Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: Mức độ đáng sống của TP.HCM đang giảm tương đối so với địa phương khác, "sức khỏe" các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại

09/07/2024 16:40 PM | Kinh doanh

"TP.HCM là một trong những địa phương đáng sống nhất Việt Nam, khi người dân cứ đổ đến đây. Tuy nhiên, mức độ đáng sống của TP.HCM đang tương đối giảm so với các địa phương khác", Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ) cho biết.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: Mức độ đáng sống của TP.HCM đang giảm tương đối so với địa phương khác, "sức khỏe" các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại- Ảnh 1.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ) trình bày tại sự kiện.

Phát biểu này được đưa ra tại Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024 (PBCF) do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên tổ chức.

Tại sự kiện, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam - đã công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM năm 2023, cho thấy nhiều con số bất ngờ.

Vị Tiến sĩ khẳng định TP.HCM vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp đặt trụ sở và tổ chức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của TP.HCM đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước.

"TP.HCM là một trong những địa phương đáng sống nhất Việt Nam, khi người dân cứ đổ đến đây. Tuy nhiên, mức độ đáng sống của TP.HCM đang tương đối giảm so với các địa phương khác", ông nhận định.

Cụ thể, xét về mức độ tăng dân số, TP.HCM vốn là nơi có tốc độ tăng dân số cao của cả nước, nhưng con số này lại đang có chiều hướng chững lại. Giai đoạn 2020-2023, tốc độ tăng dân số của TP.HCM chỉ là 1,14%, mỗi năm tăng 105.000 người, chỉ cao hơn một chút so với mức tăng 0,97% của cả nước. Nhìn lại giai đoạn 2000 – 2010, tốc độ tăng lên đến 3,45%, gấp 3 lần cả nước.

"Lực lượng lao động tăng so với dân số. Tuy nhiên, GRDP của chúng ta giảm tương đối, chỉ còn khoảng 16% (năm 2023), trong khi cách đây hơn 20 năm đạt gần 20%", Tiến sĩ Du chỉ ra. Nhìn chung, tỷ phần GRDP của TP.HCM đã giảm dần từ năm 2000.

Xét về GRDP/người, năm 2023 TP.HCM đạt 171 triệu đồng, gấp 1,68 lần bình quân của cả nước, nhưng thời điểm năm 2000 con số này cũng gấp 2,79 lần bình quân cả nước.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: Mức độ đáng sống của TP.HCM đang giảm tương đối so với địa phương khác, "sức khỏe" các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại- Ảnh 2.

Bên cạnh đó, theo vị tiến sĩ, "sức khỏe" các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại. Cụ thể là TP.HCM chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022; không có doanh nghiệp nào lọt Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500).

Nếu chỉ xét các doanh nghiệp tư nhân, theo xếp hạng trên, trong nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất, năm 2010 TP.HCM có 5 cái tên góp mặt, nhưng đến năm 2022 chỉ còn 3.

Trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á (Fortune 500) vừa được công bố tháng trước, Việt Nam có 70 doanh nghiệp với 30 ở Hà Nội và 25 ở TP.HCM. Xét top 10 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam trong Fortune 500, Hà Nội có 6, trong khi TP.HCM có 2.

TS. Huỳnh Thế Du còn chỉ ra rằng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết tại TP.HCM có xu hướng đi xuống rõ rệt. Hồi năm 2010 nhóm này ở TPHCM chiếm khoảng 50% so với cả nước, nhưng đến cuối năm 2022 chỉ còn chưa đến 1/3. Trong khi đó, Hà Nội lại có xu hướng ngược lại

"Đây là đồ thị cực kỳ đáng suy ngẫm", ông bình luận. Ngoài ra, các chỉ số về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM giảm so với các thành phố trong khu vực.

"Cách đây khoảng 30 năm, hồi mới đổi mới, khi hỏi lực lượng doanh nghiệp do ai dẫn đầu, câu trả lời là TP.HCM. Cách đây 20 năm, câu trả lời cũng là TP.HCM. Cách đây 15 năm thì chưa chắc. Còn bây giờ, rõ ràng các địa phương khác đã có những bước tiến lớn. Đó là điều rất đáng trăn trở", Tiến sĩ Du bày tỏ.

"Báo cáo Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM 2023" đã chỉ ra nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp TP.HCM giảm sút cả về chất và lượng. Các yếu tố bao gồm: Chiến lược hoạt động của chính lực lượng doanh nghiệp chưa rõ ràng và hoạt động chưa hiệu quả; Trình độ phát triển cụm ngành còn khiêm tốn, thiếu vắng sự liên kết, tương hỗ; Môi trường kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn cách xa kỳ vọng của doanh nghiệp…

Từ đó, nhóm nghiên cứu cùng các chuyên gia đã đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác và chính quyền TP.HCM. Các gợi ý đối với doanh nghiệp bao gồm: Chiến lược và tầm nhìn đặt trong tâm thế cạnh tranh; Xây dựng thương hiệu và quốc tế hóa; Quản trị chuyên nghiệp; Doanh nghiệp cần chủ động…

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM