Thương mại song phương Việt Nam-Campuchia hướng mục tiêu trên 10 tỷ USD

03/06/2022 21:48 PM | Kinh tế vĩ mô

Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Campuchia năm 2020 đạt trên 5 tỷ USD, năm 2021 trên 9 tỷ USD; riêng trong quý I/2022 đã đạt gần 3,4 tỷ USD, dự kiến trong năm 2022 có thể đạt trên 10 tỷ USD.

Ngược dòng lịch sử 55 năm về trước (24/6/1967 - 24/6/2022), Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Trên nền tảng quan hệ lịch sử lâu đời và từ cuộc đấu tranh chống thực dân, việc thiết lập quan hệ ngoại giao đã tạo đà cho mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại. Đây được coi là điểm sáng trong mối quan hệ giữa hai nước, góp phần quan trọng thúc đẩy hai nước ngày càng phát triển và thịnh vượng.

Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, cả Việt Nam - Campuchia đều phải căng mình đối phó và ngăn chặn đại dịch, nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2020 đạt trên 5 tỷ USD, năm 2021 trên 9 tỷ USD; riêng trong quý I/2022 đã đạt gần 3,4 tỷ USD, dự kiến trong năm 2022 có thể đạt trên 10 tỷ USD.

Lý giải nguyên nhân khiến kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng, nguyên nhân chính là nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Campuchia – Việt Nam.

“Kim ngạch thương mại giữa Campuchia – Việt Nam tăng mạnh do Campuchia có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hàng hóa Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam vẫn tăng hơn 300%. Vì vậy, có thể nói kinh tế giữa các nước láng giềng có thể bổ sung cho nhau”, Thủ tướng Hun Sen nói.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Chính phủ hai nước đã thỏa thuận xây dựng và thực hiện cơ chế mở cửa thông thoáng cho các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch liên quốc gia, hợp tác lao động, thủ tục hải quan, xuất, nhập cảnh và các quy chế về thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường của nhau.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp về đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, tổ chức các diễn đàn, tham gia hội chợ, xúc tiến thị trường tại Campuchia và Việt Nam; đa dạng hóa các hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia và ngược lại.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 190 dự án đầu tư có hiệu lực tại Campuchia, với tổng số vốn đăng ký khoảng gần 3 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia. Trong đó chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp (chiếm gần 70% tổng số vốn đăng ký), còn lại là các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn, bất động sản và các dịch vụ khác. Theo chiều ngược lại, Campuchia hiện có 21 dự án đang đầu tại Việt Nam với số vốn dao động trong khoảng 64 triệu USD.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Chí Thành, Trưởng phòng Kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Ví dụ, trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục hành chính còn phức tạp, chưa có sự thống nhất từ Trung ương xuống địa phương; công tác hỗ trợ, định hướng cho các hoạt động của doanh nghiệp còn rời rạc và thiếu liên kết.

Theo ông Vũ Chí Thành, để tăng cường và đảm bảo hiệu quả hợp tác song phương, hai hai bên cần thực hiện một số điểm các giải pháp, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại.

“Thứ nhất, cần đảm bảo thông thương hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thương mại biên giới. Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối doanh nghiệp. Thứ ba, Việt Nam nên có kế hoạch đầu tư trọng điểm để biến Campuchia thành một trung tâm gia công và cung cấp nguyên vật liệu cho Việt Nam theo mô hình 1+1, nhằm tận dụng lợi thế so sánh về quỹ đất lớn và lao động của Campuchia. Thứ tư, tăng cường kết nối kinh tế giữa các tỉnh giáp biên hai nước, xây dựng các kho ngoại quan trên khu vực cửa khẩu biên giới để đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời”.

Trong thời gian tới, Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, nhằm tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của mỗi nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa.

Theo Văn Đỗ, Phùng Kiên

Cùng chuyên mục
XEM