Sự thật chiếc máy bay chở 20 tỷ euro: Thế giới đã bị lừa!

07/10/2013 10:14 AM | Marketing

Toàn bộ câu chuyện rùm beng này chỉ là một chiến dịch quảng cáo.

Nội dung nổi bật:

- Một tờ báo đưa tin: Nhiều năm trước Mỹ mua của Iran một lượng dầu mỏ lớn nhưng không thể thanh toán tiền mặt, buộc phải gửi máy in tiền sang Iran và họ đã in được 6.000 tỷ USD. 

Tuy nhiên do căng thẳng Mỹ và Iran, Iran chỉ còn nhận được 3.000 tỷ USD và buộc phải chuyển sang đồng euro, thực hiện tại Đức. Số tiền này đi qua 27 nước và sân bay Sheremetyevo tiếp nhận 20 tỷ euro.

- Nhiều điểm phi lý được đưa ra: logo sân bay, người ký nhận. Tính đến 1/1/1993, toàn bộ số đô-la Mỹ trên khắp thế giới chỉ là 10.304 tỷ, 20 tỷ euro phải nặng đến 200 tấn trên thế giới chỉ duy nhất một chiếc máy bay có khả năng chuyên chở một trọng lượng lớn như vậy,...

-  Toàn bộ câu chuyện chỉ là một chiến dịch quảng cáo để quảng cáo cho một bộ phim Hollywood hoặc 1 cuốn sách nào đó. Và sân bay Sheremetyevo được chọn vì thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới gắn liền với tên tuổi Edward Snowden.



Theo bài báo đó, nhiều năm trước, Mỹ mua của Iran một lượng dầu mỏ lớn đến mức không thể chở tiền mặt đến để thanh toán được. Mỹ buộc phải quyết định gửi máy in tiền đến thủ đô Tehran của Iran cùng với 2 quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Họ đã in được 6.000 tỷ USD. Vào năm 1992, quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng, nên Mỹ quyết định vô hiệu hoá tất cả số tiền, tuyên bố đó chỉ là “giấy lộn”.

Tuy nhiên, sau những cuộc thương lượng gay go có sự tham gia của một vài nước châu Âu, Mỹ cho phép Iran dùng số tiền nói trên, nhưng buộc phải đổi sang đồng euro. Hợp đồng đó được thực hiện tại Đức. Trong quá trình chuyển đổi, Iran bị thiệt nặng, chỉ nhận được lượng euro tương đương 3.000 tỷ USD. Tiếp đó, chính quyền Đức còn đòi Iran trong vòng 24 giờ phải chuyển toàn bộ tiền ra khỏi nước Đức. Và nơi số tiền đi qua là 27 nước, trong đó Nga, cụ thể là sân bay Sheremetyevo, tiếp nhận 20 tỷ euro.

Vậy đâu là sự thực? Phóng viên báo Nga Komsomolskaja Pravda (Sự thật Thanh niên) đã tìm hiểu vấn đề này.

Hóa đơn nhận hàng đáng ngờ

Điểm xuất phát câu chuyện nói trên là tờ hoá đơn nhận hàng của sân bay Sheremetyevo đề ngày 7/8/2007. Trên hoá đơn ghi rõ, vào ngày tháng nói trên, một chuyến hàng đã được đưa từ sân bay Frankfurt (Đức) tới sân bay Sheremetyevo. Chuyến hàng đó là 200 europalette (tấm lớn làm bằng gỗ, nhựa hoặc kim loại theo tiêu chuẩn châu Âu). Nhưng hoá đơn không ghi rõ thứ gì đặt bên trên các palette đó. Hoá đơn lại không có số cũng như không có những chi tiết quan trọng khác như chứng nhận của nhân viên hải quan, trọng lượng, kích thước hàng, tên kho chứa…

Các tấm palette chất đầy tiền
Các tấm palette chất đầy tiền.

Người ký hoá đơn nhận hàng là “Chủ tịch Viktor Ivanov”. Vào năm 2007 chỉ có một vị chủ tịch liên quan đến hàng không có họ tên như vậy. Đó là ông Viktor Ivanov, hiện giữ chức Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý Liên bang Nga và hồi năm 2007 là Trợ lý Tổng thống kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám đốc Hãng hàng không Aeroflot. Khó mà hình dung nổi một trợ lý tổng thống lại đứng ra nhận 20 tỷ euro tiền mặt.

