Tiêm vắc xin không bị sốt có cần tiêm lại không?

05/09/2021 10:08 AM | Sống

Sau tiêm vắc xin có người có phản ứng sốt, đau vùng tiêm, nhưng cũng có người không có phản ứng gì, điều đó không ảnh hưởng gì tới việc sinh kháng thể của vắc xin.

Bác sĩ ơi sao tôi không sốt?

Sau nhiều đợt tham gia tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho cộng đồng, Ths.BS Nguyễn Nam Anh, đơn vị tiêm chủng, BV Quốc Tế Minh Anh, cho biết có rất nhiều người còn chưa hiểu hết về vắc xin Covid-19.

Bác sĩ Nam Anh cho biết có rất nhiều người đã gọi điện lo lắng, hoang mang khi đi tiêm về lại “quá yên bình”. Những câu hỏi bác sĩ ơi vì sao tôi không sốt, bác sĩ ơi bao giờ mới sốt được nhiều người hỏi.

Thực tế, nhiều người đi tiêm về sốt quá cũng sợ mà không sốt thì họ cũng 'lo'. Họ có quan điểm rằng không sốt thì không sinh ra kháng thể và lại hỏi bác sĩ có cần tiêm lại hay không?.

Theo BS Nam Anh sốt chỉ là phản ứng bình thường sau tiêm vắc xin, thường không liên quan đến tính sinh miễn dịch của vắc xin. Khi được chích vào cơ thể, sẽ có 2 pha đáp ứng miễn dịch diễn ra - đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và đáp ứng miễn dịch thích nghi.

Đầu tiên sẽ là pha miễn dịch bẩm sinh, những tín hiệu ngay sau tiêm sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch bẩm sinh chống lại nó, là cơ chế đề kháng ngay lập tức của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch thích nghi mới là giai đoạn hoạt hoá lympho B sản xuất kháng thể.

Quá trình này diễn ra nhiều ngày sau đó, thường là 2 tuần. Do đó, phản ứng sau tiêm chỉ là 1 phần của đáp ứng miễn dịch còn rất xa mới đến được kết quả chúng ta mong đợi là sự sản xuất kháng thể. Do đó, chưa thể kết luận có phản ứng sốt sau tiêm đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch tạo kháng thể tốt hơn.

Tiêm vắc xin không bị sốt có cần tiêm lại không? - Ảnh 1.
Tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM. 

Hầu hết các phản ứng sau tiêm chủng đều là phản ứng nhẹ và tạm thời, chẳng hạn như đau chỗ tiêm hoặc sốt. So với những phản ứng phụ thì lợi ích mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số phản ứng nghiêm trọng hơn, thậm chí là tử vong nhưng rất hiếm. Và nếu xét về lợi ích cộng đồng, thì tiêm vắc xin mang lại hiệu quả rất lớn trong việc bảo vệ tính mạng của bản thân, tránh lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng. Nếu không có vắc xin, thì sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh, cùng với đó là những biến chứng nghiêm trọng và nhiều trường hợp tử vong hơn.

F0 nên xin tư vấn thời gian tiêm vắc xin 

Ngoài ra, những người đã từng là F0 vẫn cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn về thời gian tiêm vắc xin. BS Nam Anh cho rằng hiện tại chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng người nhiễm Covid-19 điều trị khỏi không có nguy cơ tái nhiễm.

Vì vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo rằng cần phải tiêm chủng để giúp bảo vệ mình ngay cả khi bạn đã mắc Covid-19 và được điều trị khỏi. Đặc biệt, bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn khi được tiêm chủng đầy đủ so với sau khi bị mắc Covid-19. Đã có nghiên cứu cho thấy, những người chưa tiêm chủng và đã mắc Covid-19 có nhiều khả năng tái mắc Covid-19 cao hơn 2 lần so với những người đã tiêm chủng đầy đủ.

BS Nam Anh lưu ý nhiều người đi tiêm vắc xin về kiêng khem thái quá. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo người tiêm sau tiêm vẫn nên ăn uống như bình thường. Tuy nhiên, nên tránh một số thức ăn, đồ uống như: rượu, bia, cà phê, đồ ăn chiên, xào và tăng cường các loại thực phẩm có lợi cho sức khoẻ như rau xanh, chất xơ… bổ sung các loại nước chanh, cam… nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Uống nhiều nước và theo dõi các phản ứng sau tiêm như sốt, đau nóng chỗ tiêm, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu…. thường cải thiện sau 48 giờ. Nếu thấy nổi mẫn đỏ, ngứa; phù mi mắt; đau ngực; khó thở; choáng váng; mệt mỏi….. hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Nhiều người cho rằng sau tiêm vắc xin không được uống nước dừa, điều này hoàn toàn sai vì nước dừa là thực phẩm thông thường, bạn không bị dị ứng thì hoàn toàn uống nước như các loại nước trái cây khác.

Tiêm vắc xin chỉ là 1 biện pháp phòng chống dịch, người tiêm đủ hai mũi vẫn có thể mắc bệnh vì vậy dù bạn đã tiêm vẫn cần tuân thủ nguyên tắc phòng dịch đúng - BS Nam Anh khuyến cáo.

K.Chi

Từ khóa:  tiêm vắc xin
Cùng chuyên mục
XEM