Ông Thuận Phạm tự mô tả mình "là một người bình thường nhưng nhờ làm việc chăm chỉ và may mắn mà có được thành công" tại Uber - startup công nghệ có giá trị nhất thế giới. Người đàn ông này cũng khuyên các bạn trẻ Việt Nam muốn khởi nghiệp: "Đừng trông chờ vào bất kỳ ai ngoài chính bản thân".
8h05 phút, ông Thuận Phạm – Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu đã có mặt tại tòa nhà A17 phố Tạ Quang Bửu để chuẩn bị cho cuộc trò chuyện với các startup Việt dự kiến bắt đầu lúc 8h30. Người đàn ông này trông rất vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Đặng Việt Dũng, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam cho biết: "Đây là một cuộc trò chuyện về công nghệ với các bạn trẻ nên anh Thuận Phạm rất hào hứng và thoải mái".
Ngoài ra, một nhân tố quan trọng cũng khiến cho người Việt Nam nổi tiếng nhất thung lũng Silicon cảm thấy dễ chịu là người dẫn chuyện: Đỗ Hoài Nam, một cựu startup công nghệ cũng ở thung lũng Silicon nay đã về Việt Nam kinh doanh.
Trong phần đầu buổi trò chuyện, Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu nhấn mạnh: "Nếu làm startup, đừng trông chờ vào bất kỳ ai ngoài bản thân mình. Trong giai đoạn đầu, hãy tìm ra vấn đề của xã hội mà mình có thể giải quyết và làm việc đó tốt nhất". Ông Thuận Phạm cho rằng, các bạn trẻ khởi nghiệp không nên quá lo lắng hay tập trung vào việc gọi vốn mà nên dốc toàn lực vào việc giải quyết những vấn đề mà trước đó chưa ai làm được.
"Có rất nhiều nhà đầu tư ở ngoài kia, họ cần những ý tưởng tốt, khả thi và phù hợp với nhu cầu thị trường. Nếu bạn có những cái đó, tiền sẽ chảy vào thôi và Uber là một ví dụ điển hình", Thuận Phạm dẫn chứng.
Trở thành Tổng giám đốc Công nghệ của startup có giá trị nhất thế giới (cao điểm lên tới 68 tỷ USD), câu chuyện riêng của Thuận Phạm cũng nhiều màu sắc không kém gì chính Uber.
Rời Việt Nam năm 10 tuổi, ông cùng mẹ và em trai có 10 tháng ở trên đảo Letung, Indonesia. Tại đây, Thuận Phạm tận dụng khả năng bơi lội đến thị trần gần nhất mua bánh, kẹo về cho mẹ bán ở các trại tị nạn nhằm có tiền mua thực phẩm. 10 cents một ngày đã giúp ba mẹ con ông có bữa cơm với cá tươi.
Đó cũng là những ngày ở Mỹ khi mẹ ông nhận hai công việc, sáng bà làm thu ngân tại trạm xăng và đến tối, bà trở thành nhân viên đóng gói thực phẩm tại siêu thị. Còn ông, cứ cuối tuần đến làm việc tại bãi rửa xe.
Năm 1986, khi 18 tuổi, ông được nhận vào học chương trình cử nhân máy tính tại Viện Công nghệ Massachusetts – Viện Đại học hàng đầu về công nghệ của Mỹ và tốt nghiệp 5 năm sau đó. Khoảng thời gian này cũng chính là thời điểm Internet bắt đầu phát triển.
Từ MIT, chàng trai Việt Nam bắt đầu làm việc tại các phòng nghiên cứu của HP, Silicon Graphics, DoubleClick và VMWare. Sau 8 năm làm việc cho VMWare với vị trí Phó chủ tịch, ông Thuận Phạm đã tự hứa với bản thân sẽ nghỉ ngơi, nhưng Travis Kalanick (CEO của Uber thời điểm đó) bất ngờ xuất hiện.
Một cuộc phỏng vấn kéo dài 30 giờ với Travis mà sau này được ông Thuận mô tả "cuộc trao đổi mang tính trí tuệ" đã đưa người đàn ông này trở thành CTO (Chief Technology Officer) của Uber năm 2013. Lúc ấy, Uber mới có 40 kỹ sư, có mặt ở 60 thành phố và chạy được 13.000 chuyến mỗi ngày trên khắp thế giới. Và đó cũng là khởi điểm cho "những ngày tháng điên rồ tại Uber" của Thuận Phạm.
"Uber phát triển cực nhanh, đến mức chúng tôi không thể tưởng tượng được khả năng tăng trưởng của thị trường. Hãy thử tưởng tượng, con số từ 13.000 chuyến mỗi ngày đã biến thành 30 triệu chuyến và số kỹ sư từ 40 lên hơn 2.000", ông Thuận nói. CTO này tiết lộ thêm, Uber có hơn 10 kỹ sư công nghệ người Việt và trong số đó có một người là nữ và rất tài năng.
Do công ty phát triển quá nhanh, hệ thống gặp lỗi liên tục khiến Thuận Phạm phải làm việc 16h mỗi ngày, chưa kể giữa đêm bị đánh thức 3-4 lần là chuyện bình thường. Đi kèm với đó, việc thay đổi hệ thống cũng diễn ra rất thường xuyên và "nhiều khi chúng tôi phải xé bỏ tất cả mọi thứ đi. Không phải là chờ đến sang năm mà phải phá ngay bây giờ để có thể xây dựng lại hệ thống mới", Thuận Phạm tâm sự.
Lúc đó, các kế hoạch của Tổng giám đốc Công nghệ Uber chỉ là "làm sao để sống sót hết tuần này, tháng sau là quá xa xỉ và đừng nói đến năm sau". Cũng vì thế, Thuận Phạm và các đồng nghiệp sử dụng mọi biện pháp "dữ dằn nhất" để đảm bảo cho công ty có siêu tăng trưởng nhưng không sụp đổ.
Khi trò chuyện về các vấn đề công nghệ cũng như Uber, ông Thuận Phạm đều nói tiếng Anh và rất nhanh. Lý do như vị CTO này thừa nhận là "quá hào hứng" và một phần khác bởi không tự tin khi giải thích mọi vấn đề công nghệ bằng tiếng Việt (ông Thuận Phạm rời Việt Nam khi 10 tuổi và năm nay đã 50 tuổi).
Uber thành công có đóng góp quan trọng của hệ thống công nghệ vận hành tối ưu cho người dùng, lái xe và không gặp sự cố trên diện rộng. Tuy nhiên, đây là điều đạt được sau "hàng nghìn lần thất bại" của Thuận Phạm và những kỹ sư của công ty này.
Năm 2013, khi gia nhập Uber, vị Tổng giám đốc Công nghệ phát hiện ra vấn đề quan trọng nhất là hệ thống lắp ghép giữa người dùng và người lái xe. Khi tìm hiểu về hệ thống công nghệ của công ty, Thuận Phạm còn phát hiện ra một rủi ro tiềm ẩn rất lớn khác: "Lúc đó chỉ cần tháo một chiếc hộp trong hệ thống thì mọi hoạt động của Uber đều bị tê liệt".
Sau đó, vị CTO đã cùng các kỹ sư của mình thiết kế lại hệ thống sao cho bất kỳ chuyện gì xảy ra, hệ thống chỉ bị ảnh hưởng hoạt động ở từng khu vực có sự cố vật lý chứ không bị tê liệt trên diện rộng. Tuy nhiên, chính trong quá trình này, Uber cũng gặp vài lần tê liệt trên diện rộng vì thử nghiệm sai của các kỹ sư.
Trong 18 tháng đầu tiên ở đây, tuần nào cũng có một sự cố xảy ra và "nếu tính số lượng thì chúng tôi có tới hàng nghìn thất bại", "rất nhiều đêm tôi phải thức cùng kỹ sư để sửa lỗi", ông Thuận chia sẻ.
Một lần vì thử nghiệm sai của các kỹ sư công nghệ, toàn bộ hoạt động của Uber tại Chicago bị tê liệt trong 90 phút. Hai tháng sau, một sự cố lớn hơn lại xảy ra khi một kỹ sư cố cải thiện một chức năng trong hệ thống nhưng không đúng, dẫn đến toàn bộ hệ thống Uber bị trục trặc trong 90 phút.
Chưa hết, tháng 5/2015, hệ thống dữ liệu bị lỗi còn khiến Uber trên toàn cầu bị gián đoạn trong 30 giờ; trong thời gian đó, những người dùng mới không thể đăng ký được và tất cả văn phòng Uber đều phải ngừng hoạt động.
Dù gây ra những sự cố rất lớn nhưng không một kỹ sư công nghệ nào tại Uber bị sa thải bởi "nhờ những thất bại đó mà họ trưởng thành và nhận ra nhiều nguyên tắc quan trọng trong thiết kế hệ thống", Thuận Phạm cho biết. Dù Travis Kalanick (CEO Uber thời điểm đó) vô cùng tức giận nhưng hình phạt với các kỹ sư gây ra sự cố là "viết bản kiểm điểm".
Trong bản kiểm điểm đó, các kỹ sư phải chỉ rõ lỗi phát sinh do đâu, thời điểm từng sự kiện, rút ra bài học gì… Điều này tương tự việc phân tích hộp đen của máy bay khi xảy ra sự cố. Vấn đề cần được mổ xẻ để những loại lỗi đó không tái diễn, đồng thời trở thành kinh nghiệm cho những người khác.
Người phụ trách công nghệ của startup giá trị nhất thế giới khẳng định: "Thất bại có giá trị của nó và đừng trừng phạt những kỹ sư của mình vì thất bại. Nếu không trải qua những chuyện đó thì Uber không bao giờ lớn nhanh được. Uber thành công vì có rất nhiều thất bại trên đường đi".
Tuy nhiên, CTO của Uber cũng thừa nhận: "Thất bại xảy ra là do tôi đã không có những thay đổi cần thiết nhanh chóng và không đưa ra được các dự báo chính xác". Ông Thuận Phạm cũng nói thêm: "Có những thứ mình thích nhưng về lâu dài không còn phù hợp thì phải tính trước. Mình giữ cái gì quá lâu sẽ không thể phát triển được những điều cần thiết".
Trao đổi thẳng thắn là một trong những điều được ông Thuận Phạm nhấn mạnh. Nó cũng tương tự như buổi tuyển dụng 30 tiếng giữa ông và Travis Kalanick khiến ông quên mất mình đang trong cuộc phỏng vấn. Ông cho rằng đó là cách để mọi người có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho công ty.
Trong buổi trò chuyện ở Co-working Space, khi một bạn trẻ đưa ra thực trạng là môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam khác với Mỹ và startup Việt thiếu hỗ trợ từ Chính phủ, vị CTO của Uber trả lời: "Startup ở Mỹ hay bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng vậy, không ai dựa vào Chính phủ. Đó là chuyện kinh doanh. Chính phủ không cần thiết đầu tư cho startup vì nó quá rủi ro mà chỉ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp".
Trước khi diễn ra buổi trò chuyện với cộng đồng startup, trong cuộc trao đổi ngắn với giới truyền thông, ông Thuận Phạm chia sẻ: "Rào cản lớn nhất của những bạn trẻ làm khởi nghiệp ở Việt Nam có lẽ là nỗi sợ hãi. Bạn cần sự dũng cảm và dám thất bại".
Tâm sự về chuyến đi tới Việt Nam, Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu nói: "Tôi có mặt ở đây là bước đầu tiên của một chặng đường. Cá nhân tôi rất mong muốn tạo nguồn cảm hứng cho cho các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp".
Tuy nhiên, khi đưa ra tư vấn cho các bạn trẻ muốn làm khởi nghiệp, ông Thuận Phạm có phát biểu gây ngạc nhiên: "Lời khuyên của tôi là đừng suy nghĩ quá nhiều về con đường bởi người ta thường sẽ không biết thực sự nó sẽ ra sao. Khi tốt nghiệp cách đây hơn 20 năm, tôi cũng không biết con đường của mình sẽ đi về đâu. Chỉ mới cách đây 4 năm, tôi mới gia nhập Uber mà thôi và nếu cứ tính toán quá nhiều thì tôi cũng sẽ không làm được gì".
Người đàn ông này bổ sung: "Tôi cam đoan là bạn không thể lập được kế hoạch đúng cho con đường của mình đâu", nhưng với startup thì "quan trọng là phải làm việc 16 tiếng một ngày".
Người gốc Việt nổi tiếng nhất thung lũng Silicon tâm sự: "Bản thân tôi chỉ là một người bình thường, nhờ làm việc chăm chỉ hàng chục năm và may mắn mà có ngày hôm nay. Nếu các bạn cũng chăm chỉ làm việc, cố gắng hết mình thì may mắn sẽ đến và bạn không chỉ tạo được cơ hội cho mình và cho cả những người khác nữa. Và không phải là tôi tìm thấy Uber mà Uber đã tìm thấy tôi".
Trí Thức Trẻ