Thương mại song phương Việt Nam - Lào hướng đến 2 tỷ USD
Với tiềm năng lớn, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào không chỉ tăng trưởng ở mức độ 10%-15%/năm mà còn hướng đến sự phát triển ổn định bền vững.
Từ đầu năm 2021 trở lại đây, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự gắn kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng DN hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Lào ngày càng khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ. Với tiềm năng phát triển còn rất lớn, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào không chỉ tăng trưởng ở mức độ 10%-15%/năm mà còn hướng đến phát triển ổn định bền vững.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào đã phát triển nhanh chóng kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962. Mối quan hệ đó có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, đầu tư, kinh doanh và phát triển của DN hai nước. Tăng trưởng kinh tế, thương mại hai chiều không chỉ tạo ra không gian kinh tế với sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn, mà còn là cơ hội đẩy mạnh sự giao lưu giữa hai nền văn hóa, củng cố vững chắc mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.
Hai bên đã chính thức ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào (tháng 3/2015) và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào (tháng 6/2015) nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước. Ngoài ra, hệ thống chợ biên giới tạo điều kiện cho giao thương giữa các địa phương biên giới, mở ra những cơ hội hợp tác, khai thác thế mạnh của nhau.
Bộ trưởng Bộ Công thương Lào Malaythong Kommasith cho biết, trong những năm qua, hai Đảng - hai Nhà nước luôn quan tâm hợp tác kinh tế, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đưa đất nước phát triển ổn định, kinh tế vững mạnh, dân giàu và tiến bộ.
“Dù ở thời điểm nào cả hai nước Lào và Việt Nam đều quan tâm tới quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại của hai nước ngày càng vững mạnh, phát triển hơn nữa trên nhiều cấp độ. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Lào” Bộ trưởng Malaythong Kommasith nhấn mạnh.
Việt Nam và Lào gần gũi về địa lý, có ưu thế về thuận tiện giao thông, cũng như gần gũi về văn hóa và tiêu dùng. Hai nước có chung đường biên giới dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu…
Thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Các thuận lợi khác như thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt thị trường Lào luôn được đánh giá là cửa ngõ quan trọng để DN Việt Nam phát triển thị trường vào các nước ASEAN.
Thời gian qua, Chính phủ hai nước, hai Bộ Công thương và các tỉnh giáp biên có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho DN của hai nước. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm hạn chế khiến thương mại Việt Nam - Lào chưa phát triển tương xứng, như chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Hơn nữa, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.
Nhận thấy tiềm năng phát triển thương mại giữa hai nước vẫn còn rất lớn, Bộ Công Thương hai nước đã đưa ra định hướng hợp tác phát triển, như tập trung vào các vấn đề rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn kiện đã ký kết; đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào; tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông; phát triển nguồn nhân lực; phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại…
“Bộ Công Thương hai nước đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng thương mại từ 10%-15%/năm. Để đạt mục tiêu trên, hai bên đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, kinh doanh, sản xuất Việt Nam và Lào gặp gỡ trao đổi mua bán hàng hóa, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác và cùng nhau đưa ra những ý tưởng, sáng kiến về mô hình kinh doanh mới”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaythong Kommasith cho biết.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, hợp tác kinh tế đã trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ Việt - Lào và đang trên đà phát triển hiệu quả hơn. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, mối quan hệ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại là hết sức quan trọng và cần phát huy. Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Lào sau Trung Quốc và Thái Lan, các công ty Việt Nam tham gia vào gần 260 dự án đang hoạt động với tổng số vốn cam kết là gần 5,4 tỷ USD. Chính phủ Việt Nam và Lào mong muốn tăng giá trị thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong tương lai gần bằng cách tối đa hóa tiềm năng hợp tác thương mại mà hai nước có thể mang lại. “Đảng, Chính phủ Việt Nam - Lào luôn luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế lên mức độ cao hơn nữa để tương xứng với mối quan hệ chính trị - ngoại giao hết sức tốt đẹp”, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết.
Với những cơ chế thuận lợi, chính sách thông thoáng, ưu đãi từ các hiệp định thương mại cùng sự quan tâm của lãnh đạo hai nước. Chắc chắn rằng, tăng trưởng thương mại Việt Nam – Lào sẽ đạt mục tiêu đề ra trong năm nay và những năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam ngày càng bền vững.
Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 1.632,2 triệu USD, tăng 18,9% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 600,4 triệu USD, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào tăng 32,6% so với năm 2021.
Lũy kế đến hết tháng 7/2023, kim ngạch thương mại Việt - Lào đạt 959 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp tục đà phát triển này, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm nay sẽ cao hơn năm ngoái.
Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Lào gồm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chính sang Lào gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ...