Thực hư chuyện siêu thị nổi tiếng Mỹ tuyên bố đóng 9 chi nhánh vì... bị trộm quá nhiều
Các mặt hàng bị đánh cắp vẫn còn dính tem siêu thị được bày bán công khai trên vỉa hè gần đó với mức giá chỉ bằng một nửa. Chuyện gì đang diễn ra tại Mỹ?
Hãng tin Bloomberg cho hay chuỗi siêu thị nổi tiếng nước Mỹ Target vào tuần trước đã khiến giới truyền thông chú ý với tuyên bố đóng cửa 9 chi nhánh ở 4 bang với lý do... bị ăn trộm quá nhiều.
Thế nhưng những chủ đất từng cộng tác nhiều năm với chuỗi siêu thị này lại chỉ ra đây chỉ là chiêu trò nhằm qua mắt người tiêu dùng và tránh bị tổn hại thương hiệu khi muốn giảm quy mô.
Lấy ví dụ chi nhánh siêu thị đầu tiên tại Manhattan gần East Harlem của Targets rộng hơn 9.200 m2 được mở từ hơn 10 năm trước đây sắp bị đóng cửa theo tuyên bố trên.
Thay vì từ bỏ hoàn toàn khu vực này vì lý do bị ăn trộm quá nhiều như công bố, Target lại ký một hợp đồng thuê mặt bằng mới chỉ cách địa điểm cũ 2.400m và nhỏ hơn một nửa.
Chuyên gia David Blumenfield của BDG nhận định việc đóng cửa chi nhánh này chỉ là một động thái nhằm chuyển sang chỗ mới nhỏ hơn nhằm thu hẹp quy mô hoạt động và giảm chi phí của Target.
Tuy nhiên thương hiệu này không muốn mang tiếng giảm quy mô trong mắt người dùng cũng như gây lo ngại trong giới đầu tư, cổ đông nên việc “viện cớ” là điều dễ hiểu.
Phía Target phản đối những “thuyết âm mưu” của các chủ đất nhưng cùng từ chối giải thích tại sao công ty lại đóng cửa một số chi nhánh để rồi mở ở địa điểm khác nhỏ hơn.
“Mặc dù không thể chia sẻ chi tiết về cuộc đối thoại với các chủ đất nhưng chúng tôi có thể xác nhận rằng đã nói chuyện về việc đảm bảo an ninh tại các cơ sở này trong nhiều năm”, người phát ngôn Jim Joice của Target cho hay.
Chuỗi siêu thị Target cho hay việc bị mất trộm là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng.
Thất thoát hàng tồn kho do trộm cắp, hư hỏng và các lỗi quản lý khác đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của Target đi gần 1 điểm phần trăm trong quý II/2023 so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính công bố tháng 8/2023 cho thấy doanh số quý II của Target đã giảm lần đầu tiên trong 4 năm, đồng thời dự báo lợi nhuận thường niên năm nay cũng bị hạ xuống mức thấp hơn.
Cổ phiếu của Target đã mất 30% giá trị từ đầu năm đến nay sau khi mất 36% mức giá trong năm 2022.
Chính điều này đã buộc các cổ đông gia tăng sức ép lên ban điều hành và có thể đây là nguyên nhân khiến hãng cắt giảm chi phí thông qua dịch chuyển địa điểm nhỏ hơn của một số chi nhánh dưới danh nghĩa “sợ mất trộm”.
Chuyện thường ngày?
Theo Bloomberg, việc bị mất trộm là chuyện thường ngày của các chuỗi siêu thị nổi tiếng như Walmart, Dollar Tree hay Nordstrom. Đây là những thương hiệu có quy mô và độ nổi tiếng nhất về kinh doanh bán lẻ.
Tuy nhiên, chưa có cái tên nào đi xa tới mức phải đóng cửa chi nhánh chỉ vì bị mất trộm quá nhiều.
“Vấn nạn trộm cắp sản phẩm có tổ chức tại Mỹ thực sự là một thách thức”, CEO John Furner của Walmart chi nhánh Mỹ cho biết, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng hãng chưa hề đóng bất cứ chi nhánh nào chỉ vì lý do quá nhiều trộm cắp cả.
Quay trở lại với Target, vấn đề trộm cắp có tổ chức nghiêm trọng đến mức ngay cả nhân viên của hãng cũng là thủ phạm. Một số nhân viên ở chi nhánh East Harlem đã khai rằng họ chứng kiến cảnh ăn cắp diễn ra hàng ngày.
Tình hình tệ đến mức hàng ăn cắp được bày bán với giá rẻ trên vỉa hè ngay gần chi nhánh của Target, nơi những thứ như một chai tẩy rửa Tide có giá 15 USD trong siêu thị thì lại được bán chỉ bằng một nửa. Một số mặt hàng vẫn còn dính cả tem siêu thị Target.
“Các bảo vệ cũng bất lực bởi với sự bùng phát ăn cắp như hiện nay thì bạn chẳng thể dập hết nổi. Làm sao bạn có thể bố trí bảo vệ ở tất cả các lối đi được, chi phí như thế quá tốn kém”, cô Ericka Blanding, một cư dân trả lời Bloomberg bên ngoài siêu thị Target.
Tại những chi nhánh như Seattle, nơi cũng bị Target chuẩn bị cho đóng cửa, cư dân tại đây cho biết tình hình trộm cắp hoành hành đã nhiều năm nay.
Cửa kính ra vào của siêu thị bị đập vỡ và nhiều kệ trống hàng chẳng biết vì bị hết hay do đánh cắp. Tình hình này khiến nhiều người cho biết họ thà mua sắm ở siêu thị khác gần đó nhưng an toàn hơn.
Thuyết âm mưu
Hãng tin Bloomberg cho hay rất khó để thống kê dữ liệu về hành vi trộm cắp cũng như thiệt hại thật sự của chúng cho siêu thị.
Thậm chí việc Target lấy lý do trộm cắp cũng khiến nhiều người nghi ngờ vì tại những siêu thị khác, tình hình không bi quan đến vậy.
Ví dụ như Costco Wholesale, nơi người mua phải dùng thẻ thành viên tính phí, tình hình trộm cắp được cho là không thay đổi nhiều trong những năm gần đây.
Phía Best Buy cũng từng siết chặt an ninh chống trộm cắp vào cuối năm 2021 nhưng gần đây đã nới lỏng do tình hình giảm bớt.
Điều kỳ lạ hơn là thông báo đóng cửa của Target diễn ra cùng ngày Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) công bố khảo sát cho thấy tổng thiệt hại hàng tồn kho do trộm cắp đã tăng từ 1,4% năm 2021 lên 1,6% doanh thu năm ngoái.
Hiện Target đang nằm trong Hội đồng quản trị của NRF.
Bất chấp điều đó, chuyên gia phân tích Michael Baker của D.A Davidson&Co cho rằng dù có gặp vấn đề về trộm cắp thì cũng khó biến đây thành nguyên nhân chính để đóng cửa chi nhánh siêu thị.
“Theo tôi vấn đề nằm ở chính các siêu thị quá lớn, ví dụ như ở Harlem. Chúng chiếm diện tích đất thuê rộng nhưng không đem lại đủ doanh thu xứng đáng nên việc di chuyển mặt bằng sang nơi khác là điều dễ hiểu”, ông Baker nói.
*Nguồn: Bloomberg