Thuyền buồm sẽ là tương lai của ngành công nghiệp vận tải biển?

25/08/2022 14:35 PM | Kinh doanh

Các gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại hàng hải đang đẩy mạnh đầu tư trang bị và đóng mới các tàu khai thác năng lượng gió, trong nỗ lực đáp ứng các mục tiêu về tiêu chuẩn môi trường và khí thải.

Vào khoảng 3500 năm trước Công nguyên, những người lính thủy Ai Cập đã treo sậy dệt trên tàu để đón gió đẩy thuyền dọc sông Nile, sau đó phát minh ra những chiếc thuyền buồm đầu tiên hỗ trợ giao thương đường biển. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp thời hiện đại cũng đang áp dụng phát minh cổ xưa này để giải quyết bài toán phát thải khí nhà kính của thế kỷ 21.

Theo Bloomberg, các gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại hàng hải đang đẩy mạnh đầu tư trang bị và đóng mới các tàu khai thác năng lượng gió, trong nỗ lực đáp ứng các mục tiêu về tiêu chuẩn môi trường và khí thải. Từ những con diều khổng lồ kéo tàu chở hàng, buồm bơm hơi đến những cánh quạt quay tròn tạo lực nâng, số lượng các con tàu thương mại chạy bằng sức gió được dự báo sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2023.

Hiện một số hãng vận tải lớn trên toàn cầu, bao gồm Cargill , Maersk Tankers và Mitsui, đang “đón đầu” và đặt cược vào công nghệ gió, song song với mục tiêu toàn ngành là cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính từ các tàu thương mại vào năm 2050 so với hồi năm 2008.

“Chúng tôi cảm nhận được rõ nỗi áp lực khi buộc phải thay đổi. Sau một vài năm gián đoạn, giờ đây, mọi người đều quan tâm đến năng lượng gió. Chúng tôi thấy xu hướng này đang chuyển động, song sẽ mất rất nhiều thời gian đấy”, Christopher Palsson, giám đốc điều hành của Maritime Insight, một công ty tư vấn trong ngành, cho biết.

Thuyền buồm sẽ là tương lai của ngành công nghiệp vận tải biển? - Ảnh 1.

Hiện một số hãng vận tải lớn trên toàn cầu, bao gồm Cargill , Maersk Tankers và Mitsui, đang “đón đầu” và đặt cược vào công nghệ gió.

Đến cuối năm nay, 25 con tàu thương mại, trong đó có 7 chiếc được bàn giao vào năm 2022, sẽ áp dụng sáng kiến năng lượng gió, theo tổ chức thương mại International Windship Association. Đến cuối năm 2023, con số này sẽ tăng gần gấp đôi, lên 49 tàu.

Bất chấp dịch COVID-19, một số đơn đặt hàng hoặc giao hàng cao cấp đã được thực hiện trong suốt 18 tháng qua. Công ty Airseas, được thành lập bởi các cựu kỹ sư hãng hàng không vũ trụ khổng lồ Airbus SE, đã lắp đặt một cánh diều khổng lồ cho con tàu Louis Dreyfus Armateurs SAS. Airseas cho biết thiết bị này sẽ giúp cắt giảm chi phí nhiên liệu vận chuyển và lượng khí thải nhà kính xuống trung bình 20%, tương đương 10.000 tấn CO2 hàng năm.

Vào tháng 7, một công ty vận tải biển Nhật Bản có tên Kawasaki Kisen Kaisha Ltd. (K Line) đã ký hợp đồng lắp đặt 50 chiếc buồm Airseas cho đội tàu khoảng 420 chiếc của mình. “Khai thác năng lượng gió là một trong những nỗ lực quan trọng trong chiến lược của chúng tôi để hiện thực hóa tham vọng Net Zero vào năm 2025”, Michitomo Iwashita, giám đốc điều hành K Line, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Cùng lúc đó, tập đoàn kinh doanh hàng hóa khổng lồ Cargill Inc. cũng sẽ lắp đặt thử nghiệm 2 cánh buồm gió lớn cho con tàu sân bay dài 751 feet, tương đương chiều dài của 2 sân bóng đá tiêu chuẩn Mỹ. Theo Cargill, các cánh buồm này có thể giúp cắt giảm lượng khí thải trên một con tàu đóng mới tới 30%, tương đương khoảng 6.400 tấn CO2 mỗi năm. Theo Jan Dieleman, chủ tịch mảng vận tải viễn dương của Cargill, hãng này đang lên kế hoạch cho con tàu vận hành thương mại trong tối đa 6 tháng sau khi nhận bàn giao vào quý đầu tiên của năm 2023. Nếu quá trình thử nghiệm thành công, Cargill sẽ trang bị thêm 10 con tàu nữa.

Thuyền buồm sẽ là tương lai của ngành công nghiệp vận tải biển? - Ảnh 2.

Thiết bị buồm của Airseas sẽ giúp cắt giảm chi phí nhiên liệu vận chuyển và lượng khí thải nhà kính xuống trung bình 20%, tương đương 10.000 tấn CO2 hàng năm.

“Cắt giảm CO2 rất quan trọng đối với chúng tôi. Đó là thách thức lớn nhất mà toàn ngành đang phải đối mặt,”, Dieleman nói. “Nếu thực sự muốn thay đổi, bạn cần phải sử dụng nhiên liệu gió không phát thải. Đó là nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện”.

Theo Bloomberg, tàu biển vận chuyển 90% lượng hàng hoá thương mại trên thế giới, đồng thời tạo ra 3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, tương đương khoảng 1 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Chính vì vậy, Tổ chức Hàng hải Quốc tế, cơ quan của Liên hợp quốc quản lý ô nhiễm không khí do vận chuyển, đã thông qua các biện pháp bắt buộc để giảm khí nhà kính. Bắt đầu từ ngày 1/1, các tàu trên 400 tấn phải đáp ứng các tiêu chuẩn năng lượng nhất định, đồng thời tuân thủ một số biện pháp kỹ thuật để lượng khí thải ra chỉ trong mức cho phép. Các tàu sẽ cần phải đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn để tiếp tục giao thương trên toàn cầu.

Cùng với việc tập trung cắt giảm đáng kể lượng khí thải, ngành vận tải biển trên toàn cầu có thể sẽ phải đối mặt với sự dịch chuyển lớn trong vài thập kỷ tới. Đây được cho là sự thay đổi đáng kể kể từ cuối thế kỷ 19, khi các tàu thương mại vận hành bằng sức gió mất đi sự ưu ái trong cuộc cách mạng công nghiệp.

Theo: Bloomberg Businessweek

Chủ tịch HoREA: Các doanh nghiệp BĐS vẫn rất khó tiếp cận tín dụng

Vũ Anh

Từ khóa:  thuyền
Cùng chuyên mục
XEM