoàn là sự kiện Victor Vescovo lặn bổ sung xuống Vực thẳm Horizon (thuộc Rãnh Tonga, Nam Thái Bình Dương). Kết quả, vào ngày 5/6/2019 ông cùng tàu lặn xuống sâu 10.823 m.

Hình ảnh Sonar cho thấy đặc điểm địa chất dữ dội do sự nứt vỡ của mảng đại dương vùng này. "Nếu ở trên đất liền, chúng sẽ là một trong những kỳ quan tự nhiên của thế giới" - Tiến sĩ Alan Jamieson nhận định.

Để có được kỷ lục hiếm có này, đội Five Deeps đã phải trải qua rất nhiều thất bại từ các cuộc thử nghiệm trước đó. Victor Vescovo nhớ lại: "Bất cứ khi nào cả đội phải nhận thất bại đáng kể nào đó, chúng tôi sẽ ngồi lại và đặt câu hỏi "Tại sao?". Khi bạn xác định được đúng vấn đề và có thể khắc phục được nó, bạn sẽ làm gì tiếp theo? Bỏ cuộc ư? Không. Điều đó thậm chí không tồn tại trong tâm trí tôi. Nếu bạn leo núi và bị ngã, bạn sẽ học được cách tự đứng lên và tiếp tục đi về phía trước".

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 22.

Độc giả click vào từng ảnh để xem full size

Thử thách cuối cùng của Five Deeps.

Bắc Băng Dương đón DSSV Pressure Drop trong cái lạnh cắt da cắt thịt dù ở đây đang là giữa mùa hè.

Cassie Bongaguanni và các trợ lý Sonar của cô đã lập bản đồ gần 700.000 km vuông dưới đáy đại dương nơi đây, một khu vực có kích thước tương đương bang Texas (Mỹ), và hầu hết trong số đó chưa từng được khảo sát. Trên Trái Đất, đáy biển Bắc Băng Dương là vùng ít được con người biết đến nhất.

Trái Đất không phải là một hình cầu hoàn hảo, nó bị lõm vào ở hai cực. Vì lý do này, hành trình lặn sâu cuối cùng đến Molloy Deep sẽ đưa Victor Vescovo đến gần vùng trung tâm Trái Đất hơn so với việc ông đã lặn ở Challenger Deep (thuộc Rãnh Mariana), mặc dù Molloy Deep chỉ sâu bằng một nửa Challenger Deep.

Sau khi cùng tàu Limiting Factor lặn sâu vài chục mét xuống vùng nước lạnh giá, Victor Vescovo nhìn thấy sứa và loài tôm nhỏ Euphausiacea. Xuống sâu hơn nữa là tuyết biển (marine snow). Rồi không còn thứ gì nữa. Chuyến đi cuối cùng hoàn thành một cách hoàn hảo.

"Đây không phải là kết thúc. Đây là kết thúc của sự khởi đầu mới" - Nhà thám hiểm Victor Vescovo nói, trích lời cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874-1965), sau khi "kiệt tác của công nghệ và thiết kế" Limiting Factor đưa nhà thám hiểm 53 tuổi người Mỹ lên mặt biển an toàn.

Một mình đứng ở góc xa trên con tàu đã cùng đoàn thám hiểm lênh đênh trên biển 10 tháng, trưởng đoàn thám hiểm Rob McCallum nhìn cả đội mỉm cười tự hào: "Họ đấy, những con người vừa thay đổi lịch sử thế giới đấy".

Tiên tri của cố tổng thống Mỹ và kỷ lục vừa gây chấn động thế giới: Một chút sơ sẩy, quả cầu Titan 48 triệu USD sẽ nổ tung - Ảnh 24.
Trang Ly
Bạch Quả
FiveDeeps.Com
FiveDeeps, New Yorker Magazine, CNN, Oceanographic Magazine
Theo Tổ quốc01/06/2020

Tổ quốc