Tờ hóa đơn còn cho thấy nhiều điều phi lý khác. Chẳng hạn, logo của sân bay Sheremetyevo vào năm 2007 khác với logo in trên hoá đơn. Logo này mãi về sau mới được sử dụng, tức là hoá đơn được soạn lập sau năm 2007.

  Tờ hoá đơn nhận hàng đáng ngờ
Tờ hoá đơn nhận hàng đáng ngờ.

Theo tác giả câu chuyện ly kỳ kể trên, việc Mỹ thanh toán tiền mua dầu mỏ của Iran diễn ra vào năm 2007 hoặc chỉ trước đó một thời gian ngắn, nếu tính cả thời gian thương lượng giữa 2 bên. Nhưng ai cũng biết Mỹ đã cắt đứt quan hệ với Iran từ năm 1979, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở nước này. Và đương nhiên, không thể có chuyện đến năm 1992 mới xảy ra mâu thuẫn giữa 2 nước. 

Ngoài ra, cũng theo tác giả câu chuyện, Iran dường như đã in được 6.000 tỷ USD. Nhưng các chuyên gia kinh tế khẳng định, cho tới ngày 1/1/1993, toàn bộ số đô-la Mỹ trên khắp thế giới chỉ là 10.304 tỷ mà thôi.

Không có loại máy bay như vậy

Sheremetyevo là sân bay thương mại, do đó, chẳng ai lại cho phép một chiếc máy bay đỗ suốt 6 năm tại đây. Hơn thế, tất cả nhà kho và bãi đỗ của sân bay đều thường xuyên dùng đến. Bởi vậy, nếu đỗ suốt 6 năm thì cước phí phải lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu euro.

Nhiều năm trước, Mỹ mua của Iran một lượng dầu mỏ lớn đến mức không thể chở tiền mặt đến để thanh toán được. Mỹ buộc phải quyết định gửi máy in tiền đến thủ đô Tehran của Iran cùng với 2 quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Họ đã in được 6.000 tỷ USD…

Theo tính toán của các chuyên gia, 20 tỷ euro phải nặng đến 200 tấn. Trên thế giới chỉ duy nhất một chiếc máy bay có khả năng chuyên chở một trọng lượng lớn như vậy. Đó là chiếc An-225 do Nga sản xuất hiện phục vụ một công ty Ukraine. Loại máy bay thông thường An-124 (cũng do Nga sản xuất) chỉ chuyên chở được tối đa 120 tấn; trên thế giới chỉ vẻn vẹn vài chục chiếc. 

Tất cả máy bay vận tải cỡ lớn nói trên đều thường xuyên được sử dụng, không thể có chuyện “thả neo” lâu đến thế. Nhưng cái chính là máy bay lớn như vậy không thể che giấu được, chắc chắn sẽ gây ra nhiều nghi vấn.

Như vậy, có thể khẳng định toàn bộ câu chuyện rùm beng này chỉ là một chiến dịch quảng cáo, quảng cáo cho một bộ phim bom tấn nào đó của Hollywood hoặc cho một cuốn sách nào đó với nhiều tình tiết ly kỳ, bí ẩn kiểu như tác phẩm của Dan Brown. Những kiểu quảng cáo tương tự gần đây được sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ gần đây nhất, có một… thây ma (zombie) đăng ký làm ứng viên. 

Con người-thây ma này thực hiện nhiều biện pháp tranh cử như chụp ảnh, bay trên máy bay, tham gia các hoạt động xã hội. Nhưng chỉ sau vài tuần, người ta đã biết đó là một diễn viên cải trang nhằm quảng cáo cho bộ phim truyền hình nhiều tập về zombie. Các hãng phim Nga cũng ngày càng sử dụng kiểu quảng cáo như vậy.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy câu chuyện về chiếc máy bay chở 200 tấn tiền mặt hoàn toàn là chuyện hư cấu. Không loại trừ khả năng nó được tung ra nhằm quảng cáo cho bộ phim “Quyền lực thứ năm” nói về Julia Assange. Đây là bộ phim kể về hàng tấn những chuyện vạch mặt khó tin, về Mỹ, về dầu mỏ, về các vụ bê bối, về những vụ âm mưu... 

Nhưng tại sao lại lôi kéo sân bay Sheremetyevo vào chuyện này? Đơn giản bởi vì cái tên Sheremetyevo đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới nhờ gắn liền với tên tuổi Edward Snowden, một trong những người kế tục Julia Assange.

Theo Vũ Việt

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM