Thưởng Tết hậu hĩnh, tiêu xài thế nào để không lãng phí: Người trích 20% đi du lịch, người tiêu hết tiền thưởng để tết trọn an vui
Thưởng Tết là một trong những khoản thu nhập quan trọng của những người "làm công ăn lương". Được thưởng Tết đúng như mong muốn, các bạn trẻ tự lên những kế hoạch chi tiêu tối ưu nhất, tránh lãng phí.
Những ngày cuối năm, thưởng Tết là một trong những điều mà người lao động mong chờ nhất. Tùy vào ngành nghề, thời gian làm việc cũng như những nỗ lực đóng góp, mỗi người sẽ nhận được một khoản thưởng Tết khác nhau. May mắn được thưởng Tết như ý muốn, người lao động lên kế hoạch chi tiêu thông minh để tránh lãng phí, đặc biệt là những người đã có gia đình.
Luôn lên kế hoạch rõ ràng
Là kỹ sư phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) tại một công ty lớn, anh Nguyễn Tuấn Anh (25 tuổi ) năm nay được thưởng Tết khoảng 2 tháng lương. Vốn là thu nhập chính trong gia đình nên anh lên kế hoạch sử dụng tiền thưởng Tết sao cho tối ưu nhất. "Với tôi, thưởng tết là khoản thưởng cho bản thân sau 1 năm cố gắng làm việc. Vậy nên tôi dùng chủ yếu để sắm tết cho bản thân, gia đình và chi phí cho du xuân đầu năm", anh nói
Anh Nguyễn Tuấn Anh dành 20% thưởng Tết cho kế hoạch du xuân để thỏa mãn đam mê khám phá
Theo kế hoạch, anh Tuấn Anh sẽ dùng 50% để mua sắm tết cho gia đình, bao gồm mua quà tết, mua quần áo mới, đưa mẹ sắm tết cũng như các khoản mừng thọ, lì xì. Anh đặc biệt dùng 20% cho chi phí du xuân như một phần thưởng cho bản thân cũng như dành nhiều thời gian cho anh em, bạn bè. Còn lại 30% anh để tiết kiệm. "Trong năm tôi thường trích một phần thu nhập cá nhân để đầu tư những lĩnh vực mà bản thân quan tâm. Vậy nên, tiền thưởng Tết năm nay thay vì đầu tư, tôi sẽ dùng để tiết kiệm. Vài tháng sau Tết tôi có kế hoạch sửa nhà", Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng như Tuấn Anh, chị Trần Thanh Trúc, 38 tuổi, hiện làm trưởng phòng nhân sự tại một công ty bảo hiểm cũng lên kế hoạch chi tiêu cho thưởng Tết từ rất sớm. "Có thể nói năm vừa qua là một năm công việc thuận lợi của minh. Mình được thăng chức từ giữa năm, luôn vượt KPI cũng như được tuyên dương nhiều. Thưởng Tết của mình vào khoảng 5 tháng lương nên mình lên kế hoạch chi tiêu từ sớm, tránh lãng phí một khoảng lớn như vậy", chị Trúc chia sẻ.
Là người phụ nữ của gia đình, chị khá chi ly trong chi tiêu, đặc biệt là ngày Tết, sao cho nhà cửa gọn gàng mà vẫn yên bề của cả 2 bên nội ngoại. Chị dành 30% tiền thưởng Tết cho việc mua sắm đồ Tết, quà biếu ông bà nội ngoại và tiền lì xì. Đây là khoản chi bắt buộc nên chị cũng không quá lăn tăn. Do thưởng Tết năm nay cao hơn năm trước nhiều nên chị Trúc cũng có điều kiện để báo hiếu cha mẹ nhiều hơn. 30% chị dùng cho chuyến du xuân của gia đình sau Tết.
Lên kế hoạch mua sắm chi tiết cho ngày Tết (ảnh minh họa)
"Vợ chồng mình đều rất bận rộn, hầu như không có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Nhất là chồng mình thường phải đi công tác nên Tết là dịp gắn kết tình cảm. Gia đình mình dự định sẽ du lịch khoảng 3-4 ngày", chị Trúc nói.
40% thưởng Tết còn lại chị dùng cho việc tiết kiệm. Cùng với khoản thưởng Tết của chồng và khoản tiết kiệm của hai vợ chồng trong suốt vài năm, sang năm tới gia đình chị Trúc dự định sẽ chuyển sang một căn hộ mới để thuận tiện hơn cho công việc của hai vợ chồng và việc đi học cấp 3 của con trai lớn.
Trọn vẹn một dịp Tết bình an
Không lên kế hoạch quá chi tiết như chị Trúc, chị Nguyễn Thiên Thảo (26 tuổi, Hà Nội) trưởng phòng media tại công ty truyền thông quảng cáo được thưởng Tết 15 triệu đồng. Đây không phải con số quá lớn nhưng cũng đủ để chị lo cho gia đình một cái Tết trọn vẹn. "Năm nay là một năm khá đặc biệt của mình, mình vừa kết hôn và cũng vừa được thăng chức. Đây là năm đầu tiên mình được đón Tết với gia đình chồng nên mình muốn lo mọi việc chu toàn nhất có thể. Mình dành trọn tiền thưởng Tết cho việc chi tiêu ngày Tết", chị Thiên Thảo bộc bạch.
"Nàng dâu mới" chỉ muốn toàn tâm lo cho một dịp Tết trọn vẹn
Những ngày giáp Tết này, chị Thảo đã cùng chồng phụ giúp gia đình mua sắm đồ Tết. Chị cũng tỉ mỉ chọn quà Tết cho các thành viên trong gia đình. "Vì đặc thù công việc nên mình khá nhạy bén với các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, mình thường "săn" các mã giảm giá nên mua được khá nhiều đồ Tết, quà tặng với giá hời. Mình cũng tính toán để chuẩn bị một khoản tiền biếu người trên và lì xì trẻ con gia đình hai bên", 9x vui vẻ chia sẻ.
Cũng như Thiên Thảo, Anh Trần Văn Đạt (28 tuổi, quê Thái Bình) hiện đang làm kỹ sư cơ khí tại Thạch Thất, Hà Nội cũng cho biết mình được thưởng hơn 18 triệu cho Tết này. Anh dành ra 9 triệu đồng đưa cho vợ để vợ toàn quyền sắp xếp việc mua sắm cho gia đình. Phần còn lại anh dùng để sửa chữa căn nhà ở dưới quê cho bố mẹ. Đây cũng là việc cả hai vợ chồng đã lên kế hoạch từ trong năm nhưng do có quá nhiều khoản phát sinh nên chưa thực hiện được.
Tết là một dịp tốt để anh báo hiếu cha mẹ. Hơn một tháng trước Tết anh đã vay trước của bạn bè để sửa nhà cho bố mẹ kịp đón Tết, nhận thưởng Tết anh liền trả lại ngay để tránh dây dưa năm sau.
Tết là một dịp tốt để báo hiếu cha mẹ (ảnh minh họa)
Thưởng Tết suy cho cùng vẫn là một trong những khoản thu nhập quan trọng của mỗi người lao động. Chính vì vậy, được thưởng Tết đúng như mong muốn, mọi người nên có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí.