Thương hiệu bánh trung thu 'vang bóng một thời' đang làm ăn ra sao?

07/09/2023 09:45 AM | Kinh doanh

Thị trường bánh trung thu hiện có sự cạnh tranh đa dạng, đến từ cả doanh nghiệp trong, ngoài nước, và các đơn vị liên doanh. Một số thương hiệu bánh kẹo “vang bóng một thời” đã niêm yết trên sàn chứng khoán có tình hình kinh doanh trái chiều, mảng bánh trung thu không phải “gà đẻ trứng vàng”.

Doanh thu giảm, lãi đột biến nhờ thoái vốn

Hiện, trên sàn chứng khoán có một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mảng bánh trung thu như CTCP Tập đoàn Kido (KDC), CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (BNA), CTCP Bibica (BBC), CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (HNF), CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC). Đây đều là các doanh nghiệp đang, hoặc từng sở hữu các thương hiệu bánh trung thu lâu đời, hàng chục năm tuổi.

Sau thương vụ bán thương hiệu Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelēz International vào năm 2014, Tập đoàn Kido từng rời lĩnh vực kinh doanh bánh kẹo, bánh trung thu, để xoay trục sang mảng dầu ăn, kem, và thực thiết yếu khác. Đến năm 2020, Kido mới quay lại mảng bánh kẹo, trở lại sản xuất bánh trung thu, với thương hiệu Kingdom, và hiện là Kido.

Năm ngoái, tập đoàn này lãi 60 tỷ đồng từ bán bánh trung thu. Năm nay, Kido dự kiến tung ra thị trường 450 tấn bánh trung thu, tăng 50% sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm qua, theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần của Kido giảm 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4.367 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng mạnh 66,4% lên 564 tỷ đồng, chủ yếu do hoạt động đầu tư tài chính.

Thương hiệu bánh trung thu 'vang bóng một thời' đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Dù doanh thu sụt giảm, nhưng lợi nhuận của Kido tăng mạnh nhờ đầu tư tài.

Trong đó, lãi nhờ thanh lý các khoản đầu tư là hơn 1.129 tỷ đồng. Lãi tiền gửi, chênh lệch tỷ giá hối đoái cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu năm, Kido ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính 1.224 tỷ đồng, tăng đột biến so với kết quả chỉ 43 tỷ đồng của năm ngoái.

Kido lãi hơn 1.000 tỷ đồng nhờ giảm tỷ lệ sở hữu tại KidoFoods, biến công ty này từ công ty con thành công ty liên kết. Cụ thể, vào cuối tháng 4/2023, Kido đã chuyển nhượng hơn 17,8 triệu cổ phần KDF (mã chứng khoán của KidoFoods), giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 73% xuống còn 49%, biến KidoFoods thành công ty liên kết.

Ngoài ra, việc thoái vốn hoàn toàn khỏi Dầu thực vật Cái Lân mang lại hơn 2.100 tỷ đồng doanh thu, nhưng lợi nhuận hạch toán chỉ 76 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6, khoản đầu tư lớn nhất của Kido nằm ở Công ty Lavenue, giá trị 1.069 tỷ đồng. Lavenue hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hiện là chủ đầu tư dự án Lavenue Crown tại khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, TPHCM. Khoản đầu tư nghìn tỷ của Kido “chôn chân” tại Lavenue thời gian dài, do dự án dính đến các vấn đề vi phạm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

“Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ này, tập đoàn vẫn đang trong quá trình tiến hành thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự tiếp theo. Ban tổng giám đốc luôn thể hiện sự sẵn sàng thực hiện các quyết định thích hợp để cùng tiếp tục đầu tư và phát triển dự án”, báo cáo của Kido cho biết.

Tại báo cáo tài chính riêng lẻ, Bibica ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng tới 998%, do công ty mẹ nhận cổ tức từ công ty con. Tuy nhiên, ở báo cáo hợp nhất, lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm tới 97%, chỉ còn vỏn vẹn 2,8 tỷ đồng. Lý do, năm ngoái công ty có khoản đột biến từ chuyển nhượng tài sản cố định, dẫn đến lợi nhuận tăng vọt lên 129 tỷ đồng.

Chuyển hướng vào thị trường ngách

Với Bảo Ngọc (BNA), các chỉ tiêu quan trọng trong báo cáo tài chính về doanh thu, lợi nhuận, giá vốn bán hàng đều giảm mạnh. Tại báo cáo hợp nhất, doanh thu 6 tháng giảm gần 40%, còn 467 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm gần 80%, xuống còn 7,1 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, kết quả kinh doanh sụt giảm do thị trường tiêu thụ ngành thực phẩm giảm mạnh. Chi phí vốn tăng trong khi sức mua giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Trong khi đó, công ty đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm mới, dẫn đến hàng hỏng, lỗi nhiều, đẩy giá vốn tăng cao. Lãi suất cao cũng dẫn đến chi phí vốn doanh nghiệp tăng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị truy thu thuế hơn 3 tỷ đồng.

Thương hiệu bánh trung thu 'vang bóng một thời' đang làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Các chỉ tiêu quan trọng trong báo cáo tài chính đều ghi nhận sụt giảm

Đại hội cổ đông vừa qua của Bảo Ngọc đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, mở rộng phát triển các sản phẩm mới về bánh tươi công nghiệp, dự kiến đưa nhà máy miền Trung vào hoạt động từ đầu năm 2024, và đang trong quá trình chuẩn bị địa điểm sản xuất mới ở miền Nam. Doanh nghiệp đặt mục tiêu dẫn đầu các thị trường ngách trong ngành thực phẩm.

Nửa đầu năm qua, tình hình kinh doanh của Hữu Nghị cũng không mấy sáng sủa, lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” 69% so với cùng kỳ, xuống còn 8,5 tỷ đồng. Theo giải trình của doanh nghiệp, do định hướng mở rộng thị phần tại thị trường nước ngoài nên chi phí bán hàng và chi phí thương mại tăng đáng kể. Thị trường nội địa cũng không mấy thuận lợi.

Qua 6 tháng, Bánh kẹo Hải Hà hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu, và 31% kế hoạch lợi nhuận năm nay. Lợi nhuận sau thuế đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Đại hội đồng cổ đông năm 2023 đã thông qua kế hoạch kinh doanh của công ty, với việc tiếp tục triển khai chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn ngành, liên đoàn lao động địa phương để quảng cáo, hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm có tính thời vụ như bánh trung thu.

Theo Việt Linh

Cùng chuyên mục
XEM