Thực hư cuộc gọi hỏi tiêm phòng vắc xin rồi bị chiếm điện thoại, mất tài khoản ngân hàng

29/12/2021 16:45 PM | Xã hội

Đây hoàn toàn là tin nhắn giả mạo. Nội dung cụ thể thế nào để tránh?

Nhiều người dùng đang lan truyền nhau thông tin cảnh báo về việc bị mất thông tin tài khoản ngân hàng , điện thoại bị điều khiển từ xa… khi nhận cuộc gọi từ số lạ hỏi về việc tiêm phòng vắc xin.

"Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển...", nội dung đoạn tin nhắn.

Cùng đó, các thông tin lan truyền cũng cảnh báo mọi người "hãy nhanh tay chia sẻ cho nhiều người dùng biết", "nhanh lên và chuyển tiếp cho nhiều người dùng hơn", hay "ai từng chuyển khoản qua điện thoại, xin hãy chú ý và chia sẻ cho nhiều người dùng biết".

Thực hư cuộc gọi hỏi tiêm phòng vắc xin rồi bị chiếm điện thoại, mất tài khoản ngân hàng - Ảnh 1.
Thực hư cuộc gọi hỏi tiêm phòng vắc xin rồi bị chiếm điện thoại, mất tài khoản ngân hàng - Ảnh 2.

Đoạn tin nhắn giả mạo được lan truyền.

Theo Trung tâm báo chí TP.HCM, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, thông tin lan truyền trên trên mạng xã hội về lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân trên mạng là giả mạo.

VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên, khi có yêu cầu hỗ trợ liên quan dịch bệnh hãy gọi ngay cho đường dây nóng của chính quyền địa phương, ngành y tế, công an và lực lượng chức năng khác.

Trước đó, tình trạng lừa đảo liên quan đến ngân hàng cũng được đề cập đến nhiều, trong đó có tình trạng mời đăng ký tiêm phòng. Ngân hàng HSBC Việt Nam đã phát đi thông báo về việc đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP hoặc yêu cầu chuyển trước một khoản tiền với mục đích mời đăng ký tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Khách hàng cũng có thể nhận được lời mời đăng ký thông qua một đường dẫn trong thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại. Đường dẫn này có thể chứa phần mềm độc hại tấn công máy tính, điện thoại của khách hàng và ăn cắp dữ liệu cá nhân.

Theo HSBC Việt Nam, dựa vào tâm lý chung về việc hạn chế đi lại do giãn cách xã hội trong thời điểm dịch bệnh, đối tượng lừa đảo có thể giả vờ là nhân viên ngân hàng hoặc tổ chức uy tín để tiếp cận khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Do đó, khách hàng tuyệt đối không chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ ATM, thẻ tín dụng, tên đăng nhập và mật khẩu của thiết bị bảo mật và ngân hàng trực tuyến, mã OTP…

Thực hư cuộc gọi hỏi tiêm phòng vắc xin rồi bị chiếm điện thoại, mất tài khoản ngân hàng - Ảnh 3.

Ngân hàng khuyến cáo không truy cập đường link lạ, cung cấp OTP cho người khác.

Nhiều ngân hàng cũng đã đặc biệt đưa khuyến cáo người dùng tuyệt đối không truy cập các đường link có sẵn, không đăng nhập dịch vụ của ngân hàng từ các tin nhắn lạ, trên các thiết bị dùng chung, không cung cấp các thông tin giao dịch qua bất kỳ hình thức nào và cho bất kỳ ai.

Người dùng cũng không nên sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động, không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, thư điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng khác.

H Linh

Cùng chuyên mục
XEM