Tiến sỹ Quách Tuấn Ngọc chỉ ra lỗ hổng "chết người" của tờ trắc nghiệm trong vụ nâng điểm thi ở Hà Giang

18/07/2018 15:31 PM | Xã hội

Theo phân tích của TS Quách Tuấn Ngọc, tờ phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách. Do đó, bất kỳ ai cũng có thể biết được phiếu trả lời này là của ai và tìm ra phiếu của 1 thí sinh ABC cụ thể. Đây là một lỗ hổng mà ông Quách Tuấn Ngọc đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác nhưng không được Bộ Giáo dục tiếp thu.

Như ICTnews đã đưa tin , chiều nay, ngày 17/7/2018, Bộ GD&ĐT cùng ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh Hà Giang đã chính thức họp báo công bố chi tiết những sai phạm liên quan đến những bất thường trong điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang. Qua xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Theo thông tin được đại diện cơ quan công an Hà Giang cho biết tại cuộc họp báo, điều tra cho thấy ông Lương được Sở GD&ĐT Hà Giang phân công sử dụng máy tính phục vụ công tác chấm thi quốc gia. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn thi THPT quốc gia, điện thoại của vị này đã nhận rất nhiều tin nhắn liên quan đến số báo danh của thí sinh. Tiếp theo, vị này đã thực hiện hành vi sửa điểm cho các thí sinh. Cụ thể, với quy trình quét bài thi trắc nghiệm, ông Vũ Trọng Lương trực tiếp phụ trách và dùng chiếc máy tính quét. Cán bộ này đã đối chiếu với số báo danh nhận được qua tin nhắn điện thoại và nhập lại điểm (chỉnh sửa điểm) cho thí sinh. Bất ngờ hơn, cán bộ này chỉ dùng hết 6 giây để chỉnh sửa điểm cho một thí sinh trong khi thành viên ban giám sát vẫn túc trực.

Quá trình điều tra cũng cho thấy, ông Vũ Trọng Lương đã có thời gian từ 12h đến 14h38 ngày 27/6 chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng Khảo thí. Sau đó, vị này đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và tiến hành sửa đáp án cho thí sinh. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lí các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Được sự đồng ý của TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT - Bộ GD&ĐT, ICTnews dẫn lại ý kiến của ông liên quan đến vụ điểm thi “cao bất thường” ở Hà Giang, đã được ông đăng công khai trên trang Facebook cá nhân vào chiều ngày 17/7/2018.

Trong bài viết với tiêu đề “Suy nghĩ về kỳ thi quốc gia lúc trời mưa bão (theo cả nghĩa đen và bóng)”, TS Quách Tuấn Ngọc cho biết, thời thi tự luận, tiêu cực sửa bài thi là rất khó. Đơn giản là vì có rọc phách; nếu dồn túi 2 lần thì không ai có thể biết bài nào của ai để mà sửa bài thi.

Theo phân tích của TS Quách Tuấn Ngọc, tờ Phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách. Do đó, bất kỳ ai cũng có thể biết được Phiếu trả lời này là của ai và tìm ra Phiếu của 1 thí sinh ABC cụ thể. “Đây là một lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác. Tờ Phiếu đó và quy trình chấm hiện nay rất thích hợp cho việc một trường Đại học tổ chức thi vì họ không dính đến con cháu nào cả, hoặc nếu có cũng hãn hữu xảy ra. Còn thi tại địa phương, có thể nói quy trình hiện nay là chưa hoặc không phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò”, TS Quách Tuấn Ngọc nêu quan điểm.

TS Quách Tuấn Ngọc cũng kể lại, hồi năm 2007, trong hội nghi giao ban Giám đốc Sở và tổng kết năm học tại TP.HCM, ông đã lên bục phát biểu một ý rằng: Đừng bao giờ tin tuyệt đối vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức tại địa phương để làm kết quả xét vào Đại học. Điều này được thể hiện qua Biểu đồ điểm 10 thi tốt nghiệp THPT thời đó, nhưng đi thi Đại học thì biểu đồ điểm 10 "đổ rạp" xuống. (Kết quả vẽ ra của cùng 1 thí sinh đi thi cả hai kỳ thi tốt nghiệp và thi Đại học).

