Thuế Hồng: Bí mật chi phí bất công đằng sau một khách hàng nữ giới

22/01/2018 10:20 AM | Xã hội

Phụ nữ trên thế giới hiện nay phải trả nhiều hơn 1.351 USD/năm so với đàn ông bởi những sản phẩm, dịch vụ tương đương mà họ mua.

Người dân trên thế giới có lẽ đã nghe về nhiều loại thuế, nhưng có lẽ không nhiều người biết đến Thuế Hồng (Pink Tax), thuật ngữ chỉ loại chi phí phụ thêm chỉ nhằm vào một nửa dân số thế giới và đang thu hút được sự chú ý của những nhà vận động nữ quyền.

Thuế Hồng dùng để chỉ những chi phí phụ thêm mà một người phụ nữ phải trả so với nam giới. Bạn nghe không có lầm, phụ nữ trên thế giới hiện nay phải trả nhiều hơn 1.351 USD/năm so với đàn ông bởi những sản phẩm, dịch vụ tương đương mà họ mua.

Trả thêm tiền nếu bạn là phụ nữ

Nhiều nghiên cứu cho thấy có 42% số lần mua sắm của nữ giới tốn nhiều tiền hơn đàn ông trên cùng dòng sản phẩm.

Thuế Hồng: Bí mật chi phí bất công đằng sau một khách hàng nữ giới - Ảnh 1.

Một cuộc biểu tình chống thuế Hồng của nứ giới tại Châu Âu

Bạn không tin ư? Nghiên cứu của Cơ quan tư vấn tiêu dùng New York (CDCA) trên 800 loại sản phẩm cho thấy những mặt hàng cho nữ giới đắt hơn so với nam giới ở cùng mục đích. Ví dụ đồ chơi cho các bé gái đắt hơn 7% so với bé nam, quần áo nữ đắt hơn 8% so với nam giới và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đắt hơn 13%.

Như vậy, những người phụ nữ không chỉ kiếm ít hơn đàn ông mà còn phải chi tiêu nhiều hơn chỉ vì họ là phái yếu. Số liệu của Cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy trong khoảng 2004-2014, phụ nữ chỉ kiếm được 80-83% mức thu nhập ở ngành nghề tương đương so với nam giới.

Thông thường, giá sản phẩm chịu tác động rất lớn từ cung cầu trên thị trường, nhưng không phải tất cả các thị trường đều hoạt động đúng theo lý thuyết.

Những nhà cung cấp dịch vụ giặt khô là hơi tại Mỹ thường lấy 2,86 USD cho áo phông nam nhưng đòi 4,95 USD cho áo phông nữ. Các công ty cho biết do phụ nữ kỹ tính hơn nên công đoạn giặt khô là hơi cho phái nữ mất thời gian hơn so với phục vụ cho nam giới, khiến mức giá khác nhau. Nói cách khác, nữ giới phải trả thêm tiền vì họ yêu cầu được phục vụ đúng chất lượng.

Thuế Hồng: Bí mật chi phí bất công đằng sau một khách hàng nữ giới - Ảnh 2.

Phụ nữ phải chi trả nhều hơn 8% so với nam giới cho các mặt hàng quần áo tương đương

Chuyển qua mảng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và vệ sinh cá nhân, thông thường phụ nữ Mỹ phải trả nhiều hơn 13% so với nam giới. Ví dụ cùng là sản phẩm dao cạo nhưng nam giới chỉ phải mua với giá 14,99 USD thì nữ giới phải trả tới 18,49 USD. Những doanh nghiệp cho biết họ tốn nhiều tiền quảng cáo cho sản phẩm của nữ giới hơn và điều này khiến giá cả cao hơn. Câu chuyện nghe có vẻ vô lý khi phái yếu phải trả nhiều tiền hơn chỉ vì họ trở thành "con mồi" chính của các nhãn hàng.

Tồi tệ hơn, sự phân biệt giới tính còn được thể hiện đối với trẻ nhỏ khi đồ chơi các bé gái thường có giá đắt hơn 13% so với bé trai.

Thuế Hồng: Bí mật chi phí bất công đằng sau một khách hàng nữ giới - Ảnh 3.

Đồ chơi cho bé gái đắt hơn bé trai

Thuế Hồng: Bí mật chi phí bất công đằng sau một khách hàng nữ giới - Ảnh 4.

Dao cạo cho nữ đắt hơn dao cạo nam

Thuế băng vệ sinh

Bạn có biết rằng băng vệ sinh được coi là một mặt hàng xa xỉ tại Mỹ cùng nhiều nước Phương Tây, qua đó phải chịu thuế VAT trong khi nhiều sản phẩm thiết yếu khác lại được miễn thuế. Đây rõ ràng là một sự bất công với nữ giới nhưng hầu như không được các nước quan tâm.

Trớ trêu thay, không phải Mỹ hay bất kỳ nước phát triển nào khác, Kenya mới là quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ thuế đánh vào băng vệ sinh cho phụ nữ. Tiếp theo đó, Canada và Anh mới loại bỏ thuế này vào năm 2015.

Tại Mỹ, chỉ có rất ít bang không đánh thuế VAT với mặt hàng băng vệ sinh, còn lại đa số vẫn thu lợi từ sản phẩm thiết yếu cho phái nữ. 

Thuế Hồng: Bí mật chi phí bất công đằng sau một khách hàng nữ giới - Ảnh 5.

Những bang áp dụng thuế VAT cho băng vệ sinh (hồng đậm) và không áp dụng (tím) hoặc không có thuế VAT (hồng nhạt) tại Mỹ

Báo cáo của nghị sĩ Cristina Garcia của báng Caligornia cho thấy hàng năm ngân sách bang này thu tới 20 triệu USD tiền thuế băng vệ sinh, một điều bất công với phái nữ. Trong khi đó vào tháng 7/2016, chính quyền New York quyết định loại bỏ thuế băng vệ sinh, vốn đóng góp 10 triệu USD tiền thuế mỗi năm cho ngân sách, trước áp lực từ các tổ chức bảo vệ nữ giới.

"Nếu chúng ta không thể phát miễn phí băng vệ sinh cho phụ nữ thì ít nhất chúng ta cũng nên khiến chúng rẻ đi để người dân chịu được. Hiện nay, việc có kinh nguyệt với những người nghèo hàng tháng đồng nghĩa với việc họ gặp thêm khó khăn khi phải kiếm thêm tiền chi trả cho phụ phí này", nghị sĩ Garcia nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM