Tiền điện tử trở thành tiêu điểm chú ý của các quốc gia
Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng, Mỹ tăng cường lệnh cấm Nhân dân tệ kỹ thuật số tại các cửa hàng ứng dụng ở nước này, còn Nga cũng cân nhắc sử dụng tiền điện tử trong thương mại quốc tế.
Mỹ nói không với Nhân dân tệ kỹ thuật số
Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) - một loại tiền kỹ thuật số tập trung do Trung Quốc phát hành được xem đã khuấy động hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thời điểm này năm ngoái, các chính trị gia tại Mỹ đã khuyên các vận động viên nước này không nên sử dụng e-CNY trong Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, với lý do lo ngại về gián điệp.
Gần đây, các Thượng nghị sĩ của Mỹ đã nhắc lại lập trường tiêu cực đối với Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng lại, bằng cách kêu gọi Mỹ hãy "ngừng gây rắc rối" với đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Trong đó, Zhao Lijian - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho rằng, Mỹ thực sự không hiểu hết về tiền tệ kỹ thuật số.
Gần đây, các Thượng nghị sĩ của Mỹ cũng đã nhắc lại lập trường tiêu cực đối với sản phẩm tiền tệ mới này của Trung Quốc. Đáng chú ý, họ đưa ra một dự luật nhằm hạn chế việc sử dụng CBDC của Trung Quốc trong các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ, được gọi là "Đạo luật tiền tệ kỹ thuật số độc quyền", cần được Thượng viện, Hạ viện và Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt trước khi có hiệu lực.
Các Thượng nghị sĩ giải thích rằng, thuật ngữ "cửa hàng ứng dụng" còn để chỉ những "trang web có sẵn công khai, ứng dụng phần mềm hoặc dịch vụ điện tử khác phân phối các ứng dụng từ các nhà phát triển bên thứ ba cho người dùng máy tính, thiết bị di động hoặc bất kỳ thiết bị máy tính đa năng nào khác”.
Thượng nghị sĩ Cotton nhấn mạnh, động thái này là khẩn cấp vì nếu không, Trung Quốc có thể sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của mình để "kiểm soát và theo dõi" bất kỳ ai sử dụng nó. “Chúng tôi không thể cho Trung Quốc cơ hội đó, Hoa Kỳ nên từ chối nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây tác động đến nền kinh tế của chúng tôi ở mức cơ bản nhất”, ông nói thêm.
Một Thượng nghị sĩ khác bày tỏ: “Không có ý nghĩa gì khi tự ràng buộc mình vào đồng tiền kỹ thuật số của một chế độ muốn thay thế chúng ta trên thế giới. Đây sẽ là rủi ro giám sát và tài chính lớn mà Hoa Kỳ không đủ khả năng thực hiện”.
Hồi đầu năm nay, Richard Turrin, Chuyên gia tư vấn Công nghệ Tài chính tại CNBC nhận định rằng, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể làm suy yếu sự thống trị của USD trong 10 năm tới. Cụ thể, ông cho rằng e-CNY có thể thay thế đối thủ của nó như là đơn vị tiền tệ được lựa chọn trong các dàn xếp thương mại quốc tế.
Theo quan điểm của ông, Mỹ nên bắt kịp Trung Quốc bằng cách tung ra các thử nghiệm cho một đồng đô la kỹ thuật số tiềm năng. Nếu không, nhiều quốc gia sẽ ít phụ thuộc hơn vào đồng bạc xanh trong những năm tới.
Nga sẽ dùng tiền điện tử trong thương mại quốc tế
Có thể thấy, bất ổn địa chính trị xảy ra, khiến nhiều nước bắt đầu nghĩ đến câu chuyện bảo vệ an ninh tài chính, đề phòng các rủi ro trong trường hợp có diễn biến xấu, mà Nga là một ví dụ khiến Trung Quốc phải cảnh giác hơn bao giờ hết. Cùng thời điểm này, Bộ Tài chính Nga (Minfin) cũng đang đưa ra đề nghị cân nhắc có thể sử dụng tiền điện tử trong thương mại quốc tế.
Bộ Tài chính Nga đang tích cực thảo luận về việc sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch hàng đổi hàng, nếu nó được công nhận là tài sản ở Liên bang Nga
Hãng tin Interfax cho hay, ông Ivan Chebeskov, Giám đốc Vụ Chính sách Tài chính của Bộ này cho biết khả năng sử dụng tiền điện tử đang được Bộ Tài chính Nga xem xét vì khả năng tiếp cận các kênh thanh toán truyền thống của nước này bị hạn chế. “Minfin đang tích cực thảo luận về việc sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch hàng đổi hàng, nếu nó được công nhận là tài sản ở Liên bang Nga. Đây là chủ đề đáng được quan tâm, vì Nga bị hạn chế khả năng sử dụng cơ sở hạ tầng thanh toán truyền thống cho các khu định cư trong hoạt động kinh tế quốc tế của mình”, ông Ivan Chebeskov phát biểu tại một diễn đàn.
Bình luận của ông được đưa ra khi các nhà chức trách Nga đang chuẩn bị thông qua luật mới "Về tiền tệ kỹ thuật số" có thể hợp pháp hóa loại hình thanh toán xuyên biên giới này và các giao dịch tiền điện tử khác.
Đến nay, Moscow vẫn đang nỗ lực đối phó với việc gia tăng các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với sự can thiệp quân sự của họ vào Ukraine, vốn đã bị hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận tài chính toàn cầu của nước này và đang tìm cách thay thế đô la Mỹ và Euro trong các khoản thanh toán quốc tế, ngay cả trước khi xung đột xảy ra vào tháng 2/2022.
Vào giữa tháng 4, Chủ tịch Phòng Thương mại Nga Sergey Katyrin đã đề xuất sử dụng tiền điện tử trong các khu định cư với các quốc gia châu Phi và vào cuối tháng 3, người đứng đầu Ủy ban Năng lượng của quốc hội Pavel Zavalny nói rằng, Nga có thể bắt đầu chấp nhận Bitcoin cho xuất khẩu khí đốt của mình trong tương lai.