Thủy Tiên khóc khi bị tố từ thiện không 'minh bạch': LS khuyên đưa vụ việc ra pháp luật nếu thấy oan ức, bị xúc phạm

05/09/2021 19:57 PM | Xã hội

Theo luật sư Cường, nếu Thủy Tiên thực sự cảm thấy bị oan ức, bị làm nhục, bị xúc phạm, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm uy tín và đời sống thì nên sớm công khai các thông tin sao kê tài khoản một cách chi tiết, đưa vụ việc ra pháp luật.

Nữ ca sĩ Thủy Tiên trong một lần rút tiền làm từ thiện. Ảnh: FB.
Nữ ca sĩ Thủy Tiên trong một lần rút tiền làm từ thiện. Ảnh: FB.

Thời gian qua, có khá nhiều nghệ sĩ bị vướng vào loạt lùm xùm xoay quanh chuyện quyên góp và xử lý tiền từ thiện, gây xôn xao dư luận, tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Gần đây nhất, ca sĩ Thủy Tiên bật khóc trên livestream với nguyên nhân là những lời tố cáo vợ chồng cô không minh bạch, 'ăn chặn' tiền quyên góp cho người dân vùng lũ lụt ở miền Trung.

Nếu từ thiện bằng cái tâm, từ tiền, tài sản của mình thì người ta ít ồn ào

Theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) nói, những nghi ngờ đồn đoán trên mạng xã hội chỉ là những thông tin dư luận, chưa được xác thực, chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu để sự việc kéo dài thì những vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến đạo đức xã hội, đang có nguy cơ gây ra mất đoàn kết, xung đột giữa các hội nhóm, làm giảm lòng tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế.

Còn để kết luận đúng hay sai thì cần phải để cơ quan chức năng vào cuộc xác minh mới có tính chính xác, có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định.

Về góc độ pháp lý trong vụ việc của nữ ca sĩ Thủy Tiên, luật sư Cường cho hay, nếu không có đơn tố cáo hoặc cơ quan chức năng không tiến hành xác minh tin báo thì không bao giờ dư luận biết được sự việc đúng hay sai.

Theo quy định của pháp luật, nếu một trong hai bên có đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu hình sự như: vu khống, xâm phạm trái phép vào tài khoản ngân hàng hoặc xâm phạm bí mật đời tư cá nhân hoặc lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân hoặc tố cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh.

Ngoài ra, trường hợp hai bên đều không có đơn tố cáo nhưng vụ việc được đưa lên báo chí, dư luận, mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu, cơ quan điều tra vẫn sẽ vào cuộc mà không cần phải có đơn thư trình báo tố giác tội phạm.

 Thủy Tiên khóc khi bị tố từ thiện không minh bạch: LS khuyên đưa vụ việc ra pháp luật nếu thấy oan ức, bị xúc phạm - Ảnh 1.

Thủy Tiên trong một lần ra hỗ trợ đồng bào vùng mưa lũ miền Trung.

Chậm công khai, giải thích, không đưa sự việc ra pháp luật thì càng mất uy tín

Nêu thêm quan điểm, luật sư Cường cho rằng, nếu Thủy Tiên thực sự cảm thấy bị oan ức, bị làm nhục, bị xúc phạm, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm uy tín và đời sống thì nữ ca sĩ nên đưa vụ việc ra pháp luật, sớm công khai tất cả các thông tin sao kê tài khoản từ thiện cũng như các khoản chi phí một cách chi tiết, có văn bản, có tính hệ thống, giải trình đầy đủ những câu hỏi thắc mắc của dư luận cho những người đã đóng góp tiền.

"Cô ấy phải đưa việc ra pháp luật, cơ quan điều tra mới có căn cứ vào cuộc xác minh làm rõ và kết luận đúng, sai. Nếu thực sự ca sĩ này hoàn toàn trong sạch thì chỉ có cách làm như vậy cứu vãn được danh dự, uy tín và xử lý những người đã vu khống cô", luật sư Cường nói.

Ông phân tích trường hợp chậm công khai thông tin sao kê, chậm giải thích các nghi ngờ của dư luận và không đưa sự việc ra pháp luật sẽ khiến nhiều người tin vào sự không minh bạch, tin vào những tố giác trên mạng rằng Tiên đã 'ăn chặn' từ thiện, từ đó gây tiền lệ xấu.

"Làm từ thiện bằng cái tâm, từ tiền, tài sản của mình thì người ta ít ồn ào, không hay đánh bóng tên tuổi. Thực tế cho thấy nhiều người từ thiện bằng tiền của người khác, kêu gọi người khác đóng góp ủng hộ nhưng lại thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội, trên báo chí một cách rầm rộ để đánh bóng tên tuổi, thậm chí vì lòng tham có thể chiếm đoạt số tiền mà các mạnh thường quân gửi gắm", luật sư Cường bày tỏ.

Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM