Thương vụ trao đổi Pjanic – Arthur: Nghệ thuật làm đẹp báo cáo tài chính của Barcelona và Juventus

06/07/2020 10:53 AM | Kinh doanh

Không chỉ đơn thuần là đổi cầu thủ cho nhau, cả Juventus và Barcelona đều ngay lập tức có khoản lợi nhuận 60 triệu EUR sau thương vụ này.

Cách đây vài ngày, Barcelona và Juventus đã thực hiện thương vụ "trao đổi" cầu thủ với giá trị được cho là khá cao trong thời kỳ Covid-19: Juventus nhận về Arthur Melo – cầu thủ 23 tuổi người Brazil với giá 80 triệu EUR; trong khi Barcelona trả 70 triệu EUR để sở hữu Miralem Pjanic – cầu thủ người Bosnia đã 30 tuổi.

Nói một cách đơn giản, đây là một thương vụ trao đổi cầu thủ mà Juventus chỉ phải trả thêm 10 triệu EUR, một cái giá quá hời cho một cầu thủ trẻ hơn tới 7 tuổi với trình độ tương đối cao, nhưng thực sự có phải như vậy?

Barcelona và Juventus là hai câu lạc bộ bóng đá hàng đầu không chỉ tại Tây Ban Nha và Italia, mà còn cả ở khu vực châu Âu và trên thế giới. Trong những năm qua, Barcelona và Juventus đều đã thực hiện một loạt thương vụ bom tấn mua về những cầu thủ trị giá cả trăm triệu EUR.

Tuy nhiên, những thương vụ của cả Barcelona và Juventus gần đây đều không thực sự thành công về mặt sân cỏ (trừ Ronaldo và một phần nào đó là Frenkie de Jong), dẫn đến việc thành tích tập thể đều sa sút và kéo theo hệ quả là nguồn thu cũng bị ảnh hưởng phần nào.

Trong khi đó, những mức lương cao ngất trời với những cầu thủ nổi tiếng mới đưa về khiến các loại chi phí của hai câu lạc bộ tăng cao chóng mặt. Mặc dù doanh thu của câu lạc bộ vẫn tăng, tuy nhiên mức tăng này lại thấp hơn so với mức tăng các loại chi phí; Barcelona là một trong hai câu lạc bộ trả nhiều tiền lương nhất tại Tây Ban Nha, bên cạnh Real Madrid.

 Thương vụ trao đổi Pjanic – Arthur: Nghệ thuật làm đẹp báo cáo tài chính của Barcelona và Juventus  - Ảnh 1.

 Thương vụ trao đổi Pjanic – Arthur: Nghệ thuật làm đẹp báo cáo tài chính của Barcelona và Juventus  - Ảnh 2.

Mặc dù doanh thu của câu lạc bộ tăng mạnh, nhưng chi phí mà Barcelona bỏ ra thậm chí còn lớn hơn (Ảnh: Báo cáo tài chính Barcelona, ngày 30/6/2019)

Với Juventus, dù không chi nhiều tiền cho chuyển nhượng, nhưng những thương vụ "miễn phí" với Aaron Ramsey hay Adrien Rabiot (mức lương dành cho hai cầu thủ này vào khoảng 250,000 EUR/ tuần) cũng khiến chi phí của câu lạc bộ này đội lên rất nhiều. Mặc dù không mất phí chuyển nhượng, nhưng những thương vụ này khiến số tiền lương chi trả cho cầu thủ cũng như tiền hoa hồng người đại diện ở mức cao khủng khiếp; điều này lý giải cho việc chi phí trả lương nói riêng và chi phí hoạt động của cả câu lạc bộ Juventus tăng cao đáng kể trong mùa giải 2019 – 2020.

Cộng thêm ảnh hưởng từ dịch Covid khiến cho doanh thu từ việc bán vé, các loại dịch vụ trên sân... mất đi trong 3 tháng qua, cả hai câu lạc bộ đều gặp khó khăn về mặt tài chính dù đều có những cam kết cắt giảm thu nhập từ các cầu thủ.

6 tháng đầu năm 2020, Juventus lỗ hơn 50 triệu EUR - giảm 58 triệu EUR so với cùng kỳ năm ngoái; Barcelona dù chưa công bố nhưng cũng trong trạng thái không khác nhiều so với Juventus.

 Thương vụ trao đổi Pjanic – Arthur: Nghệ thuật làm đẹp báo cáo tài chính của Barcelona và Juventus  - Ảnh 3.

Do ảnh hưởng của Covid, Juventus lỗ tới 50 triệu EUR trong nửa đầu năm 2020 (Ảnh: Báo cáo tài chính của Juventus nửa đầu mùa giải 19 - 20)

Tuy nhiên, thương vụ trao đổi cầu thủ của hai đội có thể thay đổi những điều đó, dù chỉ trên sổ sách.

Khi một cầu thủ được mua về, chi phí để mua cầu thủ đó được khấu hao dần qua các năm, nhưng lợi nhuận từ việc việc bán cầu thủ được ghi nhận ngay lập tức. Sở dĩ có điều này là vì các câu lạc bộ coi cầu thủ như một loại tài sản, do đó chi phí mua bán sẽ không được ghi nhận ngay lập tức trong năm mà sẽ được chia đều cho tới hết hợp đồng.

 Thương vụ trao đổi Pjanic – Arthur: Nghệ thuật làm đẹp báo cáo tài chính của Barcelona và Juventus  - Ảnh 4.

Bảng tính toán lợi nhuận của Barcelona (Ảnh: SwissRamble)

Arthur được Barcelona mua vào tháng 7/ 2018 với giá 30 triệu EUR và đưa cho anh một bản hợp đồng 6 năm, tương ứng với mức khấu hao 5 triệu EUR mỗi năm. Như vậy đến năm 2020, giá trị của anh này trên sổ sách là 20 triệu EUR. Như vậy việc bán được Arthur với giá 80 triệu EUR đem lại cho Barcelona khoản lợi nhuận là 60 triệu EUR (trong đó không tính tới các chi phí biến đổi được dự tính khoảng 9 triệu EUR).

Tương tự với Juventus, họ mua Pjanic trong năm 2016 với giá 35 triệu EUR và ký hợp đồng 5 năm, tương ứng với mức khấu hao 7 triệu EUR mỗi năm. Tới năm 2018, Juventus đưa cho anh một bản hợp đồng gia hạn tới năm 2023, làm giá trị khấu hao của cầu thủ này giảm xuống còn 4.2 triệu EUR/ năm (21 triệu EUR còn lại chia cho 5 năm). Như vậy tính tới thời điểm giao dịch giữa 2 câu lạc bộ diễn ra, giá trị sổ sách của Pjanic rơi vào khoảng 13 triệu EUR. Như vậy, với mức giá bán là 70 triệu EUR, Juventus sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận bán cầu thủ là 57 triệu EUR, gần tương đương với Barcelona.

 Thương vụ trao đổi Pjanic – Arthur: Nghệ thuật làm đẹp báo cáo tài chính của Barcelona và Juventus  - Ảnh 5.

Bảng tính toán lợi nhuận của Juventus (Ảnh: SwissRamble)

Cách làm này có thể giúp hai câu lạc bộ ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ việc bán cầu thủ trong năm nay.

Nhưng giao dịch này đồng nghĩa với việc khấu hao trong những năm tới tăng lên do mua mới với giá cao. Giả sử Pjanic và Arthur cùng ký hợp đồng 5 năm với 2 câu lạc bộ, mức khấu hao sẽ lần lượt là 14 và 16 triệu EUR/ năm, cao gấp ba lần so với mức khấu hao cũ của hai cầu thủ này.

Nếu trong những năm tới, hai đội không có doanh thu đột biến để bù lại khoản chi phí khấu hao này, họ sẽ phải rất đau đầu với luật Công bằng tài chính của UEFA. Riêng với Juventus, với cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán tại Italia, việc lợi nhuận thấp hoặc ở mức âm có thể dẫn đến việc giá cổ phiếu suy giảm mạnh, hoặc tệ hơn là họ có thể bị hủy niêm yết.

Trong khi đó với Barcelona, việc sở hữu một đội hình gồm nhiều cầu thủ từ 30 tuổi trở lên sẽ khiến cho quá trình tái cấu trúc của họ trở nên vô cùng khó khăn trong tương lai. Khi ấy, với thành tích thi đấu bết bát, doanh thu từ các giải đấu, từ việc bán vé cũng như đồ lưu niệm sẽ còn khó khăn hơn; và từ đây sẽ lại dẫn đến một bài toán khác đau đầu hơn về tài chính cho ban lãnh đạo câu lạc bộ này.

Như vậy có thể thấy, trên sổ sách, cả hai câu lạc bộ cùng có mức lợi nhuận khoảng 60 triệu EUR từ việc trao đổi hai cầu thủ. Đây là lý do tại sao cả hai đội bóng này lại kiên định với việc trao đổi hai cầu thủ này đến vậy.

Trên thực tế, Barcelona chỉ lãi khoảng 10 triệu EUR (có thể thêm 5 triệu EUR cho các thành tích sau này), tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, tại sao họ lại đổi một cầu thủ mới 23 tuổi và còn nhiều tiềm năng như Arthur lấy một người đã 30 tuổi như Pjanic (dù rằng đây vẫn là một cầu thủ rất quan trọng với Juventus) để đổi lại tối đa là 15 triệu EUR? Phải chăng họ thực sự đang có vấn đề về tài chính, với những yếu kém lộ ra do tác động lớn mà dịch Covid để lại?

(Bài viết tham khảo tư liệu của SwissRamble)

Phạm Tiến Đạt

Cùng chuyên mục
XEM