Thương hiệu nào là vua doanh số ô tô tại Việt Nam?
Hyundai đã vượt qua Toyota để trở thành thương hiệu bán nhiều xe nhất tại Việt Nam năm 2023.
2023 là năm không thuận lợi của thị trường ô tô Việt Nam. Giảm doanh số, giảm giá là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong một năm khó khăn chung của thị trường tiêu dùng.
Từ mức doanh số kỷ lục hơn 500.000 xe của năm 2022, sức mua thị trường ô tô năm 2023 giảm gần 140.000 xe, tương đương 27,4% so với năm trước. Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các thành viên thuộc hiệp hội đã bán ra tổng cộng 301.989 ô tô các loại. Trong khi đó, Hyundai Thành Công Việt Nam thông báo bán 67.450 xe. Như vậy, tổng cộng doanh số ô tô tại Việt Nam đạt mức khoảng 369.439 xe.
Con số thống kê này chưa bao gồm VinFast, một số thương hiệu khác như Nissan, Subaru, MG hay một số thương hiệu xe sang như Mercedes-Benz, Audi, Volvo…
Trong giai đoạn khó khăn đó, Hyundai Thành Công đã vượt qua đối thủ trực tiếp là Toyota để trở thành thương hiệu top 1 thị trường với 67.450 xe. Mặc dù vậy, con số này vẫn thấp hơn đến 14.000 xe so với năm 2022.
So với các đối thủ, Hyundai đang cố gắng xây dựng một dải sản phẩm với độ hiệu quả cao về doanh số. Trong số này, sedan hạng B Accent và SUV đô thị Creta chính là các mẫu xe dẫn đầu phân khúc của mình - đều ở phân khúc có độ cạnh tranh cực cao, ngoài ra còn có Grand i10 đứng đầu nhóm hatchback hạng A. Trong khi đó, các mẫu xe còn lại như Santa Fe, Tucson, Cusin, Stargazer đều rất cạnh tranh ở phân khúc của mình. Chỉ có Hyundai Elantra phần nào tỏ ra yếu thế ở phân khúc sedan hạng C, cũng là phân khúc tương đối kén khách ở Việt Nam giai đoạn này.
Trong khi đó, Toyota có một năm khá khó khăn khi doanh số giảm mạnh từ hơn 91.000 xe năm 2021 xuống còn 57.414 xe. 2 mẫu xe chủ lực của hãng là Vios và Corolla Cross đều có có doanh số không quá tốt, trong đó Corolla Cross đang gặp vấn đề về nguồn cung từ Thái Lan. Trong khi đó, các model mới như Veloz Cross, Inova Cross (phân khúc MPV) hay Yaris Cross (SUV đô thị) đều chưa thể bứt lên ở phân khúc của mình. Chưa kể, Toyota cũng sở hữu nhiều mẫu xe thường xuyên lọt top bán chậm của tháng như bán tải Hilux.
Kia tiếp tục là thương hiệu vững vàng ở vị trí thứ 3 thị trường, dù doanh số giảm khoảng 20.000 xe so với năm ngoái. Giống với Hyundai, nhiều mẫu xe của Kia đều cạnh tranh tốt ở phân khúc, dù doanh số không đứng top đầu như Kia Sonet, Seltos, Carnival.
Nhóm các thương hiệu xếp vị thứ 4 đến 6 có một đặc điểm chung là đều có một mẫu xe “ngôi sao” với doanh số vượt trội phân khúc. Chẳng hạn, Ford , hãng xếp vị trí thứ 4 có Ranger ở phân khúc bán tải, Mazda là mẫu CX-5 ở phân khúc crossover hạng C trong khi Mitsubishi chính là “ông vua doanh số” Xpander. Lượng xe bán ra của các thương hiệu này lần lượt là 38.322 xe, 35.632 xe và 30.984 xe. Trong đó, Ford xứng đáng là thương hiệu ấn tượng nhất trong năm qua khi “ngược dòng” tăng doanh số gần 10.000 xe trong bối cảnh toàn thị trường giảm.
Các vị trí còn lại đều thuộc về thương hiệu Nhật Bản gồm Honda, Suzuki và Isuzu.