Năm 2002, lần đầu tiên 3 chung và cũng là lần đầu tiên công bố phổ điểm. Tuy nhiên, Bản đồ Việt Nam về kết quả thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh Đạ học năm 2002 (tính theo điểm trung bình thống kê 3 môn thi) thì phải mấy năm sau mới công bố vì quá nhạy cảm lúc đó.

Tiến sỹ Quách Tuấn Ngọc chỉ ra lỗ hổng chết người của tờ trắc nghiệm trong vụ nâng điểm thi ở Hà Giang - Ảnh 1.

Bản đồ Việt Nam được Cục CNTT - Bộ GD&ĐT vẽ theo điểm thi trung bình của các thí sinh dự thi năm 2002 khi bắt đầu thi 3 chung (Ảnh nhân vật cung cấp)

"Từ năm 2015 bắt đầu tổ chức kỳ thi 2 trong 1, có tiến bộ là có thêm cán bộ coi thi từ các trường Đại học, tuy nhiên còn nhiều chỗ là do cán bộ địa phương chủ động làm hết nên cơ hội tiêu cực càng có điều kiện. Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi đương nhiên có phần suy giảm, nếu không muốn nói là không thể tin được", TS. Quách Tuấn Ngọc thẳng thắn chỉ rõ.TS Quách Tuấn Ngọc cũng đưa ra nhiều số liệu thống kê đáng suy ngẫm. Ông cho biết, trong 13 năm thi 3 chung, Cục CNTT – Bộ GD&ĐT thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ Việt Nam và về nguyên lý, nhóm xếp hạng theo mầu là rất ít thay đổi. Về nguyên tắc, Top 10 chủ yếu là các tỉnh đồng bắc bắc bộ. Đứng vị trí Nhất thường xuyên là Hà Nội gốc (thời chưa có Hà Tây), Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Và TPHCM sau mấy năm 3 chung mới vào được Top 10. Từ ngày thi 2 trong 1, thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Nhiều tỉnh ngày xưa Cục CNTT sơn đỏ, nay nhảy lên sánh vai với Top 10, tức là màu xanh trên Bản đồ.

Từ các ý kiến nhận định về kỳ thi THPT kể trên, TS Quách Tuấn Ngọc đưa ra đề xuất tổ chức chấm thi theo Cụm (theo vùng miền) do trường Đại học chủ trì. "Nghĩa là sau khi thi xong thì niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo Cụm", ông Ngọc giải thích thêm.

Về vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, TS. Quách Tuấn Ngọc nhận xét: "Năm nay anh Vũ Trọng Lương, Phó phòng khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang làm trắng trợn quá mức.Theo tôi hiểu qua các báo thì anh Lương sửa trực tiếp vào file kết quả rồi gửi về Bộ đĩa CD1. Xong, anh ta bình tĩnh quay sang sửa bài trên giấy… Nhưng nhờ có anh mà cả nước tỉnh ra vì sẽ thấy các lỗ hổng ở các khâu và ở các nơi".

Cũng trong bài viết của mình, đặt ra câu hỏi về năng lực gì được đánh giá trong kỳ thi THPT quốc gia hiện nay, TS. TS Quách Tuấn Ngọc cho rằng: "Các trường Đại học nên chủ động đánh giá lại năng lực thật của thí sinh trước khi cho họ vào ngồi học. Lấy ví dụ, năng lực giải lại bài toán đã thi, xem giải lại có được không? Hay là cho giải một phương trình bậc 2, hoặc vấn đáp, trao đổi với thí sinh".

Theo MT

Cùng chuyên mục
XEM