Năm Ngọ nói về hãng siêu xe logo ngựa
Không có những chiếc xe nhanh nhất, mạnh nhất hay đắt nhất thế giới, nhưng hãng siêu xe mang logo chú ngựa Ferrari lại có những ấn tượng tuyệt vời về một phong cách Ý khó trộn lẫn.
Lịch sử Ferrari
Ferrari là một cái tên quen thuộc trong làng siêu xe thể thao thế giới. Màu đỏ đặc trưng, logo chú ngựa chồm lên đầy ngạo nghễ, một phong cách Ý thiên về cái đẹp khiến Ferrari đạt được những thành công rực rỡ.
Ferrari nhen nhóm từ thế chiến thứ 1, với phi cơ xuất sắc nhất của Italy là Francesco Baracca, người đã bay với hình chú ngựa đen vẽ trên máy bay của mình. Sau đó vào năm 1923, sau khi Enzo Ferrari vô địch cuộc đua trên chiếc Alfa Romeo tại Circuito del Savio ở Ravenna, anh đã được gợi ý sử dụng biểu tượng chú ngựa bởi nhà Baracca.
Ferrari khởi đầu vào năm 1929, do Enzo Ferrari (sinh năm 1898 và mất năm 1988) sáng lập ra. Sau này, chiếc Ferrari Enzo huyền thoại cũng ra đời để cả thế giới lưu danh người đặt viên gạch đầu tiên cho thương hiệu Ferrari.
Ban đầu, Ferrari là một công ty tài trợ cho các tay đua và các loại xe đua, và chưa phải là công ty sản xuất xe hơi. Khi đó, Enzo là tay đua của đội Alfa Romeo cho tới năm 1938.
Trong những năm từ 1940 tới 1943, Ferrari chuyển thành công ty chuyên sản xuất máy móc và phụ tùng cho máy bay, và sau đó có chiếc xe đua đầu tiên là Tipo 815 dưới cái tên Scuderia Enzo Ferrari Auto Corse (SEFAC).
Năm 1943, Ferrari chuyển nhà máy sản xuất từ Modena về Maranello, và năm 1944, nhà máy này bị đánh bom bởi quân đội Đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ 2. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhà máy này được xây dựng lại và bắt đầu thời kỳ phát triển của Ferrari.
Năm 1947, Ferrari cho ra đời mẫu xe hơi đầu tiên của mình với cái tên 125 S, với động cơ dung tích 1,5 lít V12. Đây cũng là năm mà Scuderia Ferrari ra đời một cách chính thức.
Những năm về sau, Ferrari từng bước thống trị làng đua xe thể thao thế giới bằng những mẫu xe tuyệt vời của mình. Cho tới năm 1972, Enzo quyết định từ bỏ các cuộc đua xe thể thao để chỉ tập trung vào giải đua F1.
Tuy không còn tham gia những thỉnh thoảng những chiếc Ferrari vẫn được xướng tên tại các giải đua xe thể thao thế giới, như Le Mans vào những năm 1970 hay giải vô địch hiệp hội xe thể thao quốc tế những năm 1990.
Tại giải đua F1, Ferrari tham gia từ năm 1950 và hiện tại có trong tay hàng tá kỷ lục trong làng đua xe Công thức 1.
Tay đua nổi tiếng được nhiều người biết tới mà Ferrari sở hữu là Michael Schumacher. Hiện anh đã giải nghệ và đang hôn mê sâu sau tai nạn thảm khốc trên đường trượt tuyết.
Có thể nói Ferrari đã tạo nên một dấu ấn cực kỳ quan trọng trong làng xe hơi thế giới. Màu đỏ của Ferrari luôn nổi bật trong mọi cuộc đua, tạo nên một sức hút vô cùng lớn.
Dino Ferrari
Ẩn sau Ferrari không chỉ là một chú ngựa đua mạnh mẽ, mà là một niềm đam mê và một nghị lực phi thường. Con trai của Enzo Ferrari là Afredino, hay còn được biết với cái tên thân mật Dino. Anh sinh năm 1932, ra đi khi chỉ mới 24 tuổi do chứng bệnh teo cơ từ năm 20 tuổi và đau ốm kéo dài.
Tuy thời gian sống ngắn ngủi, nhưng Dino đã tỏ ra đam mê với xe hơi, động cơ và thể hiện năng khiếu trời sinh. Sự ra đi của Dino cũng là sự mất mát của Ferrari, tuy nhiên nghị lực của Dino và niềm đam mê cháy bỏng của chàng trai này đã khiến Ferrari thêm phần mạnh mẽ.
Ferrari hoàn hảo
Biểu tượng chú ngựa tung vó mạnh mẽ mang lại may mắn và cũng là biểu tượng của sự thành công gắn liền với Ferrari, và mỗi chiếc xe đều mang triết lý này.
Với người Ý, họ luôn cố gắng tạo ra những gì tốt nhất nhưng phải đẹp nhất. Đó là lý do vì sao Ferrari luôn thành công, ít nhất là về mặt danh tiếng, và được rất nhiều người yêu thích.
Siêu xe mới nhất của hãng là LaFerrari, người kế nhiệm huyền thoại siêu xe Ferrari Enzo, chỉ có 499 chiếc trên toàn thế giới, được bán với giá 1,69 triệu USD, và có vẻ đẹp hoàn hảo.
Chiếc xe này sử dụng động cơ V12, dung tích 6,262 lít, đạt công suất tối đa 800 mã lực và mô men xoắn cực đại đạt 700 Nm. Chiếc xe có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong thời gian dưới 3 giây và có tốc độ tối đa đạt 350 km/h.
>>Volkswagen - 'Trùm phát-xít' của ngành công nghiệp ô tô
Theo Tô Tùng