Thuê “soái ca” về lau nước mắt: Văn hóa giải quyết stress kì lạ ở Nhật

27/03/2018 16:18 PM | Kinh doanh

Bạn từng mơ về một chàng “soái ca” xuất hiện tại văn phòng để an ủi những khó khăn trong công việc? Đừng lo, ước mơ đó đã biến thành hiện thực tại Nhật Bản, nơi có dịch vụ Ikemeso Danshi – cung cấp những chàng trai đẹp đến tận chỗ làm việc để cùng khóc và lau nước mắt cho từng người.

Nhật Bản nổi danh với văn hóa làm việc khắc nghiệt, nơi mà cân bằng giữa cuộc sống và công việc gần như không tồn tại khi xã hội luôn tạo áp lực khiến các nhân viên ra sức làm "đến chết" để mang lại hiệu quả và niềm tự hào cho người thân.

Với văn hóa áp lực như trên, các dịch vụ xả stress ngày một phát triển và sáng tạo. Đi vào hoạt động vào năm ngoái, công ty Ikemeso Danshi chuyên cung cấp những "soái ca" đầy mơ ước đến xóa đi muộn phiền của các chị em phụ nữ văn phòng. Mọi người thường cùng nhau xem một đoạn slideshow hoặc các thước phim cảm động để rồi các "soái ca" khuyến khích các chị em chia sẻ cảm xúc và khóc cho nhẹ nỗi lòng, các chàng trai sau đó sẽ theo sát và lau nước mắt cho từng người.

Hiroki Terai, nhà sáng lập của công ty Ikemeso Danshi đã biến khóc trở thành một phương pháp xả stress đầy hiệu quả. Hiện công ty của ông đang cung cấp 6 chàng soái ca khác nhau với những phong cách hấp dẫn như: Chàng Nha sĩ, Chàng "bad boy", Chàng trai thông minh …

Thuê “soái ca” về lau nước mắt: Văn hóa giải quyết stress kì lạ ở Nhật - Ảnh 1.

Chỉ cần đặt hàng ngay trên trang web của công ty. Những soái ca sẽ ngay lập tức xác nhận "đơn hàng" và xuất hiện tại địa điểm làm việc một cách nhanh chóng và đúng giờ. Các soái ca còn cung cấp thêm dịch vụ "tấn công" khách hàng bằng cách áp sát họ vào tường và đặt tay lên bức tường đằng sau (một hành động "tán gái" nổi tiếng mang tên kabe-don tại Nhật Bản).

Hiện dịch vụ chỉ đang cung cấp cho các khách hàng có văn phòng xung quanh khu vực Tokyo, với mức giá rẻ nhất từ 7.900 Yen (Khoảng 1,7 triệu Việt Nam Đồng).

Hành động khóc giữa các văn hóa

Với các nước phương Tây, khóc là một hành động rất bất thường ở nơi công cộng, thậm chí có thể thu hút các ánh nhìn ái ngại từ người khác. Và đối với Nhật và các nước phương Đông, khóc và tức giận là những hành động gần như là cấm kỵ tại nơi công cộng và nơi làm việc, vì những người "trưởng thành" thường được xã hội cho rằng phải biết cách kiểm soát cảm xúc của mình.

Trên thực tế, người Nhật được cho rằng ít thể hiện cảm xúc nhất trong một cuộc khảo sát gần đây giữa 37 quốc gia phát triển khác nhau.

Khi được hỏi "Cơ duyên nào đã khiến anh mở công ty cung cấp dịch vụ "lạ đời" này?", Terai trả lời phỏng vấn rằng ông đã tìm được cảm hứng qua việc tư vấn các cặp đôi vừa ly dị, những áp lực xã hội và suy nghĩ tiêu cực chỉ được nguôi ngoai khi mọi người chấp nhận nỗi đau và khóc ra hết cho nhẹ nỗi lòng.

Thuê “soái ca” về lau nước mắt: Văn hóa giải quyết stress kì lạ ở Nhật - Ảnh 2.

Terai còn nhận ra rằng, trong nhiều trường hợp, phụ nữ mới là người chủ động đòi ly hôn. Các nhân viên nam tại Nhật thường làm việc ít nhất 14 giờ mỗi ngày, và liên tục làm thêm vào cuối tuần mà không được trợ cấp. Với khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi còn lại, các nam nhân viên thường chỉ ngủ li bì để chuẩn bị cho một tuần làm việc mới. Vì thế, dịch vụ "khóc" của Terai tuy chỉ nhắm đến khách hàng mục tiêu là các phụ nữ văn phòng, nhưng một lượng không nhỏ các đối tượng nam cũng trở thành các khách hàng thường xuyên của dịch vụ này.

"Cảm giác nhẹ nhõm và được giải thoát sau mỗi đợt khóc là giá trị lớn nhất mà dịch vụ của công ty đem lại" - Giám đốc Terai giải thích. Ông còn tự mình nghiên cứu chuyên sâu về những lợi ích của hành động khóc với hơn 11 cuốn sách đã xuất bản trước khi chính thức biến nó thành sự nghiệp của mình.

Và sức mạnh của trai đẹp

Khóc đúng là có rất nhiều lợi ích, nhưng tại sao phải có sự xuất hiện của những "soái ca"? Terai khẳng định rằng tất cả mọi người sẽ hành xử rất khác khi ở cùng với những nhân vật mà họ nghĩ là hấp dẫn, và các trải nghiệm cũng như cảm xúc sẽ được "kích thích" hơn khi các yếu tố hấp dẫn đó không chỉ ở gần mà còn tác động hỗ trợ họ. Đồng tử giãn ra, nhịp tim tăng nhanh … tất cả những phản xạ tự nhiên khi ở kế bên những người hấp dẫn sẽ hỗ trợ rất tốt cho trải nghiệm khóc.

Thuê “soái ca” về lau nước mắt: Văn hóa giải quyết stress kì lạ ở Nhật - Ảnh 3.

Và kết quả của những buổi "trị liệu khóc" này hoàn toàn có thể dễ dàng được nhận ra, tất cả các thành viên tham gia đều trở nên vui vẻ, thoải mái hơn, thậm chí họ còn chủ động giao tiếp và bắt chuyện với những đồng nghiệp xa lạ nhiều hơn trước. Ryuei, một "soái ca" của công ty cho hay, anh ta ngay lập tức có thể cảm nhận được sự thay đổi trong tâm trạng của những khách hàng mà anh vừa mới hỗ trợ khóc, họ không khác gì những khán giả vừa tham gia một chương trình hòa nhạc tuyệt vời của thần tượng.

Soái ca này còn tiết lộ rằng, chính giám đốc Terai cũng thường xuyên tham gia các buổi trị liệu khóc để thư giãn vào cuối tuần, và để chuẩn bị bản thân tốt nhất cho một tuần làm việc mới.

"Tôi nghĩ rằng các nền văn hóa khác cũng sẽ dần dần nhận ra ích lợi của những buổi trị liệu này" Ryuei cho hay.

Lê Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM