Chuyện ít ai biết về viên kim cương đắt giá nhất hành tinh
Mới đây, viên kim cương xanh được chốt giá kỷ lục 48,4 triệu đô đã đưa tỷ phú Hong Kong lên hàng những ông bố tuyệt vời nhất hành tinh. Nhưng đó chưa là gì so với huyền thoại Cullinan - viên kim cương nặng gần 1 kg, giá trị ước tính lên tới... 2 tỷ đô.
Vào một ngày đen đủi tháng 1 năm 1905, ngài đội trưởng Frederick Wells vô cùng giận dữ trước trò đùa tác quái của đám công nhân khi lén lút găm mảnh thủy tinh vỡ vào khu vực đào bới của ông.
Chẳng mảy may đắn đo, ông liền quẳng chúng ra chỗ khác để tiếp tục công việc, chắc ông không thể nào ngờ được thượng đế lại ban cho mình một ân sủng to lớn như thế. Dưới ánh mặt trời chiều, những vầng hào quang phát ra từ “mảnh vỡ thủy tinh” khiến ông tò mò lau chùi nó và đưa về kiểm tra cẩn thận.
Và từ đây, “Ngôi sao Châu Phi” khổng lồ nhất thế giới đã có chủ!
9 viên kim cương được cắt ra từ khối nguyên bản “ngôi sao Châu Phi”
Tên của nó được đặt theo ông chủ chuỗi mỏ tại Châu Phi, Thomas Cullinan; ngay sau khi công bố bảo vật châu lục này, người ta phong tước cho nó là “Ngôi sao sáng nhất Châu Phi” với trọng lượng 3.106 carat tương đương 621,35 gram.
Bạn thử hình dung xem mỗi chiếc nhẫn đính viên kim cương thông thường chỉ chiếm 1 carat và từ thở khai thiên lập địa, những khối kim cương trên 2.000 carat chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.
Về sau, các chuyên gia tạo hình đã ám chỉ viên kim cương này thậm chí nặng hơn 1 kg nhưng bị cha đẻ của nó, Frederick Wells “bớt” lại khoảng 400 gram như một món quà vô giá cũng như để bảo bọc sự sung túc của con cháu ông trong nhiều thế hệ tới.
Đến năm 1907, nhân dịp sinh nhật lần thứ 66 của Vua Edward VII, Anh quốc, chính phủ Transvaal không ngần ngại bỏ ra 1,6 triệu Euro làm vật cống tặng cho quốc vương như dấu chỉ của lòng trung thành và lòng biết ơn của người dân Nam Phi với công cuộc khai sáng đất nước của họ.
Cullinan I 530,4 carat là viên lớn nhất được tách ra
Mặc dù còn nhiều ý kiến từ chối món quá vô giá này nhưng Quốc Vương Edward cũng vui lòng đón nhận và hứa sẽ gìn giữ chúng trong bảo tàng hoàng gia từ đời này sang đời khác.
Vượt qua chặng đường đầy rủi ro rình rập, cuối cùng khối kim cương đã cập bến xứ sở sương mù và được chuyển thẳng đến công xưởng chế tác kim cương của anh em nhà Asscher.
Ông cùng những bậc thầy làng nghề đã mất ròng rã hơn 3 tháng trời để tìm những góc cắt lý tưởng nhất mà không lãng phí từng mẩu vụn trên bàn. Người ta kể rằng, Asscher đã gần như chết điếng đi khi nhát dao đầu tiên của ông khiến vài hạt bụi kim cương rơi xuống. Ông giam mình vài ngày như tự chịu án treo cho những sai sót của mình.
Không lâu sau đó, ông đã tránh cho nước Anh khỏi tình cảnh “ngất lên ngất xuống ” khi chiết tách thành công 9 viên nhỏ mang hình dạng đặc trưng cho từng mục đích sử dụng.
Ngoài ra 96 mảnh nhỏ khác còn được đặc biệt chế tác trang sức cao cấp cho Hoàng Gia hoặc trở thành những món quà quý giá cho con cháu nội tộc.
Hai viên Cullinan I và Cullinan II có khối lượng lớn nhất và lần lượt được đặt trên Quyền trượng của Vua và Vương miện của Nữ hoàng Anh
Sau hơn 77 năm Cullinan I nắm giữ kỷ lục viên kim cương được đánh bóng lớn nhất thì đến năm 1985 vị trí quán quân từ người anh em cùng mỏ Jubilee Golden Diamond (545,67 carat) cố vị đến tận ngày nay.
Dường như luồng dư luận đều bị hút theo hai anh chị cả của Cullinan mà lại tỏ ra hời hợt với 7 đứa em, vậy bạn có bao giờ tự hỏi số phận 7 viên đó đang như thế nào và yên vị ở đâu không?
Thật vinh hạnh khi chúng trở thành vật bất ly thân với các nữ bá tước hoặc nữ hoàng Anh như Elizabeth II, Mary, Alexandra… và những viên còn lại được bảo quản nghiêm ngặt tại Bảo tàng Hoàng gia Anh hay lâu đài Buckingham.
Nếu không phải những chính khách cao cấp thì bạn cũng có thể chi ra vài trăm tỷ để chiêm ngưỡng tận mắt những bảo vật của trời đất và tìm hiểu về những biến cố hư hư thực thực xung quanh chủ nhân của chúng.
Chính vì sự cuồng si với kim cương, kể từ khi được cống tặng đến nay, Hoàng gia Anh chưa một lần định giá hay đấu giá chúng. Nhờ vào những tiểu tiết thu lượm được mà các chuyên gia ước tính giá trị của những viên “ngọc trời” này không dưới 2 tỷ đô, tức là mức thấp nhất nó cũng ngốn 45 nghìn tỷ đồng.
Và nếu bạn có chồng gấp 3 số tiền đó nhưng chẳng có cuộc đấu giá nào diễn ra thì đương nhiên bạn cũng chỉ ra về tay không..