'Thung lũng Silicon nhái' ở Trung Quốc: Từng hô hào thu hút 1.000 công ty công nghệ cao giờ biến thành 'thị trấn ma', gần như không tập đoàn đa quốc gia nào xuất hiện
Bất chấp việc thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn trong 3 năm qua, tương lai Lingang được cho là khá bất định.
Trung Quốc đặt nền móng cho các dự án mới trị giá hàng tỷ USD tại Lingang nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ dữ liệu xuyên biên giới, theo Sixth Tone. Khu thương mại tự do rộng 120 km vuông nằm tại phía đông nam thành phố Thượng Hải này đã khởi động 72 dự án sản xuất trị giá 153 tỷ nhân dân tệ, tương đương 22,26 tỷ USD, vào ngày 22/8/2022 như một phần của nỗ lực đa dạng hóa sự phát triển khu vực.
“Nơi đây sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu và hỗ trợ quá trình xây dựng các tiêu chuẩn dữ liệu được quốc tế công nhận”, Li Jing, tổng Giám đốc Shanghai Lingang New Area Cross-Border Data Technology, nói.
Lingang, với tư cách là ‘Thung lũng Silicon’ mới tiếp theo của Trung Quốc, đang phấn đấu trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước. Ocean Innovation Park, một trong sáu cụm công nghiệp chính, tập trung nhiều trung tâm nghiên cứu do các trường đại học hàng đầu điều hành, bao gồm Đại học Bắc Kinh, Đại học Giao thông Thượng Hải và Phúc Đán.
“Lingang không chỉ hỗ trợ chính sách doanh nghiệp mà còn giúp chúng tôi đi theo định hướng chung của toàn ngành”, Sun Xiaotian, phó tổng Giám đốc Shanghai Xiongcheng Offshore Engineering, nói.
Được biết, Thượng Hải đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng biến Lingang trở thành trụ sở của hơn 1.000 công ty công nghệ cao, 100 tổ chức nghiên cứu & phát triển và 8 phòng thí nghiệm cạnh tranh quốc tế vào năm 2025. Giá trị ngành công nghiệp chip khi đó sẽ vượt quá 100 tỷ nhân dân tệ (14 USD tỷ), tăng gấp 10 lần so với năm 2021.
Tuy nhiên, tham vọng sẽ đi đôi với thách thức, nhất là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.
“Số lượng các công ty công nghệ phức tạp không tăng lên. Môi trường tổng thể quan trọng hơn nhiều”, Andy Xie, một nhà kinh tế độc lập có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết. “Thượng Hải đang đặt cược lớn vào Lingang. Sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề ”.
Ngoài ra, bất chấp việc thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn trong 3 năm qua, tương lai Lingang được cho là khá bất định. Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, song song với những căng thẳng địa chính trị vốn đang tác động tiêu cực đến lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, Lingang có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút dòng vốn tư nhân và nhân tài.
Theo Bloomberg, tính đến tháng 9/2022, Lingang thu hút được 62 tỷ USD đầu tư cho 300 dự án công nghiệp biên giới như sản xuất chip và xe điện nhờ ưu đãi thuế và chính sách nới lỏng. Vị trí gần cảng container lớn nhất thế giới được coi là lợi thế lớn của Lingang.
Tuy nhiên, ngoại trừ Tesla - hãng xe điện ngoại cho xây dựng siêu nhà máy mới vào năm 2019, Lingang chủ yếu chỉ thu hút được các nhà đầu tư trong nước, chẳng hạn như SMIC, AI Sense Time Group hay công ty công nghệ Amperex. Các tập đoàn đa quốc gia gần như vắng bóng hoàn toàn.
Hiện tại, phần lớn Lingang vẫn bị coi là ‘thị trấn ma’ khó chiêu mộ nhân tài do điều kiện cơ sở hạ tầng và tiện nghi cơ bản, chẳng hạn như căn hộ, trường học và giao thông công cộng, không được đảm bảo. Nhân lực đang làm việc tại Lingang chủ yếu là công nhân nhà máy và quản lý tại chỗ, sống gần đó hoặc ở các quận lân cận.
“Lợi thế lớn nhất của Lingang là mang lại nhiều cơ hội công nghiệp lớn”, Li Jian, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết. “Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một môi trường sống và điều kiện làm việc tốt hơn. Về mặt này, vẫn còn một số khoảng trống để Lingang lấp đầy”.
Dẫu vậy, một số chuyên gia vẫn lạc quan về tương lai Lingang. Động lực đến từ việc Thượng Hải có khá nhiều kinh nghiệm trong việc biến những vùng đất hẻo lánh trở thành trung tâm kinh doanh bùng nổ. Pudong, khu vực nằm phía đông thành phố, là ví dụ điển hình. Xuất phát khô cằn từ những cánh đồng lúa hoang sơ, Pudong đã trở thành trung tâm tài chính nổi tiếng tại Trung Quốc chỉ sau 3 thập kỷ phát triển.
Theo Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên xây dựng nhiều căn hộ tiện ích phục vụ khoảng 800.000 cư dân vào năm 2025. Gần 2 triệu mét vuông đất được dành để phát triển khu đô thị trong năm nay, tức chiếm ⅓ tổng nguồn cung đất mới cho nhà ở tư nhân tại Thượng Hải vào năm 2022.
Ngoài ra, để thu hút nhân tài, giới chức Trung Quốc cũng hạ ngưỡng mua bất động sản vào tháng trước, đồng thời cấp giấy phép cư trú cho những sinh viên ưu tú tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu danh tiếng.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng cam kết mở rộng mạng lưới giao thông công cộng tới các vùng ngoại ô, trong đó có cả Lingang. Một tuyến đường sắt dài 26km nối liền vùng ngoại ô với sân bay quốc tế Pudong cũng đang được lên kế hoạch.
“Lingang có tiềm năng trở thành một trung tâm công nghệ về lâu về dài. Tuy nhiên, đây sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn”, Pan Jiang, tổng giám đốc quỹ đầu cơ Kandao Asset Management Co. có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.
Được biết trước đó, thành phố Thâm Quyến với 17 triệu dân cũng được ví là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc” với trụ sở của rất nhiều hãng công nghệ nổi tiếng như Tencent hay Huawei. Khu vực này đóng góp phần lớn sản lượng cho các ngành công nghiệp như công nghệ và cơ khí, từ đó đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, chính phủ cũng đặt mục tiêu đưa Thâm Quyến trở thành một trong những thành phố dẫn đầu trên thế giới về sức mạnh kinh tế và chất lượng phát triển vào năm 2025. Kết quả, từ một thị trấn nông nghiệp nhỏ, Thâm Quyến trở thành một trong những siêu đô thị Trung Quốc và là nơi sinh sống của hơn 100 tỷ phú.
“Thâm Quyến muốn trở thành một trung tâm cho các trung tâm tài chính, chuỗi khối và các ngành công nghiệp kỹ thuật số. Những dịch vụ cao cấp này sẽ đóng một vai trò lớn trong sự tăng trưởng và giàu có của thành phố”, báo cáo cho biết.
Theo: Sixth Tone, Bloomberg